Cần tập trung xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật

Hôm nay - 22/7, Quốc hội sẽ thảo luận và biểu quyết thông qua số Phó Chủ tịch Quốc hội và số Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII.

Phát biểu khai mạc kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khoá XIII, hôm qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng kiến nghị: “Quốc hội cần tập trung xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, khả thi để thể chế hóa Cương lĩnh chính trị, các quan điểm, đường lối của Đảng, phát huy vai trò và hiệu lực quản lý của Nhà nước, bảo đảm giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường quốc phòng - an ninh, đẩy mạnh hội nhập quốc tế, xây dựng Nhà nước ngày càng trong sạch, vững mạnh”.

Đối với cá nhân đại biểu Quốc hội, Tổng Bí thư nêu rõ: “Dù ở cương vị công tác nào cũng cần ý thức đầy đủ về quyền hạn và trách nhiệm của người đại biểu nhân dân; thực hiện tốt chương trình hành động; thường xuyên liên hệ với cử tri; lắng nghe, phản ánh trung thực ý kiến cử tri….đồng thời nêu cao phẩm chất đạo đức, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư…”.

Quốc hội sẽ thảo luận và biểu quyết thông qua số Phó Chủ tịch Quốc hội và số Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII.

Sau phát biểu khai mạc của Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng, Quốc hội (QH), QH đã nghe Phó Chủ tịch Hội đồng bầu cử TW Tòng Thị Phóng trình bày kết quả cuộc bầu cử đại biểu QH khóa XIII và đại biểu HĐND các cấp; nghe MTTQVN báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri; Chính phủ báo cáo tình hình kinh tế xã hội và ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm, giải pháp nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, các giải pháp về thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN và cá nhân; thông qua Nghị quyết xác nhận tư cách đại biểu QH …và nhiều nội dung quan trọng khác.

Tiếp tục kiểm soát tình hình giá cả

Báo cáo tình hình kinh tế xã hội và ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng cho biết: Nhờ kiên quyết kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, nỗ lực thực hiện đồng bộ các giải pháp kiểm soát giá cả, điều tiết cung cầu, bình ổn thị trường, mức tăng giá tiêu dùng đã chậm lại và có xu hướng giảm; kim ngạch xuất khẩu tiếp tục tăng cao; tổng kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2011 ước đạt 42,33 tỷ USD, tăng 30,3% so với cùng kỳ năm trước; chính sách tiền tệ thực hiện chặt chẽ, thận trọng, điều hành chủ động, linh hoạt và hiệu quả hơn; đầu tư phát triển toàn xã hội tiếp tục được duy trì...

Quốc hội sẽ có 4 Phó Chủ tịch

Cuối giờ chiều qua, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đã thay mặt Ủy ban Thường vụ khóa XII trình bày Tờ trình về số Phó Chủ tịch Quốc hội và số Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII. Theo đó, Quốc hội có một Chủ tịch, 4 Phó chủ tịch và Ủy ban thường vụ Quốc hội có 18 ủy viên. Như vậy, cơ cấu này so với khóa XII vẫn được giữ nguyên.

Nhận định tình hình 6 tháng cuối năm còn nhiều khó khăn, Chính phủ đưa ra 8 nhóm giải pháp cơ bản. Trong đó, đáng chú ý là tiếp tục kiểm soát chặt chẽ thị trường, giá cả, bảo đảm ổn định cung - cầu hàng hoá, dịch vụ thiết yếu; điều hành giá điện, xăng dầu, than theo cơ chế thị trường phù hợp với tình hình và mục tiêu kiềm chế lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội; công khai, minh bạch trong điều hành giá cả theo cơ chế thị trường để DN và người dân hiểu rõ, có sự chuẩn bị về tâm lý và biện pháp ứng xử.

Chính phủ cũng yêu cầu, các ngành, các cấp tiếp tục chỉ đạo thực hiện các biện pháp bình ổn giá cả, thị trường, tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện các quy định pháp luật về giá, nhất là đăng ký, kê khai, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, ngăn chặn đầu cơ, găm hàng, thao túng thị trường, tăng giá bất hợp lý, buôn lậu qua biên giới; chống đầu cơ tăng giá, cạnh tranh không lành mạnh; xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá cả, thị trường.

Bảo đảm an sinh xã hội

Đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong phát triên kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm, tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã chỉ ra nhiều khó khăn, hạn chế. Đó là chỉ số giá tiêu dùng vượt xa chỉ tiêu 7% đề ra cho cả năm và áp lực tăng vẫn còn, rất khó khăn để giữ ở mức 17% vào cuối năm. Giá cả nhiều hàng hóa và dịch vụ tăng nhanh và đột biến, gây nhiều khó khăn cho sản xuất và đời sống của người dân.  Ủy ban này cho rằng, bên cạnh những nguyên nhân khách quan thì yếu tố chủ quan xuất phát từ những yếu kém nội tại của nền kinh tế (thâm hụt thương mại lớn và kéo dài, bội chi ngân sách cao nhiều năm, hiệu quả đầu tư thấp…) là nguyên nhân chính.

Đồng tình với Chính phủ về những giải pháp đề ra trong Nghị quyết 11/NQ-CP, Ủy ban Kinh tế cũng nhận mạnh một số nhiệm vụ, trong đó nhấn mạnh; “còn những chính sách an sinh xã hội chưa đi vào cuộc sống”, do vậy cần tiếp tục thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội đã có, nhất là đối với người nghèo, các đối tượng chính sách xã hội; thực hiện phương án điều chỉnh lương tối thiểu đối với người lao động trong các DN; có giải pháp hỗ trợ nhằm cải thiện đời sống sinh hoạt của người lao động ở khu công nghiệp… 

Hôm nay - 22/7, Quốc hội sẽ thảo luận và biểu quyết thông qua số Phó Chủ tịch Quốc hội và số Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII.

Nhóm PV

Đọc thêm