Cân nhắc giữa qui định về bí mật đời tư và quyền tiếp cận thông tin về người có HIV/AIDS

(PLVN) - Đó là vấn đề được thảo luận tại phiên họp sáng 28/9 của Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội đã thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS).
Hướng dẫn người có HIV/AIDS về phương án điều trị ARV. Ảnh: vaac.gov.vn
Hướng dẫn người có HIV/AIDS về phương án điều trị ARV. Ảnh: vaac.gov.vn

Thảo luận tại Phiên họp, các đại biểu nhất trí với phạm vi sửa đổi, bổ sung dự án Luật; cho rằng dự án Luật cơ bản đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp.

Tuy nhiên, liên quan đến việc bổ sung đối tượng được tiếp cận thông tin người nhiễm HIV, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Đặng Thuần Phong cho biết, hiện vẫn có hai loại ý kiến khác nhau.

Loại ý kiến thứ nhất, nhất trí với quy định mở rộng đối tượng được tiếp cận thông tin người nhiễm HIV để bảo đảm thuận tiện trong điều trị cũng như phòng ngừa nguy cơ lây nhiễm HIV cho người trực tiếp chăm sóc, điều trị.

Trong khi đó, loại ý kiến thứ hai đề nghị cân nhắc vấn đề này. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Đặng Thuần Phong nêu rõ, việc điều chỉnh chính sách này cần hài hòa mục tiêu quản lý Nhà nước nhưng cũng phải bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của người bệnh, đặc biệt quyền bảo mật thông tin cá nhân và phù hợp với khuyến nghị của quốc tế.

“Qua giám sát của Ủy ban cho thấy, có một số nhóm đối tượng có thể tiếp cận hoặc biết được thông tin tình trạng nhiễm HIV của người khác khi thực hiện chức trách, công vụ, để phục vụ công tác nghiên cứu khoa học. Có những đối tượng được phép tiếp cận hồ sơ bệnh án của các bệnh nhân trong đó có thông tin về tình trạng nhiễm HIV của người bệnh…

Vì vậy, đề nghị ban soạn thảo tiếp cận nhóm vấn đề này một cách bao quát hơn, không để phát sinh những hệ luỵ pháp lý bất lợi cho các chủ thể liên quan,” ông Đặng Thuần Phong nhấn mạnh và cho biết Ủy ban tán thành với loại ý kiến thứ hai.

Theo quan điểm của Phó Trưởng ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, không thể lấy lý do bí mật đời tư để làm giảm nhẹ vai trò quản lý Nhà nước, vì quản lý Nhà nước ở đây là để phòng, chống lây nhiễm, giảm nguy cơ cho xã hội bởi khi một người nhiễm HIV thì nguy cơ lây nhiễm là hiện hữu.”

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng bày tỏ đồng tình với quy định mở rộng đối tượng được tiếp cận thông tin người nhiễm HIV và nhận định, việc bổ sung này nhằm phục vụ phần đông người dân trong xã hội-những người chịu nguy cơ rủi ro.

Đọc thêm