Tháng 2 - 3 hằng năm, các ĐH, CĐ, trung cấp khối công an, quân đội bắt đầu khởi động bằng công tác sơ tuyển học sinh, thanh niên tại địa phương.
|
Ảnh minh họa |
Ngoài tiêu chuẩn về lý lịch, sức khỏe, chiều cao, cân nặng... các ngành đặc thù này có tiêu chuẩn về hạnh kiểm và văn hóa, học lực một số môn phải đạt từ 6,0 trở lên.
Các trường CĐ, trung cấp chuyên nghiệp (TCCN), trường nghề, cơ sở đào đạo cũng xét tuyển dựa vào học bạ bậc THCS và THPT… Một mặt tạo thuận lợi, khuyến khích thí sinh tham gia học nghề nhưng chính quy định này cũng tạo kẽ hở để “nạn” sửa điểm học bạ bùng phát.
Nhiều vụ sửa học bạ xảy ra liên tiếp trong những năm gần đầy, thậm chí có vụ đã bị khởi tố hình sự song cũng chưa đủ dóng lên hồi chuông cảnh tỉnh.
Điển hình, năm học 2008-2009, THCS Hoàng Văn Thụ, xã Đăk Gằn, huyện Đăk Mil (Dăk Nông) có 104/105 học sinh lớp 9 được xét đủ điều kiện tốt nghiệp THCS nhờ chính các giáo viên “thương” trò mà sửa học bạ.
Cũng năm học trước, đã phát hiện “đường dây” làm giả học bạ để trúng tuyển vào Trường cao đẳng Y tế Cần Thơ (lợi dụng chủ trương xét tuyển sinh vào các khoa Dược, Y không qua thi tuyển mà chỉ xét tuyển dựa trên số điểm của các môn học toán, lý, hoá, sinh của 3 năm học phổ thông).
Trước đó, năm 2008, Trường cao đẳng Y tế Nghệ An đã phát hiện 239 sinh viên của trường làm giả hồ sơ, tẩy xóa, làm lại học bạ để được xét trúng tuyển.
Việc sửa điểm và xếp loại hạnh kiểm trong học bạ khá đơn giản: giáo viên bộ môn hoặc giáo viên chủ nhiệm, dùng bút mực đỏ gạch điểm cũ và xếp loại hạnh kiểm cũ đi, viết điểm, xếp loại mới vào, thêm chỗ chốt sửa ở góc bên dưới là xong.
Nếu muốn làm mới học bạ cho "đẹp" hơn thì chỉ cần nhận được sự đồng ý của hiệu trưởng và giáo viên chủ nhiệm, giáo viên các bộ môn. Việc làm tiêu cực này đã để lại hậu quả nghiêm trọng trong môi trường giáo dục, tạo nên sự không công bằng trong học sinh. Những HS lười nhác học tập, ý thức rèn luyện yếu kém mà lại có được hồ sơ, học bạ “ngon lành”, ngang bằng với những HS học tập, rèn luyện nghiêm túc, hết mình...
Đã đến lúc ngành giáo dục, đặc biệt là các cơ quan quản lý giáo dục tại địa phương cần siết chặt khâu quản lý hồ sơ học bạ của học sinh tại trường học. Theo đó, nâng cao vai trò trách nhiệm của ban giám hiệu nhà trường, đồng thời xử lý nghiêm đối với các trường "xin - cho" sửa học bạ. Đối với những ngành đặc thù như công an, quân đội nên sử dụng thêm sổ điểm lớn của trường để đối chiếu, kiên quyết loại bỏ và xử lý các trường hợp cố tình gian lận, làm sai lệch học bạ gốc.
Theo Đất Việt