Thời gian qua, một số cán bộ kiểm lâm khi thi hành công vụ đã có hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, lạm dụng quyền hạn để dừng các phương tiện đang lưu thông không đúng quy định, gây cản trở lưu thông hàng hóa hợp pháp, ảnh hưởng đến hình ảnh của người cán bộ kiểm lâm…
Hiện nay, một số địa phương tình trạng xâm hại tài nguyên rừng vẫn xảy ra nghiêm trọng, lực lượng Kiểm lâm còn tập trung kiểm tra trên đường giao thông; công tác kiểm tra chấp hành pháp luật trong quản lý lâm sản bị buông lỏng hoặc không thường xuyên; việc đấu tranh ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật hiệu quả chưa cao.
Ngoài ra, một số cán bộ công chức Kiểm lâm chưa làm tròn trách nhiệm được giao, có biểu hiện lạm dụng quyền hạn để dừng các phương tiện đang lưu thông không đúng quy định, gây cản trở lưu thông hàng hóa hợp pháp, có hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực. Bên cạnh đó, việc xử lý đối với cán bộ, công chức vi phạm pháp luật chưa nghiêm và kịp thời, có biểu hiện bao che, né tránh, nể nang làm ảnh hưởng xấu đến uy tiến của lực lượng Kiểm lâm và gây bức xúc trong dư luận.
Trước thực trạng này, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn vừa có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung thực hiện, nhằm tăng cường chấn chỉnh hoạt động của lực lượng Kiểm lâm, nghiêm cấm lực lượng Kiểm lâm tùy tiện dừng phương tiện vận tải để kiểm tra lâm sản.
Đơn vị có cán bộ, công chức vi phạm các quy định của ngành, sách nhiễu, nhận hối lộ hoặc có hành vi tiêu cực khác thì thủ trưởng đơn vị cũng phải bị xử lý về trách nhiệm; tập thể, lãnh đạo, cá nhân có liên đới không được xét danh hiệu thi đua trong thời hạn ít nhất là 1 năm. Khi có thông tin từ các phương tiện thông tin đại chúng hoặc từ các tổ chức, cá nhân phản ánh về sai phạm, tiêu cực của cán bộ, công chức Kiểm lâm thì thủ trưởng có cán bộ, công chức đó phải nhanh chóng xác minh, kết luận vụ việc, trả lời người phản ánh; xử lý hoặc đề xuất xử lý đúng pháp luật đối với cán bộ, công chức có sai phạm.
Bộ NN&PTNT cũng đề nghị các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra nội bộ về hoạt động và thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, công chức Kiểm lâm, nhất là đối với người được giao nhiệm vụ liên quan đến kiểm tra, kiểm soát lâm sản; chấn chỉnh tác phong làm việc của cán bộ công chức Kiểm lâm; khi thi hành nhiệm vụ công chức kiểm lâm phải chấp hành nghiêm túc các quy định của ngành như mặc đồng phục, đeo cấp hiệu, phù hiệu... ;khi tiếp xúc với tổ chức, công dân phải đúng mực, lịch sự; thực hiện đúng trình tự, thủ tục pháp luật, không được đặt ra các yêu cầu ngoài quy định của pháp luật.
Ngoài ra, các tỉnh, thành phố, rà soát sắp xếp cán bộ công chức phù hợp yêu cầu công tác; tiếp tục kiện toàn Kiểm lâm địa bàn xã để tham mưu cho chính quyền cơ sở thực hiện tốt công tác quản lý bảo vệ rừng “tại gốc” và tăng cường lực lượng kiểm tra lâm sản tại nơi chế biến, tiêu thụ; kiểm tra, kiểm soát hồ sơ khai thác và lâm sản, không để tình trạng quay vòng hồ sơ lâm sản.
Bộ này cũng yêu cầu các cơ quan Kiểm lâm phải tổ chức tiếp công dân theo đúng quy định; thiết lập công khai thông tin đường dây nóng, hòm thư góp ý để quần chúng nhân dân biết, giám sát và góp ý kiến có hiệu quả đối với hoạt động của kiểm lâm; kịp thời xử lý những thông tin nhận được theo đúng quy định; bảo vệ, động viên khen thưởng đối với những người tích cực, hợp tác với tinh thần xây dựng.
Việt Nga