Cán bộ pháp chế được hưởng phụ cấp ưu đãi

 Thay thế Nghị định số 122/2004/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức pháp chế các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và doanh nghiệp nhà nước, Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 55/2011/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế. Nghị định gồm 4 Chương, 18 Điều và có hiệu lực thi hành từ ngày 25/8/2011.
Thay thế Nghị định số 122/2004/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức pháp chế các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và doanh nghiệp nhà nước, Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 55/2011/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế. Nghị định gồm 4 Chương, 18 Điều và có hiệu lực thi hành từ ngày 25/8/2011.

Thống nhất về tổ chức

Để tránh tình trạng không thống nhất về tổ chức pháp chế, Nghị định số 55/2011/NĐ-CP đã nêu rõ: Bộ, cơ quan ngang Bộ có Vụ Pháp chế; cơ quan thuộc Chính phủ có Ban Pháp chế hoặc Phòng Pháp chế trực thuộc Văn phòng.

Ban Pháp chế hoặc Phòng Pháp chế của cơ quan thuộc Chính phủ là điểm mới của Nghị định số 55/2011/NĐ-CP so với Nghị định số 122/2004/NĐ-CP. Căn cứ vào nhu cầu công tác pháp chế, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ trình Thủ tướng Chính phủ quyết định việc thành lập tổ chức pháp chế ở các Tổng cục và tương đương thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ.

Ở địa phương, Phòng Pháp chế được thành lập ở 14 Sở sau: Nội vụ, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Thông tin và Truyền thông, Lao động – Thương binh và Xã hội, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Khoa học và Công nghệ, Giáo dục và Đào tạo, Y tế.

Căn cứ vào nhu cầu công tác pháp chế, Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định việc thành lập Phòng Pháp chế hoặc quyết định việc bố trí công chức pháp chế chuyên trách ở các cơ quan chuyên môn được thành lập theo đặc thù riêng của từng địa phương và ở các cơ quan chuyên môn ngoài 14 Sở nói trên.

Đối với doanh nghiệp nhà nước, căn cứ vào nhu cầu công tác, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch công ty, Tổng giám đốc, Giám đốc quyết định thành lập tổ chức pháp chế hoặc bố trí nhân viên pháp chế chuyên trách.

Hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề

Đặc biệt, theo Nghị định số 55/2011/NĐ-CP, công chức, cán bộ và viên chức pháp chế của các cơ quan nhà nước sẽ được hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề. Bộ Tư pháp được giao chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với người làm công tác pháp chế.

Tuy nhiên, đội ngũ này cũng phải đáp ứng tiêu chuẩn cao hơn là có trình độ cử nhân luật trở lên. Nếu chưa có thì phải tham gia chương trình đào tạo về pháp luật và bồi dưỡng kỹ năng, chuyên môn, nghiệp vụ về công tác pháp chế do Bộ Tư pháp tổ chức và sau 5 năm phải đạt trình độ cử nhân luật. Ngoài trình độ cử nhân luật trở lên, người đứng đầu tổ chức pháp chế còn phải có ít nhất 5 năm trực tiếp làm công tác pháp luật.

Các doanh nghiệp nhà nước có thể vận dụng tiêu chuẩn, chế độ của người làm công tác pháp chế tại các cơ quan nhà nước để lựa chọn, bố trí, sử dụng và quyết định chế độ đối với nhân viên pháp chế.

Hoàng Thư

Đọc thêm