Campuchia xét xử 3 thủ lĩnh Khmer Đỏ

Dưới sự lãnh đạo của Pol Pot – chết năm 1998 - chính quyền Khmer Đỏ đã quét sạch các thành phố, xoá bỏ đơn vị tiền tệ, sở hữu cá nhân, tôn giáo và khiến 1/4 dân số thiệt mạng vì bị tra tấn, bị hành quyết, làm việc quá sức, bệnh tật hoặc chết đói vì nỗ lực của chế độ diệt chủng hòng tạo ra một nền nông nghiệp không tưởng.

Tòa án xét xử tội ác Khmer Đỏ (ECCC) hôm qua (21/11) mở phiên xét xử 3 thủ lĩnh cấp cao của chế độ Khmer Đỏ ở Campuchia sau nhiều tháng trì hoãn kể từ phiên điều trần hồi tháng 6 vừa qua. 3 bị cáo trong phiên tòa bị cáo buộc phạm tội diệt chủng và nhiều tội ác khác.

Một người dân xem ảnh 3 bị cáo dán bên ngoài phòng xử. Ảnh AFP
Một người dân xem ảnh 3 bị cáo dán bên ngoài phòng xử. Ảnh AFP

Trong phiên xử lần này, các bị cáo gồm Nuon Chea (85 tuổi), cựu Chủ tịch nước Khieu Samphan (80 tuổi) và cựu Ngoại trưởng Ieng Sary (86 tuổi) phải ra trình diện trước tòa án tội phạm chiến tranh do Liên Hợp Quốc (LHQ) bảo trợ tại Phnom Penh để đối mặt với những tội ác mà họ gây ra hơn 3 thập kỷ trước.

“Đây là một cột mốc quan trọng khi phiên tòa cuối cùng cũng diễn ra. Nhiều người thậm chí không bao giờ nghĩ rằng chuyện này sẽ xảy ra”, người phát ngôn của ECCC Lars Olsen nói.

3 bị cáo trên bị cáo buộc phạm tội ác chiến tranh, tội ác chống lại loài người và tội diệt chủng liên quan đến cái chết của gần 2 triệu người trong giai đoạn từ năm 1975 đến 1979.

Trong đó, Nuon Chea là kẻ cầm đầu bộ máy an ninh mật, trực tiếp chỉ huy nhà tù khét tiếng Tuol Sleng (mật danh S-21) – nơi giam giữ và hành quyết gần hết 16.000 tù nhân tại nhà tù. Tuy nhiên, cả 3 đều chối bỏ những cáo buộc trên.

Trong phiên tòa diễn ra hôm qua, nhân vật số 4 Ieng Thirith – “Đệ nhất phu nhân” và là Bộ trưởng Y tế - Xã hội của chế độ Khmer Đỏ - đã vắng mặt do được cho là không đủ sức khỏe để ra tòa vì bị chứng mất trí nhớ.

Các thẩm phán trước đó đã ra lệnh phóng thích Ieng Thirith nhưng bị cáo nữ duy nhất này hiện vẫn đang bị quản thúc chờ cơ quan tố tụng xem xét yêu cầu kháng cáo quyết định trên.

Hàng trăm người dân Campuchia – trong đó có các nhà sư, sinh viên và những người sống sót dưới thời Khmer Đỏ - đã đến tham dự phiên tòa kéo dài 4 ngày này.

“Tôi cảm thấy rất hạnh phúc. Tôi đến đây vì tôi muốn tìm hiểu xem câu chuyện đã xảy ra như thế nào”, một nông dân đã mất đến 11 người thân dưới thời Khmer Đỏ tên Sao Kuon nói.

Một số phần trong thủ tục tố tụng sẽ được tường thuật trực tiếp trên truyền hình. Gần 4.000 nạn nhân cũng sẽ tham gia vào các thủ tục pháp lý với tư cách là các bên dân sự.

Dưới sự lãnh đạo của Pol Pot – chết năm 1998 - chính quyền Khmer Đỏ đã quét sạch các thành phố, xoá bỏ đơn vị tiền tệ, sở hữu cá nhân, tôn giáo và khiến 1/4 dân số thiệt mạng vì bị tra tấn, bị hành quyết, làm việc quá sức, bệnh tật hoặc chết đói vì nỗ lực của chế độ diệt chủng hòng tạo ra một nền nông nghiệp không tưởng.

Do những lo ngại về việc các bị cáo – đều đã ở tuổi 80 và mắc nhiều chứng bệnh khác nhau - có thể không còn sống đến khi phán quyết của tòa án được đưa ra, ECCC mới đây đã quyết định chia vụ việc phức tạp thành một loạt các phiên tòa nhỏ hơn để xét xử. Tuy nhiên, trong bài diễn văn khai mạc phiên tòa, cơ quan tố tụng và các luật sư bảo vệ vẫn nêu ra tất các cáo buộc đối với bộ 3.

Công tố viên Chea Leang cũng trình bày về sự “tàn nhẫn” của việc bắt buộc sơ tán, về “những điều kiện không thể chấp nhận được” tại các trại lao động bắt buộc và về những nạn nhân bị cưỡng hôn – những người “bị ép quan hệ tình dục” với những đối tác được chỉ định nếu không muốn bị giết hại.

“Những tội ác do các bị cáo ra lệnh và sắp đặt đã gây ra một trong những nỗi kinh hoàng lớn nhất trong lịch sử hiện đại” – bà Chea Leang nói và dẫn chứng về một trại lao động ở phía Đông Bắc Campuchia – nơi trung bình có từ 70 đến 80 người chết mỗi ngày.

Trong số 3 bị cáo, chỉ có cựu Chủ tịch nước Khieu Samphan nói rằng sẽ hợp tác với tòa án. Tại phiên điều trần hồi tháng 6, Khieu Samphan khẳng định mình “không biết hết” về những sự việc đã xảy ra nhưng sẽ giúp phiên tòa tìm ra “sự thật” về vụ việc.

Trước phiên tòa vừa mở ra, cuối năm 2010, ECCC đã tuyên án 30 năm tù giam đối với “Duch” – cựu Giám đốc nhà tù Tuol Sleng - vì phạm tội ác chiến tranh và các tội ác chống lại loài người, liên quan đến cái chết của 15.000 tù nhân tại nhà tù Tuol Sleng.

Bảo An (theo AFP)

Đọc thêm