Sau khi đăng bài viết về vụ VKSNDTC khánh nghị... như đùa, Báo PLVN nhận được ý kiến của nhiều luật sư về chuyện rút kháng “lãng xẹt” của VKSNDTC và những khó hiểu trong xét xử của tòa án.
Luật Sư Vũ Lợi (Công ty Luật THNH Hoà Lợi- Hà Nội): Việc rút kháng nghị của VKSNDTC rất vô lý
- Thưa Luật sư, ông có nhận xét gì về việc VKSNDTC bất ngờ rút kháng nghị của chính mình trước đó 6 tháng?
- Rút kháng nghị là quyền được quy định trong luật. Nhưng trong vụ việc cụ thể này, tôi thấy việc rút kháng nghị là rất vô lý, bất bình thường. Trước đó, trong kháng nghị của mình, VKSNDTC đã nêu 5-6 căn cứ rất “hùng hồn” để đề nghị huỷ án sơ thẩm, phúc thẩm vì việc cấp Sổ đỏ của UBND TP. Hà Nội là sai trái.
Tôi cho rằng, căn cứ kháng nghị đã rõ ràng như thế thì cứ hãy để Hội đồng Giám đốc thẩm xem xét, đánh giá xem “có thấy cần thiết phải huỷ án” hay không, chấp nhận hoặc không chấp nhận kháng nghị chứ nếu tự rút kháng nghị mà chẳng có căn cứ xác đáng như trên là có vấn đề.
- Như vậy là trong vụ kiện này, Hội đồng giám đốc thẩm chưa kịp làm việc?
- Theo quy định thì “trong thời hạn một tháng, kể từ ngày nhận được kháng nghị kèm theo hồ sơ vụ án, Toà án phải mở phiên toà giám đốc thẩm hoặc tái thẩm". Nhưng trong vụ án này, VKSNDTC đã có kháng nghị 6 tháng mà vẫn không thấy TANDTC mở phiên toà giám đốc thẩm.
Việc chậm trễ này không biết là do Viện kiểm sát “quên” gửi hồ sơ sang cho Toà hay do Toà chậm mở phiên toà; nhưng bất kể do cơ quan nào thì cũng gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người khởi kiện. Hậu quả là cho đến nay, đã quá thời hạn kháng nghị giám đốc thẩm và ông Đông, bà Bắc cũng đã chuyển nhượng thửa đất này cho người khác.
- Ông có nhận xét gì về việc im lặng của VKSNDTC và TANDTC trước hàng loạt các ý kiến đề nghị xem xét vụ án của nhiều cơ quan Trung ương?
- Theo tài liệu thể hiện, thì liên quan đến vụ việc này Văn phòng Chính phủ; Ủy ban Tư pháp Quốc hội; Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng; Văn phòng Trung ương Đảng; Văn phòng Chủ tịch nước; Ban tổ chức Trung ương đều có văn bản gửi TANDTC hoặc VKSNDTC đề nghị xem xét vụ án của bà Ngô Thị Rào. Tuy nhiên, cho tới nay hai cơ quan trên đều chưa có văn bản hồi âm hoặc trả lời đơn cho bà Rào cũng là một bất thường nữa của vụ án.
Luật gia Nguyễn Hồng Tuyến- Phó Chủ tịch Hội luật gia Hà Nội: Tòa án đá lấn nội dung đơn khởi kiện
Luật gia Nguyễn Hồng Tuyến |
Giao dịch bán đất tiếp theo từ ông San đến bố ông Đông cũng vô hiệu, vì không tuân thủ các điều kiện của hợp đồng chuyển nhượng đất và việc mua bán đất trước đó của ông San cũng đã vô hiệu rồi. Tiếp đó, ông Đông cũng không thể đương nhiên là người sử dụng thửa đất vì chưa được bố mình cho tặng hoặc chưa có văn bản hợp pháp để giải quyết vấn đề thừa kế (ông Đông hông phải là người thừa kế duy nhất của bố mình)
- Nhưng kết quả là ông Đông, bà Bắc vẫn được cấp Sổ đỏ và toà đã công nhận Sổ đỏ này. Điều này đồng nghĩa ngoài việc xem xét quyết định bị kiện, Toà còn phán luôn về các giao dịch mua bán đất và thừa kế trước đó?
- Đúng vậy, nếu xử một vụ kiện Quyết định hành chính thì Toà chỉ cần xem xét Quyết định này được ban hành đúng trình tự, đúng căn cứ, đúng thẩm quyền hay không chứ không thể công nhận các quan hệ dân sự khác.
Nhưng trong vụ kiện hành chính này, HĐXX sơ thẩm và phúc thẩm đã gián tiếp công nhận hợp đồng mua bán đất giữa chồng bà Rào với ông San; giữa ông San với bố ông Đông mặc dù theo phân tích ở trên thì những hợp đồng này đều vô hiệu.
Ngoài ra, HĐXX mặc nhiên công nhận ông Đông được quyền thừa kế thửa đất của bố mình mặc dù còn nhiều đồng thừa kế khác. Sẽ xử lý ra sao nếu có vụ kiện tranh chấp thừa kế liên quan đến thửa đất là di sản thừa kế này, trong khi sổ đỏ mang tên ông Đông, đã được Toà công nhận?
- Là người từng tham gia nhiều án hành chính, ông nhận xét ra sao về phán quyết của toà cấp sơ thẩm và phúc thẩm trong vụ án này?.
- Một quyết định hành chính, nếu chỉ có một sai phạm về trình tự ban hành hoặc căn cứ ban hành thì đã có thể huỷ bỏ để làm lại cho đúng, cho chuẩn. Tuy nhiên, trong việc cấp Sổ cho cho ông Đông, bà Bắc thì cơ quan chức năng đã có một loạt các sai phạm, thiếu sót cả về trình tự thủ tục xét cấp đến việc xác minh nguồn gốc đất, nên việc không huỷ Sổ đỏ mới là lạ.
Tôi lấy ví dụ, thiếu thủ tục công khai danh sách xin cấp Sổ đỏ tại trụ sở UBND Thị trấn thì làm sao bà Rào biết mình bị người khác chiếm đất mà có đơn khiếu kiện được; nếu đã có khiếu kiện thì tạm thời sẽ phải dừng việc cấp Sổ đỏ.
Bởi vậy, quan điểm “có sai sót về thủ tục hành chính nhưng không ảnh hưởng đến lợi ích hợp pháp của bà Rào” của toà cấp sơ thẩm và phúc thẩm là phiến diện. Nếu có quan điểm này, tại sao HĐXX không kiến nghị Chính phủ bỏ thủ tục “công khai hồ sơ” để rút ngắn thời gian cấp sổ đỏ cho dân?
Ngoài giấy tờ về ngồn gốc đất, tôi cho rằng, hồ sơ địa chính của thửa đất cũng đã bị tạo dựng nhưng sự tạọ dựng này lại “không được khéo”: nhầm lẫn cả về số thửa, diện tích lẫn địa chỉ người sử dụng đất, mục đích sử dụng đất…
Với điều kiện hồ sơ như vậy thì ông Đông không thể được hợp thức hoá thửa đất. Rất tiếc, khi hồ sơ này được cho “chui qua” một trình tự thủ tục sai phạm (không công khai tại trụ sở UBND thị trấn, không có chữ ký hộ giáp gianh), đã cho ra một sổ đỏ mang tên ông Đông, bà Bắc. Việc công nhận sổ đỏ này chẳng khác nào thừa nhận một kết quả từ chuỗi các phép tính sai.
Khoa Lâm