Cần khởi kiện các doanh nghiệp nợ đọng bảo hiểm xã hội

(PLO) - Trong hai ngày (27-28/4), tại TP HCM, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức Phiên họp toàn thể lần thứ 6, thảo luận nhiều nội dung quan trọng thuộc lĩnh vực lao động – thương binh – xã hội và y tế.

Báo cáo về tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội (BHXH), quản lý và sử dụng quỹ BHXH năm 2016, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Doãn Mậu Diệp cho biết, đến hết năm 2016, tổng số người tham gia BHXH là hơn 13 triệu người, tăng hơn 775.000 người so với năm 2015; số thu BHXH đến hết năm 2016 ước đạt 174,5 nghìn tỷ đồng; nợ BHXH bắt buộc là 6,55 nghìn tỷ đồng. 

1.400 tỷ đồng nợ BHXH mất khả năng đòi

Cũng theo ông Diệp, hiện nay các đơn vị, doanh nghiệp vi phạm pháp luật về BHXH còn diễn ra phổ biến. Các vi phạm điển hình là không đóng hoặc đóng không đủ số người thuộc diện tham gia; chiếm dụng tiền đóng BHXH của người lao động; ghi mức lương trong hợp đồng lao động thấp hơn thực trả; ký hợp đồng theo thời vụ nhiều lần để trốn đóng BHXH…

Năm 2016 là năm đầu tiên cơ quan BHXH thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH. Cơ quan BHXH các cấp đã thực hiện 7.578 cuộc thanh tra, kiểm tra tại hơn 13.000 đơn vị sử dụng lao động. Qua đó, phát hiện gần hơn 39.400 trường hợp người lao động chưa được đóng bảo hiểm hoặc được đóng thiếu thời gian với số tiền trên 23,6 tỷ đồng; 6.800 lượt người hưởng sai quy định gần 7,9 tỷ đồng…

Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu Quốc hội cho rằng, doanh nghiệp có muôn vàn cách để trốn đóng bảo hiểm, song chúng ta chưa có biện pháp hiệu quả trong việc vận động, bắt buộc doanh nghiệp đóng BHXH. Trong khi đó, vai trò quản lý nhà nước về kiểm tra, xử lý, giám sát doanh nghiệp chưa sát sao, kịp thời, dẫn tới quyền lợi của người lao động bị vi phạm. Nhiều doanh nghiệp chưa nghiêm túc trong việc tuân thủ quy định của pháp luật về BHXH. Đáng chú ý là có khoảng 1.400 tỷ đồng nợ BHXH mất khả năng đòi.

Trước vấn đề được nêu, ông Trần Đình Liệu, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cho biết, trong thời gian tới, ngành bảo hiểm sẽ phối hợp với Thanh tra Nhà nước và Bộ LĐTB&XH tập trung thanh tra các doanh nghiệp, chủ yếu là doanh nghiệp tư nhân. “Trong năm 2017-2018, mục tiêu của BHXH với cơ quan thuế là sẽ thanh tra đột xuất hết số nợ bảo hiểm còn tồn đọng”- ông Liệu cương quyết.

Làm rõ việc thu - chi

Đưa ra những nguyên nhân của tình trạng nợ đọng BHXH, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi nhận định, hiện nay, sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng liên quan chưa tốt; đồng thời vẫn còn sự bất cập giữa Bộ luật Lao động, Luật BHXH, Luật Công đoàn… nên đến nay toà án chưa đưa ra xét xử vụ nào. 

Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật mới đi theo chiều rộng, chưa đi vào chiều sâu, chưa bao phủ được hết những đối tượng thật sự cần tuyên truyền. Còn 3 năm nữa để thực hiện mục tiêu đạt 50% tổng số lao động đóng BHXH, hiện chúng ta mới đạt được 24,6% (trong tổng số hơn 53 triệu lao động). Đây là một thách thức khi mở rộng đối tượng tham gia BHXH trong tương lai. 

Vì vậy, ông Lợi đề nghị BHXH Việt Nam cần triển khai nhanh chức năng thanh tra chuyên ngành; tiếp tục đôn đốc để thu nợ cho vay của ngân hàng; phối hợp chặt chẽ với Liên đoàn Lao động Việt Nam trong việc khởi kiện các doanh nghiệp nợ đọng BHXH; tăng cường hiệu quả công tác đầu tư quỹ BHXH và bảo hiểm thất nghiệp để làm sao đảm bảo an toàn và tăng trưởng tốt… 

Liên quan đến tính minh bạch của việc thu - chi, quản lý, sử dụng quỹ BHXH, nhiều đại biểu đề nghị phải được làm rõ hơn, bởi quỹ này được hình thành từ nguồn đóng góp của những người tham gia đóng BHXH nên tác động rất lớn đến tâm lý của người đóng và họ cần được biết một cách cụ thể. 

Đọc thêm