Cẩn thận khi chọn “lò” luyện thi

Chỉ còn khoảng 4 tháng nữa là đến kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2010. Lúc này, thí sinh ở một số tỉnh, thành đã tìm về Đà Nẵng để luyện thi. Trong dịp này, các Trung tâm luyện thi ra sức quảng bá, chiêu dụ thí sinh vào học, và đã có không ít trường hợp thí sinh do không tìm hiểu kỹ nên mắc bẫy các “lò” luyện thi dỏm và hậu quả là “tiền mất, tật mang”.

Chỉ còn khoảng 4 tháng nữa là đến kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2010. Lúc này, thí sinh ở một số tỉnh, thành đã tìm về Đà Nẵng để luyện thi. Trong dịp này, các Trung tâm luyện thi ra sức quảng bá, chiêu dụ thí sinh vào học, và đã có không ít trường hợp thí sinh do không tìm hiểu kỹ nên mắc bẫy các “lò” luyện thi dỏm và hậu quả là “tiền mất, tật mang”.

Học sinh đến ôn thi tại một “lò” luyện thi ĐH không phép trên địa bàn quận Hải Châu.

Học sinh đến ôn thi tại một “lò” luyện thi ĐH không phép trên địa bàn quận Hải Châu. 

“Lò” luyện thi chui tràn lan

Nhằm thu hút đông đảo thí sinh vào học, trước thời điểm diễn ra kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ, hầu hết các “lò” luyện thi thường tung ra những chiêu quảng cáo trên các băng-rôn như: Trung tâm có kinh nghiệm luyện thi ĐH nhiều năm; đội ngũ giảng viên ĐH, giáo viên giỏi các trường THPT trực tiếp giảng dạy; bảo đảm thí sinh đỗ đại học trên 95%; thi đậu mới thu học phí, trượt không thu học phí; giảm học phí 10 đến 15% nếu thí sinh luyện thi 3 môn… Thế nhưng, sự thật có đúng như lời quảng cáo ấy hay không thì chẳng ai biết được.   

Kể về chuyện đi tìm chỗ luyện thi, em H. V. L, quê ở xã Điện Phương, huyện Điện Bàn (Quảng Nam) chua xót nói: Sau Tết Nguyên đán, em xin gia đình ra ở trọ tại phường Hòa Khánh Nam (quận Liên Chiểu) để luyện thi ĐH khối V. Trong những ngày lân la đi tìm chỗ luyện thi, thấy các “lò” luyện thi đều quảng cáo chất lượng dạy học tốt, đội ngũ giáo viên giỏi…, cuối cùng em chọn ôn thi ở một “lò” luyện thi nằm trên đường Phạm Như Xương, quận Liên Chiểu. Sau vài ngày luyện thi ở đây, em mới biết giáo viên chỉ là sinh viên ở các trường ĐH, tài liệu ôn tập do họ biên soạn rất khó hiểu. Ngậm đắng nuốt cay, cuối cùng em phải chấp nhận bỏ học giữa chừng và chịu mất mấy trăm nghìn đồng tiền học phí đã đóng trước đó”. Sau cú mắc bẫy đầu tiên, L. quyết định xuống nhà bà con ở quận Hải Châu ở trọ và tìm trung tâm luyện thi có uy tín để ôn tập. 

Theo tìm hiểu của chúng tôi, trên địa bàn thành phố hiện có khoảng 30 “lò’ luyện thi không có phép hoạt động đang “tuyển sinh” khá rầm rộ. Riêng tại địa bàn phường Hòa Khánh Nam (quận Liên Chiểu) có 4 trung tâm hoạt động không giấy phép, gồm: Trung tâm luyện thi chất lượng cao ĐH Sư phạm; Trung tâm gia sư, bồi dưỡng kiến thức và luyện thi ĐH chất lượng cao Khoa Học và hai Trung tâm luyện thi ĐH không tên khác nằm trong hẻm giáp với đường Tôn Đức Thắng. Đặc điểm chung của hầu hết các “lò” luyện thi này là chủ “lò” tận dụng nhà ở để tổ chức dạy học nên rất chật chội, thiếu ánh sáng… Dù vậy, nhưng do không biết nên vẫn có rất nhiều thí sinh đến các “lò’ luyện thi không phép này để ôn thi.  

