Cần làm rõ vụ "điều tra viên "khoác tội" cho bị can"

ĐTV Toản thụ lý một số trường hợp thuê xe của Cty Thành Công rồi không trả, có dấu hiệu chiếm đoạt tài sản. Trong quá trình giải quyết, ĐTV đã nhận 40 triệu đồng của doanh nghiệp để “làm nghiệp vụ” và hứa khi nào bắt được can phạm thì sẽ trả lại. Những việc làm này của ĐTV cần phải được làm rõ và xử lý nghiêm minh...

Trong lúc vụ án bế tắc vì những chứng cứ buộc tội thiếu khách quan và không đầy đủ thì điều tra viên của vụ án bị tố cáo làm sai lệch hồ sơ…

Thu giữ tang vật trái pháp luật

Báo PLVN mới có bài “Điều tra viên thay chứng cứ để "khoác tội" cho bị can” phản ánh vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản do các cơ quan tiến hành tố tụng quận Kiến An, TP Hải Phòng giải quyết có nhiều vi phạm tố tụng dẫn đến buộc tội sai đối với bị cáo Vũ Đức Anh. Trong lúc vụ án phải điều tra, xét xử lại thì điều tra viên (ĐTV) của vụ án, ông Khúc Văn Toản đã bị yêu cầu thay đổi. Gia đình bị cáo cho rằng, ĐTV này cố ý làm sai lệch hồ sơ vụ án với những bằng chứng thuyết phục.

Sau khi sự việc chiếc ô tô 16M-4331 của Cty Thành Công bị Vũ Mạnh Thắng 9 (trú tại phường Đống Đa, TP Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) cầm giữ và buộc Đức Anh phải viết giấy “cầm xe”, Đức Anh đã điện thoại nhờ mẹ là bà Nguyễn Thị Kim Oanh báo Công an quận Kiến An nhờ can thiệp lấy xe về. Nhờ thông tin này, ĐTV Khúc Văn Toản, Công an quận Kiến An đã biết sự việc và địa chỉ của người giữ xe.

Để lấy được xe ô tô về, ngày 7/12/2009, ĐTV Toản đã có mặt tại phường Đống Đa, TP Vĩnh Yên để yêu cầu Vũ Mạnh Thắng giao chiếc xe Innova 16M-4431 bằng việc lập Quyết định thu giữ tang vật của vụ án số 164. Thực tế, lúc “thu giữ tang vật” thì Công an quận Kiến An chưa khởi tố vụ án và chưa phân công ĐTV. Vì thế, việc ông Toản lập quyết định thu giữ tang vật của vụ án là trái pháp luật.

Theo Luật sư Trần Hồng Lĩnh, trong hồ sơ vụ án không tồn tại “Quyết định thu giữ tang vật” số 164 ngày 7/12/2009. Vì khi chưa có việc khởi tố vụ án và phân công của Thủ trưởng CQĐT, việc ĐTV tự ý “thụ lý” đơn của công dân và nhân danh CQĐT để thực hiện các hoạt động tố tụng là có dấu hiệu của việc lợi dụng chức vụ, quyền hạn. Đến khi gia đình bị cáo có đơn tố cáo ĐTV thì Quyết định 164 mới “xuất hiện trở lại” nhưng trong phần căn cứ của quyết định này đã được sửa chữa. Thay vì phải căn cứ vào quyết định khởi tố vụ án, quyết định này lại căn cứ vào trình báo của bị hại.

Đây là nội dung thể hiện việc làm trái pháp luật của ĐTV, có dấu hiệu làm sai lệch hồ sơ vụ án dẫn đến làm thay đổi bản chất của vụ việc. Khi sự việc xảy ra, gia đình bà Oanh báo cho Công an quận Kiến An biết sự việc nhưng tin báo này đã không được thụ lý, giải quyết mà ĐTV Khúc Văn Toản đã thụ lý đơn tố cáo của anh Nguyễn Văn Phiên (người thuê xe giúp Đức Anh) rồi tự mình thực hiện việc thu hồi xe bằng quyết định tịch thu tang vật không đúng pháp luật. Việc làm không đúng quy trình và thẩm quyền này đã đẩy Đức Anh từ chỗ không có ý thức chiếm đoạt chiếc xe vào cảnh tù tội.

