“Cấm vận” đồng muối, diêm dân mất việc, doanh nghiệp lao đao

Đã hơn 4 năm trôi qua, khiếu nại của các diêm dân ở thôn Vĩnh Hải, xã Vĩnh Hảo, huyện Tuy Phong (tỉnh Bình Thuận) đối với Công ty TNHH Thông Thuận vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Hậu quả là,  cả cánh  đồng muối thẳng cánh cò bay vắng bóng diêm dân và gần 10 ngàn tấn muối bị “ủ” nhiều tháng nay không thể tiêu thụ được do bị người dân “cấm vận”.

Đã hơn 4 năm trôi qua, khiếu nại của các diêm dân ở thôn Vĩnh Hải, xã Vĩnh Hảo, huyện Tuy Phong (tỉnh Bình Thuận) đối với Công ty TNHH Thông Thuận vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Hậu quả, cả cánh  đồng muối thẳng cánh cò bay vắng bóng diêm dân và gần 10 ngàn tấn muối bị “ủ” nhiều tháng nay không thể tiêu thụ được do bị người dân “cấm vận”.

Diêm dân đang sản xuất muối. Ảnh: MH
Diêm dân đang sản xuất muối. Ảnh: MH

Chặng đường… khiếu nại

Nhiều hộ dân ở thôn Vĩnh Hải xã Vĩnh Hảo, huyện Tuy Phong (Bình Thuận)  hơn 4 năm nay liên tục làm đơn khiếu nại gửi các cấp chính quyền, các ngành chức năng về việc Cty TNHH Thông Thuận sản xuất muối gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống của người dân địa phương…

Năm 2010, UBND huyện Tuy Phong được sự chỉ đạo của UBND tỉnh đã lập đoàn khảo sát, đánh giá mức độ thiệt hại và trên cơ sở áp giá tính toán căn cứ theo Quyết định số 14/2008 của UBND tỉnh và đơn giá thực tế tại thời điểm, đã lên danh sách bồi thường với tổng số tiền 349.872.000 đồng. 49 hộ đã chấp nhận số tiền bồi thường và ký cam kết chấm dứt việc khiếu nại với Cty Thông Thuận, nhưng đến cuối năm 2011, 49 hộ này lại đồng loạt tiếp tục làm đơn khiếu nại công ty. Bên cạnh đó,  29 hộ trước đây chưa nhận tiền cũng tiếp tục làm đơn kêu cứu.

Trước tình hình này, UBND tỉnh Bình Thuận tiếp tục chỉ đạo các ngành chức năng, gồm: Sở Tài nguyên và Môi trường; Sở Tài chính; Sở Khoa học và Công nghệ; Sở Xây dựng phối hợp với UBND huyện Tuy Phong cùng xã Vĩnh Hảo và Cty Thông Thuận tính toán phương án bồi thường, hỗ trợ. Các ngành đã thống nhất số liệu kiểm kê cũng như phương án bồi thường, hỗ trợ về đất đai, nhà cửa, vật kiến trúc, cây cối, hoa màu cho từng hộ dân.

Ngày 10/6/2011, tại xã Vĩnh Hảo, UBND huyện Tuy Phong tổ chức cuộc họp với sự có mặt của 29 hộ dân nói trên và công bố tổng số tiền bồi thường thiệt hại cho 29 hộ là 975.307.000 đồng. Với mức đền bù lần sau cao hơn lần trước, nhưng đến nay cũng chỉ có 15 hộ nhận tiền, còn lại 14 hộ vẫn không chấp nhận, trong đó có gia đình bà Huỳnh Thị Hồng Lan ở xóm 5 Vĩnh Hải. Lý do vì sao chưa nhận tiền đền bù?

Bà Lan cho biết: “Vì số tiền đền bù như vậy là chưa thỏa đáng”. Vậy thì mức bao nhiêu là thỏa đáng? Bà Lan “đặt giá” phải trên 170 triệu đồng mới nhận”! Còn chị Nguyễn Thị Của cùng ở xóm 5 Vĩnh Hải đã thực nhận 85.597.000 đồng bồi thường, chị còn cho biết: “mặc dù tôi đã nhận tiền nhưng nếu sau này còn những gì phát sinh thì vẫn còn kiện tiếp”(!?). Có lẽ như thấy được sự “nới tay” trong việc tính giá bồi thường, rằng đợt sau cao hơn đợt trước, cho nên đến nay số hộ khiếu kiện ở thôn Vĩnh Hải từ con số 78 ban đầu nay đã tăng lên thành 149 hộ.

Ngăn chặn sản xuất, công nhân mất việc

Tình hình hiện nay có thể nói trở nên trầm trọng hơn lúc nào hết đối với Cty Thông Thuận. Gần 3 tháng qua DN đã bị ngưng toàn bộ hoạt động, bởi các hộ dân khiếu nại đã “cấm vận” sản xuất muối trên diện tích 216,5ha của công ty. Sản phẩm muối làm ra cũng bị “cấm vận” lưu thông và hiện nay đang tồn kho trên 10 ngàn tấn không tiêu thụ được. Do sản xuất bị đình đốn, hơn 200 công nhân bị mất việc làm và đồng lương cũng bị “ủ” theo hơn 10 ngàn tấn muối tồn đọng…

Không chỉ bị “cấm vận” đối với hoạt động sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của Cty Thông Thuận, các hộ dân còn ngăn cản các đoàn công tác của tỉnh, của huyện khi đến khảo sát thực tế tại đồng muối để nắm tình hình. Đặc biệt, vào ngày 25/11 vừa qua, nhiều hộ dân đã tụ tập la ó, rào chắn các tuyến đường đi vào đồng muối, buộc chính quyền phải can thiệp.

4 năm đã trôi qua, hàng trăm văn bản đã được ban hành, thế nhưng đến nay tình hình tại đồng muối Cty Thông Thuận vẫn lâm vào bế tắc. Thiết nghĩ, chính quyền các cấp tỉnh Bình Thuận cùng Cty TNHH Thông Thuận cần thay đổi “liệu pháp” trong việc giải quyết bồi thường cho các hộ dân, ngoài chính sách đền bù hợp lý cũng nên thực hiện công tác dân vận để có sự chia sẻ và đồng cảm của người dân. Có như vậy, DN mới có điều kiện sớm trở lại hoạt động bình thường và góp phần giải quyết công ăn việc làm ổn định cho diêm dân địa phương.

Bài và ảnh: Duy Ngọc

Đọc thêm