Cần năng lực của người thực thi pháp luật

 Pháp luật là quy tắc xử sự chung, là quy phạm điều chỉnh các quan hệ xã hội, do đó việc ban hành các văn bản pháp luật phải xuất phát từ nhu cầu của đời sống xã hội và phải phù hợp với đời sống hiện thời. Thực tiễn cho thấy, pháp luật quy định càng cụ thể, càng chi tiết thì càng hay sơ hở, bỏ sót, càng dễ tạo ra các khoảng trống pháp lý và càng nhanh lạc hậu so với các quan hệ xã hội...

Qua 5 năm triển khai Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020, công tác lập pháp đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, lâu nay, nhiều người thường “chê bai” hệ thống pháp luật của nước ta còn nhiều quy định mang tính “luật khung”, “luật ống”, nên phần thì khó thực hiện, phần thì dễ bị những người thực thi pháp luật lợi dụng “sơ hở” để lách luật.

Đơn cử, trong Bộ luật Hình sự (BLHS), khung hình phạt của các điều luật thường được quy định là từ 2 đến 7 năm, từ 3 đến 10 năm, từ 7 đến 15 năm,... Do đó, nhiều người vẫn có suy nghĩ rằng khung hình phạt dài như vậy thì rất dễ tùy tiện. Chẳng hạn, khi một người phạm tội thuộc trường hợp khung hình phạt từ 7 đến 15 năm thì Tòa án xử ở mức khởi điểm 7 năm cũng được hoặc ở mức tối đa 15 năm cũng được. Theo tôi quan niệm như vậy là sai lầm.

Pháp luật là quy tắc xử sự chung, là quy phạm điều chỉnh các quan hệ xã hội, do đó việc ban hành các văn bản pháp luật phải xuất phát từ nhu cầu của đời sống xã hội và phải phù hợp với đời sống hiện thời. Thực tiễn cho thấy, pháp luật quy định càng cụ thể, càng chi tiết thì càng hay sơ hở, bỏ sót, càng dễ tạo ra các khoảng trống pháp lý và càng nhanh lạc hậu so với các quan hệ xã hội. Không những thế, khi các quy định của pháp luật quá cụ thể, quá cứng nhắc đôi lúc còn làm khó, “bó tay” của những người thực thi pháp luật.

Cùng thực hiện một hành vi phạm tội nhưng mỗi người phạm tội lại có hoàn cảnh, nhân thân tốt, xấu khác nhau; việc phạm tội trong những điều kiện, do những nguyên nhân khác nhau thể hiện tính chất, mức độ nguy hiểm khác nhau, do đó sẽ chịu những hình phạt không giống nhau.

Việc BLHS quy định những loại và khung hình phạt dài là để những người làm công tác xét xử xem xét về tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự để quyết định mức hình phạt phù hợp với từng trường hợp cụ thể.

Do đó, trong một trường hợp phạm tội cụ thể mà xử phạt 7 năm cũng được hoặc xử phạt 15 năm cũng được thì đó không phải là những người Thẩm phán thực thụ.

Công tác lập pháp của nước ta lâu nay vẫn chưa thoát khỏi sự mâu thuẫn tiềm tàng, đó là: pháp luật quy định theo hướng định lượng, liệt kê cụ thể, chi tiết thì thường dễ tạo ra các khoảng trống pháp lý và luôn rơi vào thế lạc hậu phải sửa đổi, bổ sung.

Ngược lại, pháp luật quy định theo hướng định tính, khái quát thì luôn phù hợp, bao quát được mọi tình huống, có “tuổi thọ” cao nhưng lại khó thực hiện. Khó thực hiện ở đây, theo tôi là do năng lực của những người thực thi pháp luật còn hạn chế.

Như đã nêu, pháp luật được ban hành từ nhu cầu đời sống, để điều chỉnh các quan hệ xã hội nên để hiểu đúng tinh thần quy định của luật đòi hỏi trước hết phải hiểu biết sâu sắc về các quan hệ xã hội mà pháp luật điều chỉnh. Đôi lúc, nếu hiểu luật theo câu chữ sẽ là máy móc, không đúng tinh thần của pháp luật, không phù hợp với thực tế cuộc sống.

Để giải quyết mâu thuẫn này thì cần có chiến lược đào tạo nâng cao năng lực của người thực thi pháp luật. Một khi năng lực của người thực thi pháp luật đạt chuẩn thì sẽ có sự nhận thức thống nhất và đúng tinh thần của nhà làm luật đối với các quy định của pháp luật; sẽ có cách xử lý, áp dụng gống nhau đối với một tình huống cụ thể.

Bên cạnh đó, để đảm bảo sự đồng bộ và phát huy hiệu quả của công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, thực hiện công cuộc cải cách hành chính, cải cách tư pháp thành công, thiết nghĩ cần ban hành riêng một nghị quyết về việc nâng cao năng lực của những người thực thi hành pháp luật.

Phạm Thái Quý

Đọc thêm