Làm giả lý lịch người liên quan?

Bà Nguyễn Thị Kim Oanh đã nhiều có đơn gửi VKSNDTC phản ánh những sai phạm của ĐTV Toản với nhiều nội dung có căn cứ pháp luật và đã được Tòa án ghi nhận trong bản án phúc thẩm. Trong đó, có cả việc “bịa” là một cảnh sát khu vực trong biên bản xác minh lý lịch của người liên quan.

Ngày 7/12/2009, khi đến thu hồi chiếc xe do anh Thắng đang giữ, ĐTV Toản lập biên bản xác minh lý lịch của Vũ Mạnh Thắng, có nhận xét của cảnh sát khu vực tên là Nguyễn Minh. Tuy nhiên, cơ quan chức năng đã xác định không có cảnh sát khu vực nào tên là Nguyễn Minh như trong biên bản xác minh lý lịch của anh Thắng. Như vậy, việc dựng lên một cảnh sát khu vực “ảo” trong biên bản xác minh lý lịch của Vũ Mạnh Thắng có phải tạo dựng hồ sơ để cố ý buộc tội Đức Anh?

Việc xác minh lý lịch của Vũ Mạnh Thắng có vai trò quan trọng trong việc giải quyết vụ án. Vũ Mạnh Thắng là cháu của anh Vũ Văn Hoàn (bạn của Đức Anh) và đây là lý do mà Đức Anh có thể gặp Thắng tại nhà anh Hoàn, từ đó dẫn đến việc Đức Anh và Thắng chơi bạc theo hình thức bao đề và Đức Anh thua bạc nên phải tạm đặt xe để đảm bảo trả nợ. Sau đó, Đức Anh đã nhờ mẹ báo côan nhờ can thiệp để lấy xe ra, kể cả chấp nhận bị khởi tố về tội đánh bạc.

Tuy nhiên, ngày 8/12/2009, khi Đức Anh đầu thú để khai nhận việc đánh bạc này liền bị bắt khẩn cấp về tội “Lừa đảo”. Những thông tin về Vũ Mạnh Thắng đã bị làm sai lệch dẫn đến sự việc cũng bị làm sai lệch để dễ quy kết Đức Anh phạm tội lừa đảo vì đã mang xe đến gặp Vũ Mạnh Thắng để “đặt”. Thậm chí, một người bạn của Đức Anh là Đào Duy Thành cũng bị “ỉm” đi không lấy lời khai để không làm rõ có việc đánh bạc của Đức Anh với Vũ Mạnh Thắng và hướng điều tra về tội lừa đảo.

Những tố cáo của bà Oanh đã được Cục Điều tra, VKSNDTC xác minh. Trong Vn bản số 267 ngày 11/8/2011 gửi bà Oanh, Cục Điều tra cho biết đã xác định được việc ĐTV có một số vi phạm các quy định của pháp luật trong quá trình điều tra. Những sai phạm này của ĐTV cũng được TAND TP Hải Phòng nêu trong Bản án phúc thẩm ngày 10/11/2011.

Những sai phạm của ĐTV là nguyên nhân trực tiếp gây oan sai trong vụ án này. Điều đáng quan ngại hơn là những sai phạm này không phải là thiếu sót nghiệp vụ mà có tính chất cố ý. Cũng cần phải nói thêm, trong thời điểm năm 2009, ĐTV Toản thụ lý một số trường hợp thuê xe của Cty Thành Công rồi không trả, có dấu hiệu chiếm đoạt tài sản. Trong quá trình giải quyết, ĐTV đã nhận 40 triệu đồng của doanh nghiệp để “làm nghiệp vụ” và hứa khi nào bắt được can phạm thì sẽ trả lại. Những việc làm này của ĐTV cần phải được làm rõ và xử lý nghiêm minh.

Điều 300 Bộ luật Hình sự: Tội làm sai lệch hồ sơ vụ án 

1. Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán, Hội thẩm, Thư ký Toà án, nhân viên tư pháp khác, người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự nào mà thêm, bớt, sửa đổi, đánh tráo, huỷ, làm hư hỏng các tài liệu, vật chứng của vụ án hoặc bằng các thủ đoạn khác nhằm làm sai lệch nội dung hồ sơ vụ án, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm.

Bình Minh

Đọc thêm