Cạn nước mắt đợi ngày về...

Hơn bảy năm thụ án tại trại giam Phú Sơn 4 (Thái Nguyên), nữ phạm nhân Văn Thị Yến đã đọc thuộc lòng bài báo "Liên ngành trả lại tên" và loạt bài viết về "Kỳ án Lexomil" đăng trên Báo Pháp luật Việt Nam. Trong tâm trạng hồi hộp đợi ngày về, người nữ phạm này cũng le lói hy vọng sẽ được "liên ngành trả lại tên" về tội danh "Mua bán trái phép các chất ma tuý" mà chị đang thụ án.

Hơn bảy năm thụ án tại trại giam Phú Sơn 4 (Thái Nguyên), nữ phạm nhân Văn Thị Yến đã đọc thuộc lòng bài báo "Liên ngành trả lại tên" và loạt bài viết về "Kỳ án Lexomil" đăng trên Báo Pháp luật Việt Nam. Trong tâm trạng hồi hộp đợi ngày về, người nữ phạm này cũng le lói hy vọng sẽ được "liên ngành trả lại tên" về tội danh "Mua bán trái phép các chất ma tuý" mà chị đang thụ án.

Chị Yến đã thuộc lòng bài báo "Liên ngành trả lại tên" và loạt bài viết về "Kỳ án Lexomil" đăng trên Báo Pháp luật Việt Nam

Ân hận thì đã muộn

Gặp lại Văn Thị Yến tại trại giam Phú Sơn 4 sau gần bảy năm kể từ phiên toà xét xử vụ án Lexomil - Bromazepam đầu tiên được khám phá tại Việt Nam do TAND TP Hà Nội xét xử, trong tôi vẫn vẹn nguyên cái cảm giác xót xa cho một phận má hồng. Giữa chốn lao tù, dáng người cao ráo, làn da trắng mịn, gương mặt đẹp mặn mà của người phụ nữ này vẫn "toả sáng" dù chị đã vào hàng U50.

Văn Thị Yến vốn là diễn viên thuộc Đoàn Chèo Tổng cục Hậu cần, từng đi khắp biên giới, hải đảo xa xôi hát phục vụ các chiến sĩ. Khi đang mang thai đứa con đầu lòng, chị vẫn giành giải nhất cuộc thi đơn ca do Sở Công nghiệp Thủ đô tổ chức. Trước cuộc gặp gỡ này, Yến chưa từng biết tôi, cho dù chị và gia đình đã thuộc lòng những bài báo chúng tôi viết về "Kỳ án Lexomil" đăng trên Báo Pháp luật Việt Nam mà vợ chồng chị là nhân vật chính.

Và có lẽ chị cũng không biết rằng, trong khi nhiều tờ báo đưa tin "cổ xuý" cho vụ án Lexomil thì Báo Pháp luật Việt Nam là tờ báo duy nhất kiên trì "lội ngược dòng", bền bì "chiến đấu" cho tới ngày "liên ngành trả lại tên". Đó là Thông tư liên tịch số 17/2007 ngày 24/12/2007 của liên Bộ Công an, TANDTC, VKSNDTC, Bộ Tư pháp hướng dẫn về việc áp dụng pháp luật xử lý một số tội danh liên quan đến ma tuý ra đời. 

Đã bảy năm đã trôi qua từ cái ngày định mệnh khiến gia đình tan nát: vợ chồng Văn Thị Yến- Đào Văn Thanh và vợ chồng cô em Đào Ánh Tuyết- U Mã Nô đều bị kết án tù về hành vi "Mua bán trái phép chất ma tuý", nhưng nước mắt Yến vẫn như mưa khi nhắc lại. Cuối năm 2003, dư luận rúng động bởi tin Công an Hà Nội bắt giữ vợ chồng ông Đào Văn Thanh (nguyên Chủ tịch phường Thanh Xuân Trung) vì hành vi "Mua bán trái phép chất ma túy".

