Cần mở rộng đối tượng được trợ giúp pháp lý?

 Trong điều kiện mở rộng quan hệ quốc tế, phát triển trợ giúp pháp lý (TGPL) theo hình thức nào là vấn đề đặt ra không chỉ với công tác TGPL của Việt Nam mà còn đối với nhiều nước trên thế giới.

Trong điều kiện mở rộng quan hệ quốc tế, phát triển trợ giúp pháp lý (TGPL) theo hình thức nào là vấn đề đặt ra không chỉ với công tác TGPL của Việt Nam mà còn đối với nhiều nước trên thế giới.

Có thể khẳng định vào thời điểm này, TGPL là xu hướng tiến bộ, là yêu cầu tất yếu khách quan của nhà nước pháp quyền. Vì vậy, hầu hết các quốc gia đều xác định TGPL thuộc trách nhiệm của Nhà nước và rất quan tâm, chú trọng phát triển nhằm thu hút những người hành nghề luật sư và toàn xã hội trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhóm người được ưu đãi, nhóm người yếu thế, dễ bị tổn thương. TGPL cũng là một trong những trọng tâm của phong trào “Trao quyền pháp luật cho người nghèo” trong vài năm gần đây của Liên Hợp quốc.

Trong xu thế toàn cầu hóa, đặc biệt có sự mở rộng quan hệ quốc tế thì xung đột pháp luật giữa các hệ thống pháp luật, giữa pháp luật của các quốc gia với nhau ngày càng gia tăng. Điều đó đòi hỏi TGPL muốn phát triển bền vững cần phải tính đến các yếu tố truyền thống và tiếp thu những kinh nghiệm tiến bộ của nhân loại để đổi mới và làm phong phú hơn hoạt động của mình.

Cùng với việc khẳng định TGPL là nghĩa vụ của Nhà nước, ở rất nhiều nước vai trò tổ chức cung cấp dịch vụ TGPL có xu hướng chuyển từ các tổ chức nghề nghiệp của luật sư sang cho cơ quan hữu quan với lực lượng luật sư chuyên trách của Chính phủ. Một số nước như Anh, Singapore…, bên cạnh việc khuyến khích sự tham gia của các luật sư tư lại đồng thời phát triển đội ngũ luật sư công – là những luật sư được Nhà nước trả lương cố định theo tháng để giảm bớt gánh nặng về chi phí khi giá dịch vụ pháp lý tại thị trường luật sư tư ngày càng tăng.

Ngoài người nghèo, các quốc gia đang tiếp tục mở rộng TGPL cho các nhóm đối tượng yếu thế khác như thổ dân, trẻ em, phụ nữ, người tàn tật, người có HIV, người nhập cư, người mới ra tù tái hòa nhập, nạn nhân bị bạo hành…

Nhưng để đảm bảo công bằng giữa các nhóm công dân thuộc diện được TGPL, pháp luật của một số nước quy định, những nhóm đối tượng có mức thu nhập thấp hoặc có tài sản ở ngưỡng cận nghèo sẽ phải nộp một khoản phí nhất định và thấp hơn so với giá dịch vụ pháp lý tương ứng trên thị trường. Quy định cho phép mở rộng diện người được TGPL và bảo đảm có nguồn thu nhất định bổ sung vào ngân sách của các tổ chức thực hiện TGPL này có thể sẽ là kinh nghiệm tốt cho Việt Nam trong phát triển TGPL thời gian tới!

Gia Lâm

Đọc thêm