Nhiều doanh nghiệp (DN) đang trên bờ vực phá sản trong khi lại rất khó tiếp cận nguồn vốn, hàng tồn kho lớn, không tiêu thụ được, Chính phủ cần có nhiều giải pháp thiết thực, cụ thể để “cứu” DN. Đó là ý kiến của nhiều Đại biểu Quốc hội khi thảo luận về tình hình kinh tế xã hội những tháng đầu năm 2012.
|
ĐB Bùi Thị An (Hà Nội): “Chính phủ cần đánh giá lại mô hình tăng trưởng”. |
Giảm thuế cho DN: Cần làm ngay
Phần lớn các ĐBQH chung nhận định, trước tình hình khó khăn của những tháng đầu năm, Chính phủ đã có những nỗ lực rất lớn trong điều hành kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát. Tuy nhiên, nhiều ĐBQH tỏ rõ sự quan ngại khi mặt trái của các chính sách “thắt chặt hầu bao” tác động trực tiếp đến các DN hiện nay.
“Dù Chính phủ đã có Nghị quyết 13 ngày 10/5/2012 về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường nhưng thực tế từ nhiều chính sách ban hành trước cho thấy, DN tiếp cận rất khó khăn” - ĐB Nguyễn Hùng Sơn (Hà Nội) lên tiếng. “Nếu quy định giảm 30% thuế thu nhập DN thì chỉ có khoảng 1/3 số lượng DN được hưởng chính sách này (vì đây là số làm ăn có lãi). Số còn lại khó khăn vẫn hoàn khó khăn”. Ông Sơn cũng đề xuất Chính phủ cần lấy ý kiến trực tiếp từ DN để xem họ cần “gỡ” ở đâu để có những giải pháp cụ thể, thiết thực.
Chung nhận định này, ĐB Nguyễn Minh Quang (Hà Nội) cho biết tình trạng DN vừa và nhỏ phải “đi đêm” trong tiếp cận nguồn vốn là khá phổ biến. Nhiều dự án phải nộp thuế đất một lần khiến DN “cụt” cả vốn làm ăn vì phải trả lãi suất ngân hàng rất cao. Đánh giá một số giải pháp chưa thực sự thiết thực, kịp thời, ông Quang đề nghị: “Chính phủ cần quyết liệt triển khai nhanh Nghị quyết 13 để cứu DN đang hấp hối”.
Ủng hộ Chính phủ đề xuất miễn giảm thuế, nhưng ĐB Trần Du Lịch (TP.Hồ Chí Minh) cũng chia sẻ: Miễn giảm thuế là lựa chọn khó khăn của Quốc hội trong tình hình hiện nay vì miễn giảm thuế có thể làm giảm thu 2012, nhiều công trình phải chậm lại, nhưng nếu không gỡ khó cho DN thì năm 2013 nguồn thu sẽ gặp nhiều khó khăn. Cùng với đó, cần đẩy mạnh giải quyết hàng tồn kho cho doanh nghiệp, giảm thuế VAT cho DN. Hàng triệu DN, hộ kinh doanh cá thể đang trông chờ vào quyết định của Quốc hội. Phải tồn tại thì mới tái cấu trúc nền kinh tế được.
Còn ĐB Võ Thị Dung (TPHCM) đề nghị Chính phủ phải giải trình về sử dụng nguồn vốn ở các tập đoàn kinh tế Nhà nước, làm rõ những lãng phí (nhất là đầu tư ở các DNNN) dàn trải, thiếu hiệu quả để bảo đảm việc sử dụng ngân sách, tiền thuế của người dân phải hiệu quả hơn
Phải “vực” dậy tốc độ tăng trưởng
Về tốc độ tăng trưởng GDP quý I năm 2012 chỉ đạt 4%, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2011 (5,57%) và năm 2010 (5,84%), nhiều ĐB tỏ rõ lo lắng về con số này, và cho rằng, trong chưa đầy 3 quý còn lại, nếu không có quyết tâm cao, tập trung cao độ thì khó đạt được mục tiêu GDP đặt ra là 6-6,5%. “Tăng trưởng chỉ đạt 4% thì không thể nói là yên tâm” - ĐB Trần Văn Hằng (Nghệ An) khẳng định.
Cho rằng, nhiều giải pháp Chính phủ đưa ra còn mang tính vĩ mô “năm nào cũng thế” ông Hằng đề xuất, vấn đề cần ưu tiên số một hiện nay là tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh với 4 nội dung quan trọng. Đó là miễn giảm thuế cho DN; điều chỉnh lãi suất ngân hàng cho phù hợp; đẩy mạnh xúc tiến thương mại trong và ngoài nước; có biện pháp hỗ trợ xử lý hàng tồn đọng của DN. Đặc biệt ông Hằng nhấn mạnh, “các giải pháp phải cụ thể, đừng để DN phải tự xoay”.
Còn ĐB Bùi Thị An (Hà Nội) kiên quyết: “Chính phủ cần đánh giá lại mô hình tăng trưởng, xem cái gì được và chưa được để có “liều thuốc đặc trị hơn”. ĐB An đặt câu hỏi: “Phải xác định cho bằng được tái cơ cấu bắt đầu từ đâu?”.
ĐB Lê Văn Lai (Quảng Nam) cũng nhấn mạnh, các chỉ tiêu của quý I đều rất đáng báo động. Để đạt GDP cả năm đúng chỉ tiêu đề ra, những tháng còn lại phải đạt kết quả cao. Đây là bài toán bắt buộc phải nghiên cứu, phải có quyết sách và biện pháp phải căn cơ.
Thu Hằng