“Tồn tại lớn nhất trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) hiện nay chính là ý thức chấp hành pháp luật”, Vụ trưởng Vụ PBGDPL Nguyễn Duy Lãm nhận định tại Hội thảo đánh giá thực trạng công tác PBGDPL trong nhà trường do Bộ Giáo dục Đào tạo, Bộ Tư pháp đồng tổ chức hôm qua, tại Hà Nội.
Giáo dục pháp luật được đưa vào trường học từ năm 1987, theo đánh giá của Vụ trưởng Nguyễn Duy Lãm, công tác này ngày càng được chú trọng. PBGDPL ngày càng được triển khai rộng khắp trong các trường học, đặc biệt kể từ khi Ban Bí thư có Chỉ thị 32 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác này.
Đổi mới PBPL trong trường học còn thể hiện ở cách thức tiến hành, ở công tác chỉ đạo, hoàn thiện chương trình, sách giáo khoa, tài liệu hỗ trợ, kiện toàn và nâng cao chất lượng của đội ngũ giáo viên. Tuy nhiên, cũng theo đánh giá của ông Lãm, PBPL trong trường học còn nhiều tồn tại, hạn chế.
Đồng tình, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Giáo dục Đào tạo (GDĐT) Chu Hồng Thanh cũng đánh giá cao sự phối hợp giữa hai Bộ trong suốt thời gian qua, nhưng chỉ rõ “công tác PBGDPL trong trường học còn quá nhiều việc phải làm”.
Giáo viên: dạy không đúng chuyên môn
Vụ PBGDPL chỉ ra rằng: đội ngũ giáo viên, giảng viên giảng dạy môn pháp luật, giáo dục công dân còn thiếu nhiều. Tình trạng dạy không đúng chuyên môn ở THCS, THCN còn phổ biến, đội ngũ cán bộ làm công tác PBPL, báo cáo viên pháp luật còn thiếu về số lượng, hạn chế về trình độ chuyên môn.
Làm rõ hơn nhận định này, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục thường xuyên, Bộ GDĐT Nguyễn Thị Thu Huyền cho biết: mạng lưới các cơ sở giáo dục thường xuyên (GDTX) liên tục phát triển, đông đảo nhất là trên 600 trung tâm GDTX cấp huyện, 9.990 trung tâm học tập cộng đồng ở xã, phường, thị trấn và 1.243 trung tâm ngoại ngữ tin học với con số hàng vạn học viên.
Tuy nhiên, theo bà Huyền “đối tượng học ở các trung tâm này thường là người không có điều kiện học chính quy, người cao tuổi, tập trung phần lớn ở vùng sâu, vùng xa, trình độ có hạn nên việc dạy pháp luật cho họ là rất khó khăn”.
Nói về đội ngũ giáo viên, bà Huyền cho biết: Hầu hết các cơ sở GDTX chưa có giáo viên trực tiếp làm công tác PBPL. Những cơ sở thực hiện môn tự chọn là môn giáo dục công dân để đưa vào giảng dạy thì hầu hết sử dụng giáo viên thỉnh giảng, trong khi đội ngũ báo cáo viên pháp luật gần như không được bố trí.
Chung tình trạng, đại diện Sở GDĐT TP. Hồ Chí Minh thông tin: đa số giáo viên dạy giáo dục công dân trên địa bàn chưa được đào tạo chuyên môn về pháp luật; thiếu tự tin khi lên lớp; kiến thức truyền đạt mang tính hàn lâm. Trong giảng dạy còn lệ thuộc, bám sát sách giáo khoa …còn phổ biến.
Giải pháp phải thiết thực
Có thể nói, chưa bao giờ công tác PBGDPL được quan tâm như hiện nay. Với hàng loạt chương trình, đề án mang tầm quốc gia, đặc biệt mới đây nhất là “Đề án tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao ý thức pháp luật cho thanh thiếu niên giai đoạn 2011 – 2015” do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là tiền đề quan trọng để thực hiện có hiệu quả PBPL trong tầng lớp thanh thiếu niên, trong đó có đối tượng học sinh, sinh viên trong trường học
Vấn đề còn lại là phải hành động cụ thể với những giải pháp thiết thực. Sở GDĐT tỉnh Lạng Sơn kiến nghị: cần chỉ đạo tổ chức Hội thi giáo viên giỏi, thi học sinh giỏi các cấp môn đạo đức, môn giáo dục công dân, môn pháp luật nhằm khuyến khích cả thầy và trò dạy và học tốt hơn các môn học này.
Còn theo ông Phạm Thanh Toàn, Phó Giám đốc Sở GDĐT Ninh Bình thì kiện toàn tổ chức bộ máy Hội đồng phối hợp công tác PBGDPL và nâng cao chất lượng hoạt động của các hội đồng này trong ngành giáo dục cũng là một kênh để tăng cường hiệu quả của PBPL trong nhà trưởng. Bên cạnh đó, PBGDPL phải liên tục được đổi mới theo hướng thiết thực và hấp dẫn hơn.
“Nhiều người hỏi tôi là tại sao không đưa việc giảng dạy pháp luật vào trường học, trong khi thực tế chúng ta đã làm hơn 20 năm nay. Nhưng vấn đề là vì người ta vẫn quan niệm đây là môn học phụ nên xem nhẹ nó, đến nỗi tưởng như... không có. Đã đến lúc chúng ta phải thi tốt nghiệp đối với môn học giáo dục công dân, có như thế thì mới thay đổi nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của người học”.
(Ông Nguyễn Duy Lãm, Vụ trưởng Vụ PBGDPL, Bộ Tư pháp)