Cận Tết, nhiều người bị cúm H1N1 nhập viện

QTV - Hơn một tuần nay, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương liên tiếp đón nhận các ca mắc H1N1 (chủng đại dịch trước đây), với tổng số ca tính đến hôm nay đã là 50. Trong khi trước đây, trên cả nước mỗi tháng cũng chỉ có 2-3 ca.

QTV - Hơn một tuần nay, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương liên tiếp đón nhận các ca mắc H1N1 (chủng đại dịch trước đây), với tổng số ca tính đến hôm nay đã là 50. Trong khi trước đây, trên cả nước mỗi tháng cũng chỉ có 2-3 ca.

Thạc sĩ Nguyễn Hồng Hà, Phó giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cho biết, phần lớn các ca bệnh đều nhẹ, không có biến chứng nặng. Trong đó, nhiều trường hợp có thai nhưng đều khỏi. Đặc biệt, có một ca viêm phổi, tổn thương hai bên và bị bội nhiễm vi khuẩn, tuy nhiên sau một thời gian điều trị, bệnh nhân đã khỏe hơn.

Hiện vẫn còn 38 bệnh nhân đang nằm viện, tất cả đều nằm trong khu cách ly. Bệnh nhân chủ yếu là ở Hà Nội, nhưng rải rác ở các quận huyện.

àdf
Đang có thai 3 tháng nên khi thấy bị ho, sốt chị Nhàn, 26 tuổi đến Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương khám ngay dù nhà chị ở tận Bắc Ninh. Ảnh: P.N.

"Số lượng ca cúm thực sự không thể xác định được vì không thể xét nghiệm hết cả những trường hợp nghi cúm. Tuy nhiên, qua việc lấy mẫu xét nghiệm một số bệnh nhân thì có thể khẳng định virus cúm H1N1 đang lưu hành đã gây thành dịch nhưng với quy mô không rầm rộ", thạc sĩ Hà nói.

Cũng theo ông, trong năm 2009 sau khi bùng phát mạnh vào thời điểm tháng 7,8 thì dịch có dấu hiệu lui xuống. Sau một thời gian đến nay dịch mới có dấu hiệu xuất hiện trở lại. Trong đợt dịch trước đó, nhiều người chưa mắc nên chưa có miễn dịch vì thế mà khi virus H1N1 đại dịch quay trở lại thì họ có thể bị nhiễm bệnh.

"Đợt dịch này có thể kéo dài qua Tết, 1-2 tháng nữa. Người dân không cần quá lo lắng về tình hình dịch tuy nhiên vẫn cần phải cảnh giác. Bệnh cúm về mùa đông thường diễn biến nặng hơn, virus có thể có động lực mạnh hơn", thạc sĩ Hà cho biết.

Trong đó những nhóm nguy cơ cao khi mắc cúm dễ bị nặng như: người già, trẻ nhỏ, thai phụ, người mắc bệnh mãn tính thì cần được ưu tiên nhập viện điều trị sớm, tránh biến chứng nặng. Ngoài ra, những người bị cúm nhưng có dấu hiệu nặng lên như viêm phổi, suy hô hấp, sốt quá cao... thì cũng cần hết sức phải lưu ý.

Theo thống kê chính thức của Bộ Y tế, chỉ trong 3 tuần đầu năm 2011, cả nước đã ghi nhận 26 trường hợp xét nghiệm dương tính với virus cúm H1N1 tại 3 tỉnh, thành phố là Long An, TP HCM và Hà Nội. Trong khi mỗi tháng trước đó chỉ ghi nhận 2-3 ca.

Bé Sơn, 28 tháng tuổi theo mẹ vào bệnh viện vì cả hai mẹ con đều bị cúm H1N1, chủng đại dịch. Ảnh: P.N.
Bé Sơn, 28 tháng tuổi theo mẹ vào bệnh viện vì cả hai mẹ con đều bị cúm H1N1, chủng đại dịch. Ảnh: P.N.

Ngành y tế khuyến cáo, thời tiết trong mùa Đông - Xuân tạo thuận lợi cho virus cúm phát triển, lây lan. Vì thế để chủ động phòng ngừa bệnh, người dân cần thực hiện những biện pháp sau đây:

- Khi chưa mắc bênh thì cần tránh tiếp xúc gần với người mắc bệnh cúm, hạn chế thời gian ở nơi đông người, tránh đưa tay lên mũi và miệng.

- Trong trường hợp mắc cúm hay có biểu hiện hội chứng cúm thì nên ở nhà, nghỉ làm, nghỉ học, tránh tiếp xúc chỗ đông người, thông báo ngay cho cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn.

- Virus cúm có thể lây lan qua hắt hơi, ho khạc do đó người bệnh nên đeo khẩu trang hoặc che miệng khi ho, không khạc nhổ bừa bãi để hạn chế lây lan cho người thân và cộng đồng.

- Rửa tay bằng xà phòng, vệ sinh cá nhân, súc miệng hàng ngày bằng nước sát khuẩn, ăn uống đủ chất dinh dưỡng để nâng cao thể trạng.

- Các gia đình cần thường xuyên vệ sinh môi trường, thông thoáng nơi ở, lau chùi bề mặt, đồ dùng, vật dụng sinh hoạt bằng các hóa chất sát khuẩn thông thường.

- Nếu xuất hiện triệu chứng ho, sốt cao, đau đầu, mệt mỏi thì phải đến ngay cho cơ sở y tế nơi gần nhất để được hướng dẫn, cách ly điều trị kịp thời.

Theo VnExpress

Đọc thêm