Thời điểm đó, vụ án này được dư luận đặc biệt chú ý, bởi đây là vụ thuốc Lexomil - Bromazepam lần đầu tiên bị bắt tại Việt Nam. Thuốc bị liệt kê trong danh mục "thuốc hướng thần" do Bộ Y tế quản lí chặt chẽ. Trong những viên thuốc này, có chứa chất Bromazepam - một chất ma túy  được coi là độc dược. Yến kể, hồi đó nhà chị đang cần tiền làm nhà, mà cô em chồng Đào Ánh Tuyết (lấy chồng bên Lào) thì tha thiết nhờ đem thuốc đi tiêu thụ hộ, phận đàn bà cạn nghĩ, lại hám lời trước mắt nên chị nhận lời giúp em chồng, còn bí mật kéo cả chồng tham gia.

Ông Thanh nhiều lần trực tiếp chở vợ đi tiêu thụ hàng mà không hề biết vợ đang làm một việc trái pháp luật. Sự việc vỡ lở, vợ chồng Yến và vợ chồng Tuyết đều bị bắt. Ông Thanh đến lúc tỉnh ngộ ra thì sự nghiệp tan tành theo mây khói sau gần 10 năm đứng trên cương vị lãnh đạo phường, được người dân yêu quý bởi sự tâm huyết, tận tụy với công việc.

Bị truy tố về tội "Mua bán trái phép chất ma túy", gia đình Yến đã phải bán nhà đi khắc phục hậu quả nhưng vẫn không thoát tội. Ở nhiều cấp xét xử, vụ án này gây nhiều tranh cãi vì có nhiều quan điểm trái chiều giữa các chuyên gia làm công tác giám định chất ma tuý và chính các chuyên gia trong ngành tố tụng nhưng bản án vẫn được tuyên. Tuy nhiên, kết cục thì Văn Thị Yến vẫn bị phạt 14 năm tù, Đào Ánh Tuyết 18 năm và UMãNô 15 năm tù; riêng Đào Văn Thanh được tuyên mức án tù đúng bằng thời gian đã tạm giam và được tuyên trả tự do tại tòa.

Được trả tự do tại toà nhưng cánh cửa sự nghiệp của ông Thanh đã vĩnh viễn đóng sập. Gần 50 năm tù  giam tuyên cho 3 người con đã khiến cha chồng Yến - vốn là một cán bộ lão thành Cách mạng - suy sụp nặng nề rồi đã qua đời không lâu sau khi các con mỗi người phải tiếp tục thụ án ở một trại giam khác nhau. Đến giữa năm 2009, ông Đào Văn Thanh cũng qua đời vì căn bệnh ung thư quái ác.

Mòn mỏi ngày về...

Sau khi thành án, Yến thụ án tại trại Phú Sơn 4, còn vợ chồng Tuyết - U Mã Nô thì "bóc lịch" tại trại Thanh Xuân. Tại trại Phú Sơn 4, Yến được Ban Giám thị tin tưởng giao cho nhiệm vụ Đội trưởng đội phạm nhân số 6 - K2- trực tiếp "chỉ huy" hàng trăm "nữ tặc" vốn từng phạm đủ loại tội khác nhau. Yến nói rằng chị đã tha thứ và không còn hận cô em chồng nữa. Yến cũng tỏ ra vô cùng ân hận, chỉ vì cái tặc lưỡi bất cẩn làm trung gian vận chuyển thuốc cho Tuyết mà vợ chồng chị đã rước họa vào nhà…

Điều làm Yến dằn vặt nhất là đã không được phụng dưỡng cha chồng trong những năm tháng cuối đời. Đối với chồng, Yến càng xót xa ân hận hơn khi ông Thanh ốm đau bệnh tật, Yến không thể có mặt bên cạnh để chăm sóc, sẻ chia; thậm chí cũng không được về thắp cho chồng nén nhang cho trọn nghĩa phu thê. Tội lỗi ấy, Yến bảo đến lúc nhắm mắt chị cũng không bao giờ tha thứ cho mình.

