Thực hiện Thông tư số 25/2009/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về hướng dẫn thu thập và xử lý thông tin cung - cầu lao động, từ quý III-2009, tỉnh ta đã có thông tin định kỳ hàng quý về cầu lao động của các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Để có thông tin cung lao động chính xác, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã tổ chức tập huấn nghiệp vụ điều tra, thu thập thông tin cung lao động cho gần 4000 trưởng thôn, xóm, tổ dân phố, cán bộ lao động - thương binh và xã hội các huyện, thành phố trong tỉnh. Đến ngày 9-8-2010, Nghĩa Hưng là huyện đầu tiên hoàn thành số liệu báo cáo về thông tin cung lao động. Dự kiến đến hết quý III-2010, tỉnh ta sẽ có thông tin cung lao động để báo cáo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Vấn đề đặt ra là làm sao duy trì ổn định nguồn thông tin này theo định kỳ từng quý. Đặc biệt là phải sử dụng hiệu quả nguồn thông tin cung và cầu lao động trong công tác giải quyết việc làm, dạy nghề cho người lao động.
|
Tra cứu thông tin tuyển dụng lao động tại Sàn giao dịch việc làm tỉnh Nam Định.
Ảnh: Xuân Thu
|
Để đảm bảo duy trì thông tin cung lao động định kỳ từng quý, rút kinh nghiệm qua triển khai điểm thu thập thông tin cung lao động tại 3992 hộ dân ở xã Nghĩa Sơn (Nghĩa Hưng) và thực tế triển khai tại các địa phương trong tỉnh hiện nay cho thấy cần có thêm một số cơ chế hỗ trợ như: Tỉnh cần sớm có mẫu sổ ghi chép thống nhất, đồng bộ về thông tin cung - cầu lao động để thuận lợi trong theo dõi, thống kê, tổng hợp và kịp thời cập nhật biến động. Về việc đảm bảo duy trì thông tin, cần có cơ chế hỗ trợ kinh phí cho các điều tra viên trực tiếp đi thu thập thông tin tại các thôn, xóm và kinh phí ổn định, tương xứng với việc điều tra của các trưởng thôn xóm, tổ dân phố. Nhiều trưởng thôn phản ánh việc điều tra thông tin lao động ở từng hộ rất phức tạp, mất thời gian, để duy trì định kỳ hàng quý sẽ ảnh hưởng rất lớn tới đời sống, sinh hoạt của cán bộ thôn xóm, tổ dân phố. Bên cạnh đó, đây là công tác đòi hỏi phải có chuyên môn, nghiệp vụ, vì vậy, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội cần quan tâm tập huấn bổ sung cho số cán bộ thôn xóm, tổ dân phố mới thay thế tiếp nhận công tác. Kênh, đường dẫn thông tin hiện nay còn rất thô sơ, chỉ là cấp dưới điều tra, mang lên xã tập hợp rồi chuyển lên huyện, tỉnh tổng hợp. Nếu chỉ một thôn, xã chậm là ảnh hưởng đến tiến độ chung. Trong điều kiện thông tin hiện đại, phổ cập hiện nay, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội cần nghiên cứu, lựa chọn kênh truyền tin hiệu quả như qua mạng Internet hoặc đường điện thoại để tiết kiệm thời gian, kinh phí...
Vấn đề được quan tâm nhất trong xây dựng thông tin cung - cầu lao động hiện nay là việc ứng dụng thông tin này trong thực tế công tác dạy nghề, giải quyết việc làm tại tỉnh ta. Vấn đề này hiện nay chưa thấy đề cập trong các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thu thập thông tin cung - cầu lao động. Bà Phạm Thị Là, tổ trưởng tổ dân phố số 2, phường Trường Thi (TP Nam Định) mong muốn: "Trong tổ của tôi có không ít người cần việc, nhiều thanh niên đến tuổi lao động nhưng chưa có việc làm. Được biết cùng với điều tra cung thì tỉnh cũng có điều tra nhu cầu lao động của các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên toàn tỉnh. Nếu biết được thông tin này thì trong khi đi thu thập thông tin, chúng tôi có thể đồng thời giới thiệu địa chỉ cần việc cho người thiếu việc, như thế sẽ rất thiết thực, tạo uy tín cho cán bộ dân phố nói riêng, công tác thu thập thông tin nói chung. Vì vậy, nên có sự cung cấp, trao đổi thông tin giữa các tổ dân phố với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn thành phố thông qua sự kết nối của cơ quan quản lý lao động?". Ở cấp huyện, đồng chí Nguyễn Văn Thành, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Nghĩa Hưng đề xuất: "Qua điều tra hơn 54 nghìn hộ dân cho thấy nhu cầu việc làm của huyện còn rất lớn. Dễ nhận thấy là mỗi năm, hàng nghìn lượt lao động của huyện vẫn phải rời quê lên thành phố tìm việc. Sắp tới, từ kết quả điều tra cung - cầu trên địa bàn huyện, chúng tôi sẽ kết nối để tìm việc làm cho lao động. Nhưng số lượng giải quyết không nhiều vì thực tế địa phương chưa thu hút mạnh được đầu tư, cơ sở sản xuất kinh doanh chủ yếu còn nhỏ lẻ. Vì vậy cần thiết có sự điều hoà từ cầu lao động của các khu công nghiệp, các doanh nghiệp lớn của tỉnh với cung lao động của Nghĩa Hưng và các huyện khác". Cũng chung ý kiến trên, nhiều huyện còn đề xuất kết nối trực tiếp giữa cung lao động của địa phương với nhu cầu tuyển dụng tại sàn giao dịch việc làm tỉnh. Cũng về quan hệ thông tin cung - cầu lao động, lãnh đạo các trường dạy nghề đề nghị tỉnh, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội cần nghiên cứu thực trạng để xây dựng chiến lược đào tạo nghề cũng như có chỉ tiêu về ngành nghề, số lượng đào tạo hàng năm cho từng trường để gắn kết hiệu quả dạy nghề và giải quyết việc làm.
Thông tin cung - cầu lao động có vai trò rất quan trọng đến hiệu quả công tác dạy nghề và giải quyết việc làm. Nhưng để sử dụng triệt để sự hữu ích này thì cần có sự quan tâm chỉ đạo của tỉnh về cơ chế, chính sách, định hướng để khớp nối, phát huy giá trị thông tin vào thực tế. Không thể thiếu vai trò của các cấp, ngành, đặc biệt là của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội trong việc tham mưu và trực tiếp triển khai các hoạt động dạy nghề, giải quyết việc làm từ nguồn thông tin cung - cầu lao động. Nếu được điều hoà, khớp nối chuẩn xác, sẽ có hàng nghìn lao động tìm được nghề, việc làm phù hợp ngay trên địa bàn tỉnh. Doanh nghiệp, cơ sở sản xuất sẽ sớm tuyển dụng được lao động phù hợp, ổn định sản xuất và tăng trưởng. Với vai trò, hiệu quả ấy, việc ứng dụng thông tin cung - cầu lao động là vấn đề cần sớm được quan tâm, hiện thực hoá./.
Hoàng Vũ