Cần một quyết định thấu tình đạt lý

Ông Cao Đức Thiện (SN 1969), ngụ số nhà 69/38, Khu phố 8, phường Tân Phong, TP Biên Hoà - một trong gần 60 hộ dân bức xúc vì ngày 24/6/2010, UBND TP ra Quyết định 1388 cưỡng chế thu hồi 1082,7m2 đất của ông để giao cho Công ty kinh doanh Đồng Nai.

Ông Cao Đức Thiện (SN 1969), ngụ số nhà 69/38, Khu phố 8, phường Tân Phong, TP Biên Hoà - một trong gần 60 hộ dân bức xúc vì ngày 24/6/2010, UBND TP ra Quyết định 1388 cưỡng chế thu hồi 1082,7m2 đất của ông để giao cho Công ty kinh doanh Đồng Nai.

Ông Thiện cho biết: Ngày 29/9/2003, UBND tỉnh Đồng Nai ra QĐ 3445 thu hồi 10 hecta đất thuộc khu phố 8. Tuy nhiên, QĐ này bị các hộ dân phản ứng quyết liệt. Bởi đây là vùng đất nhân dân đã tự khai phá, cải tạo để định cư hơn 50 năm nay. Trong đó, phần lớn đã được chính quyền cấp “Sổ đỏ” với vị trí chỉ cách trung tâm TP khoảng 1km. Tuy vậy, Ban đền bù của TP lại định giá rất thấp (70.000đ/m2) xâm hại nghiêm trọng đến quyền lợi của người dân.

Bên cạnh đó, mặc dù có QĐ thu hồi đất nhưng điểm tái định cư cho người dân lại rất mù mờ, thậm chí phân biệt đối xử, gây mâu thuẫn nội bộ nhân dân. Vì vậy, QĐ trên gần như rơi vào quên lãng.

Giải phóng mặt bằng cần thực hiện thấu tình đạt lý    

   Ảnh minh họa

Lẽ ra, dự án dẫm chân tại chỗ 7 năm trời, không có tính khả thi thì chính quyền và nhà Đầu tư cần cân nhắc tính hiệu quả cũng như tác hại nhiều mặt của dự án. Nhưng không hiểu sao ngày 24/6/2010 Cty kinh doanh nhà Đồng Nai lại được UBND TP Biên Hoà ra QĐ 1388 buộc người dân nhận mức đền bù không hơn gì so với 7 năm trước đây. Cụ thể, hiện giá thị trường  đất bị thu hồi của các hộ dân nơi đây khoảng 1.000.000đ/m2; Nhưng Ban bồi thường chỉ áp giá 70.000đ/m2. Trong khi đó, một lô đất tái định cư có diện tích 100m2, nhà đầu tư định giá 300.000.000đ (chỉ mới mở đường, chưa có cơ sở hạ tầng).

 Tính riêng gia đình ông Thiện, với 1.082,7m2 bị thu hồi theo “Thông báo nhận tiền ” số 525 ngày 9/3/2009, thì tổng số tiền bồi thường và hỗ trợ mà ông được nhận là 226.287.000đ. Với số tiền đó, thì ông Thiện cũng như nhiều gia đình đông nhân khẩu, có nhu cầu bức thiết về nhà ở mới đủ mua thêm một căn hộ tái định cư. (Bị thu hồi hơn 1000m2 đất, hộ ông Thiện được cấp 1 lô đất tái định cư, nhưng phải nộp cho nhà đầu tư 40 triệu đồng tiền cơ sở hạ tầng).

Bên cạnh đó, sau khi đất trồng rau - nguồn thu nhập chủ yếu bị thu hồi hết thì cuộc sống của gia đình ông Thiện và các hộ dân nơi đây sẽ như thế nào? Trong khi đó, chỉ riêng đất của gia đình ông Thiện với 1.082,7m2, nhà đầu tư phân được 10 lô, mỗi lô bán 300.000.000đ, vậy số tiền khổng lồ đó sẽ rơi vào túi ai?

Đáng nói là ông Lê Viết Hưng, Giám đốc sở Tài Nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai nhiều lần hứa với dân: Nhà nước bảo đảm tối đa quyền lợi cho người dân không bị thiệt thòi và có cuộc sống ổn định hoặc tốt hơn sau khi bị thu hồi đất. Rằng nếu trường hợp Cty lấy đất thì phải “thoả thuận” giá đền bù với dân theo sát giá thị trường”. Vậy nhưng khi ông Thiện và các hộ dân gửi đơn yêu cầu làm rõ quyền lợi chính đáng đang bị xâm hại nghiêm trọng thì ông Hưng lại từ chối trả lời.

Ông Thiện và nhiều hộ dân khác cho biết, họ sẵn sàng giao đất nhưng chỉ mong rằng nhà đầu tư và chính quyền đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân khi đất đai, nguồn sống chính của họ bị Nhà nước thu hồi.

Hữu Lê

Đọc thêm