Đoạn kể về chồng mình, Yến bật khóc: "Ngày cuối cùng anh Thanh vào thăm tôi là ngày 7/6/2009, cả hai vợ chồng đều khóc. Yến hỏi vì sao chồng gầy rộc đi nhanh thế, ông Thanh không đáp, chỉ có hai hàng nước mắt thay lời. Sau chuyến thăm ấy, ông Thanh nhờ người mang tặng buồng giam của Yến cái tivi để mọi người xem cho đỡ nhớ nhà. Rồi chỉ sau ít bữa, chị chết lặng đi khi nhận tin người chồng đã qua đời vì căn bệnh ung thư"

Sau cái chết của anh, từ trại giam Thanh Xuân, Tuyết đã viết cho chị dâu lá thư dài: "Em xin  chị ngàn lần tha thứ cho em".  Nhưng Yến bảo, chị đã tha thứ cho cô em chồng từ lâu rồi, khi mà bản thân chị nhận ra mình cũng là người có lỗi khi đặt niềm tin lầm chỗ.

Yến từng xốn xang hy vọng khi biết tin Thông tư liên tịch số 17/2007 ra đời, mà theo đó thuốc Lexomil có chứa chất Bromzepam chỉ là thuốc chữa bệnh chứ không phải là loại ma tuý tổng hợp đặc biệt nguy hiểm như quan niệm trước khi vụ án của gia đình chị xảy ra. Song hi vọng tắt ngấm, bởi chị cho rằng Thông tư 17 đã ra đời quá muộn, khi đại họa đã trút xuống gia đình chị…

"Xin hãy giảm án cho con dâu tôi!"

Khi chúng tôi tìm đến ngôi nhà của Văn Thị Yến tại số 37 phố Nguyễn Huy Tưởng (Thanh Xuân, Hà Nội), chỉ gặp cụ Vương Thị Mười (82 tuổi, mẹ chồng Yến) bán nước trà trước cửa nhà. Hai cô con gái của Yến đang sống cùng bà nội đều ngoan ngoãn và học giỏi, cô chị đã tốt nghiệp đại học và đi làm, cô em đang là sinh viên. 

Tấm lưng đã còng rạp, cụ Mười run run, giở tập hồ sơ, trong đó có đầy đủ các bài báo về "Kỳ án Lexomil" của Báo Pháp luật Việt Nam mà cụ đã đọc thuộc làu khiến giấy tờ nhàu nhĩ, rồi đưa cho tôi xem lá đơn do chính tay mình viết, gửi tới các cơ quan chức năng. Đọc lá đơn của bà mẹ chồng 82 tuổi xin giảm án cho con dâu, tôi vừa cảm động vừa đau xót: "Mong các ông, các bà "đèn trời soi xét". Hoàn cảnh gia đình của Văn Thị Yến quá bi đát, bản thân con dâu tôi là người tốt, nó không cố ý phạm tội mà chỉ do vô tình. Hãy tha thứ cho con tôi, hãy khoan hồng và  cảm thông cho cái phút giây lỡ lầm của nó…" Cụ Mười khóc và bảo rằng, ước vọng duy nhất giờ đây của cụ là mong sao con dâu được giảm án, sớm mãn hạn trở về, để cuối đời cụ được bên cạnh cháu con.

Riêng chúng tôi thì mong mỏi rằng, liên ngành Trung ương cần khẩn trương tiến hành kiểm tra, rà soát lại việc thực hiện Thông tư liên tịch số 17/2007 ngày 24/12/2007 hướng dẫn về việc áp dụng pháp luật xử lý một số tội phạm về ma tuý. Bởi lẽ, "liên ngành đã trả lại tên" cho Lexomil- Bromazepam chỉ là chất biệt dược dùng để chữa bệnh, không phải là ma tuý thì cũng phải "trả lại tên" cho những ai đang phải gánh tội "Mua bán trái phép chất ma tuý" do mua bán trái phép loại thuốc này. Nếu làm được điều đó, niềm mong mỏi của cụ Mười và hy vọng của Văn Thị Yến chắc chắn sẽ có cơ sở thành hiện thực.

Thành Nam

Đọc thêm