Can thiệp, trợ giúp trẻ em bị bạo lực

Trong hai năm 2008-2009, cả nước xảy ra 5.956 vụ trẻ em bị bạo lực (bình quân gần 3.000 vụ một năm), trên 100 vụ giết trẻ em và 50 vụ bắt cóc, buôn bán trẻ em được phát hiện và xử lý, trong đó có một số vụ gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Trong hai năm 2008-2009, cả nước xảy ra 5.956 vụ trẻ em bị bạo lực (bình quân gần 3.000 vụ một năm), trên 100 vụ giết trẻ em và 50 vụ bắt cóc, buôn bán trẻ em được phát hiện và xử lý, trong đó có một số vụ gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Quan niệm dạy con “thương cho roi, cho vọt” còn ăn sâu trong nhận thức của một bộ phận người dân. Vì vậy, không ít trẻ em bị chính cha mẹ, người thân, những người phải có trách nhiệm bảo vệ các em đánh đập, ngược đãi. Chẳng hạn. Trường hợp cháu Quách Quốc T., ở phường Tân Thành ( quận Dương Kinh), thường xuyên bị cha mình là Quách Thanh N. đánh gây thương tích nghiêm trọng, phải điều trị tại bệnh viện. Dư luận người dân thành phố vẫn chưa hết phẫn nộ và lên án gay gắt hành vi tra tấn con dẫn đến tử vong của 2 vợ chồng Vũ Văn Phủ và Phạm Thị Ánh Dương, ở phường Kênh Dương ( quận Lê Chân) cuối năm 2009. Mới đây, Tòa án nhân dân huyện Tiên Lãng mở phiên tòa xét xử và kết án 3 năm tù đối với yêu “râu xanh” do phạm tội “dâm ô đối với trẻ em. Cơ quan công an cũng vừa hoàn thành điều tra vụ án, đề nghị truy tố Nguyễn Việt Cường, ở phố Lãn Ông (quận Hồng Bàng) can tội dâm ô với trẻ em.

Bảo vệ trẻ em- cần sự quan tâm của gia đình và cộng đồng.

Điều đáng nói, chỉ khi dư luận nhân dân hoặc các cơ quan chức năng vào cuộc, có biện pháp can thiệp, bảo vệ hoặc nạn nhân bị thương tích nặng phải vào điều trị tại bệnh viện, các vụ việc bạo hành trẻ em mới được đưa ra ánh sáng, các đối tượng xâm hại trẻ em mới bị nghiêm trị. Còn biết bao trẻ em bị chính cha mẹ mình- những người có trách nhiệm bảo vệ các em, mắng, nhiếc, đánh đập, xúc phạm nhân phẩm, danh dự …., chính những bậc làm cha, làm mẹ này cũng không nhận biết được hành vi của họ là một trong những hành vi bạo lực trẻ em. Tức giận vì con trai mải chơi ở ngoài quán internet, bố cháu Nguyễn Đức H, sinh 1999, ở cầu ở khu tập thể Xi măng, phường Lam Sơn (quận Lê Chân) tháo thắt lưng, quất liên tiếp vào người cháu. Người dân quanh khu tập thể phải nhờ đến công an can thiệp.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng bạo lực trẻ em, trước hết phải nói đến nhận thức của các gia đình, cộng đồng về vấn đề bảo vệ trẻ em chưa đầy đủ và phần nào bị xem nhẹ, coi chuyện đánh con là việc ”bình thường”. Việc ngược đãi, xâm hại, bạo lực, bóc lột đối với trẻ em chưa được cộng đồng chủ động phát hiện sớm và báo cho các cơ quan chức năng xử lý, can thiệp kịp thời. Nhận thức về sự nguy hại nhiều mặt và hậu quả lâu dài, nghiêm trọng của các hành vi xâm hại tình dục, bạo lực đối với trẻ em chưa được cảnh báo đúng mức, phần đông trẻ em bị ngược đãi, xâm hại và bị bóc lột có tâm lý mặc cảm, tự ti hoặc tâm lý thù hận đối với xã hội và sau này khi trưởng thành, nhiều em trong số đó cũng ứng xử tương tự với người khác.

Ngày 18-6-2010, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội ban hành thông tư quy định quy trình can thiệp, trợ giúp trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại tình dục  gồm 5 bước. Đồng thời, thông tư cũng quy định trách nhiệm cụ thể đối với từng cấp chính quyền, ban, ngành, đoàn thể trong việc quản lý thực hiện can thiệp, trợ giúp trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại tình dục. Trong đó, UBND cấp xã phải: Phân công cán bộ, bố trí phương tiện và điểm tiếp nhận thông báo về trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại tình dục; tuyên truyền, vận động, hướng dẫn các cá nhân, gia đình và cộng đồng phát hiện, cung cấp thông tin về trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại tình dục; chỉ đạo việc xây dựng và thông qua kế hoạch can thiệp, trợ giúp trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại tình dục; chỉ đạo các ban, ngành liên quan phát triển các loại hình dịch vụ bảo vệ trẻ em; hình thành mạng lưới cộng tác viên người lớn; mạng lưới cộng tác viên trẻ em; điểm tư vấn trợ giúp trẻ em ở cộng đồng, trường học trên địa bàn; huy động nguồn lực, đáp ứng tối đa việc thực hiện kế hoạch can thiệp, trợ giúp trẻ em nhằm giảm thiểu các nguy cơ gây tổn hại cho trẻ trong trường hợp trẻ bị bạo lực, bị xâm hại tình dục…

Trẻ em là tương lai của đất nước, bảo vệ chăm sóc trẻ em để các em phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ, tinh thần và đạo đức, cũng có ý nghĩa thực hiện tốt các mục tiêu, chương trình hành động vì trẻ em thành phố Hải Phòng trong tương lai ... 

                            HOÀNG HÀ

Đọc thêm