Cần tăng cường kiểm tra, xử lý

Theo số liệu thống kê của Sở Giáo dục-Đào tạo, đến thời điểm hiện nay, Sở mới cấp phép cho 5 trung tâm luyện thi ĐH hoạt động, gồm: Trung tâm bồi dưỡng kiến thức và luyện thi ĐH Kính Vạn Hoa, Trung tâm bồi dưỡng kiến thức và luyện thi ĐH Minh Tân, Trung tâm bồi dưỡng văn hóa, luyện thi ĐH Thành Đạt, Trung tâm bồi dưỡng văn hóa và luyện thi Nguyễn Hoàng và Trung tâm bồi dưỡng kiến thức và luyện thi Trần Cao Vân. Ngoài những trung tâm này, những “lò” luyện thi còn lại đang hoạt động là trái phép. Ông Huỳnh Hưng, Phó Chánh Văn phòng Sở Giáo dục-Đào tạo cho biết, hầu hết các “lò” luyện thi hoạt động chui đều thiếu thốn về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên thuê mướn từ nhiều nơi (trong đó có cả sinh viên). Vì thế trình độ của người dạy thế nào, chất lượng dạy học ra sao, thì không thể biết được”.

Trao đổi về công tác thanh tra, quản lý hoạt động của các “lò” luyện thi trên địa bàn thành phố, ông Đàm Văn Hòe, Phó Chánh Thanh tra Sở Giáo dục-Đào tạo cho biết, do hầu hết các “lò” luyện thi hoạt động chui không khai báo nên Sở Giáo dục-Đào tạo không thể kiểm tra, quản lý hết được. Tuy nhiên, để quản lý tốt hoạt động luyện thi ĐH trên địa bàn, bên cạnh trách nhiệm của Sở Giáo dục-Đào tạo, UBND các quận, huyện cần tích cực vào cuộc tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các “lò” luyện thi chui hoạt động trên địa bàn, nhằm bảo vệ quyền lợi của người học. “Với thí sinh luyện thi ĐH, các em nên tìm đến các trung tâm luyện thi đã được cấp phép hoạt động, có uy tín, đội ngũ giáo viên giàu kinh nghiệm để ôn luyện, nhằm tránh tình trạng gặp phải các “lò” luyện thi dỏm, tiền mất tật mang”, ông Hòe khuyến cáo.

Quyết định số 38/2007/QĐ-UBND ngày 11-7-2007 của UBND thành phố Đà Nẵng quy định về quản lý dạy thêm, học thêm trên địa bàn thành phố nêu: Cơ sở giáo dục ĐH không tổ chức dạy thêm theo chương trình giáo dục phổ thông cho người học không phải là học sinh, học viên của cơ sở giáo dục đại học đó; dạy thêm ngoài nhà trường gồm bồi dưỡng kiến thức, ôn luyện thi. Tổ chức, cá nhân đăng ký mở lớp dạy thêm phải có đủ giáo viên đạt chuẩn trình độ về đào tạo (tốt nghiệp ĐH Sư phạm hoặc tốt nghiệp ĐH ngành khác nhưng có chứng chỉ nghiệp vụ Sư phạm), cơ sở vật chất, phòng học đủ diện tích 1m2/học sinh, thoáng, đủ ánh sáng, bàn ghế đúng quy cách. Giám đốc Sở Giáo dục-Đào tạo chịu trách nhiệm cấp phép, kiểm tra, quản lý, thu hồi giấy phép dạy thêm ở bậc THPT cho tổ chức, cá nhân trong và ngoài ngành giáo dục-đào tạo… Tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về dạy thêm, học thêm, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm xử lý theo quy định tại Nghị định 49/2005/NĐ-CP ngày 11-4-2005 của Chính phủ. 

Bài và ảnh: PHƯƠNG CHI

Đọc thêm