Cần ứng xử có văn hóa khi xảy ra va chạm giao thông

(PLVN) - Thay vì bình tĩnh giải quyết khi xảy ra va chạm giao thông thì không ít người tham gia giao thông lại thích dùng bạo lực, nắm đấm “nói chuyện”, rồi gây hậu quả nghiêm trọng. Mới đây, một thanh niên vừa mới ra tù ở tỉnh Khánh Hòa đã gây án mạng sau khi va chạm giao thông.
Đối tượng Trần Quốc Dũng.
Đối tượng Trần Quốc Dũng.

Đâm chết người sau va chạm giao thông

Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Khánh Hòa vừa bắt giữ hung thủ đâm chết người sau khi va chạm giao thông trên đường Ngô Đến (phường Vĩnh Phước, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) vào đêm 5/2. 

Trước đó, vào khoảng 23h15 ngày 5/2, người dân tình cờ phát hiện ông Nguyễn Văn Lực (SN 1977, ngụ hẻm 153 Ngô Đến, phường Vĩnh Phước) nằm bất động trên đường Ngô Đến với vết thương ở vùng ngực trái, cạnh đó là chiếc xe máy. 

Sau khi nhận được thông tin, lực lượng y tếkhẩn trương đến nơi, nhưng các bác sĩ xác định nạn nhân đã tử vong. Cơ quan công an sau đó đã tiến hành khám nghiệm hiện trường và khám nghiệm tử thi.

Kết quả khám nghiệm cho thấy nạn nhân tử vong do vết đâm vào vùng ngực trái bằng vật sắc nhọn. Tại hiện trường,lực lượng công an tìm thấy đôi dép quai chéo màu đen cùng chiếc mũ bảo hiểm màu trắng có lưỡi trai nhãn hiệu Adidas, nghi của hung thủ bỏ lại trước khi tẩu thoát. 

Trích xuất từ camera của người dân khu vực hiện trường cho thấy, lúc 23h này 5/2, nạn điều khiển xe máy từ phía sau xe máy của 2 người là nam và nữ. Vài phút sau đó 2 người này tăng tốc tẩu thoát rất nhanh.

Nam thanh niên đi xe máy kiểu dáng Virio màu xanh, độ tuổi khoảng 25-30, cao khoảng 1m65, vóc dáng gầy, mặc áo dài tay và quần vải màu tối, đầu đội mũ bảo hiểm màu trắng có lưỡi trai. Trong khi đó, xe máy nữ lái hiệu Honda Vision màu đỏ, độ tuổi khoảng 20-22, cao khoảng 1m50, vóc dáng nhỏ, mặc áo sơ mi màu tối, đầu đội mũ bảo hiểm màu đỏ, tóc nhuộm vàng và có thắt đuôi.

Trích xuất từ camera cho thấy nạn nhân chạy xe máy phía sau Dũng và Duyên.
Trích xuất từ camera cho thấy nạn nhân chạy xe máy phía sau Dũng và Duyên. 

Ngay sau đó, hơn 200 đối tượng và gần 300 xe máy có đặc điểm nhân dạng nêu trên ở TP Nha Trang đã được rà soát, sàng lọc. Qua đó, lực lượng chức năng phát hiện một cô gái giống với đối tượng nữ lái xe máu hiệu Honda Vision màu đỏ nên tiến hành xác minh, thu thập chứng cứ. 

Ngày 23/2, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Khánh Hòa có văn bản thông báo trên các phương tiện thông tin truy tìm hành tung nghi can gây án giết người, đồng thời tác động nữ nghi can nên sớm đầu thú để được hưởng tình tiết giảm nhẹ.

Đến trưa 27/2, Trần Thị Mỹ Duyên (SN 1998, ngụ tổ 15, khu phố Ngọc Sơn, phường Ngọc Hiệp, TP Nha Trang) đã đến cơ quan công an khai nhận là một trong 2đối tượng đang bị Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Khánh Hòa truy tìm. 

Từ lời khai của Duyên, chiều cùng ngày,lực lượng Công an tỉnh Khánh Hòa phối hợp Công an huyện Vạn Ninh (tỉnh Khánh Hòa) truy bắt kẻ trực tiếp đâm chết ông Lực là Trần Quốc Dũng (SN 1997, ngụ đường Đô Lương, phường Phước Tiến, TP Nha Trang) khi đối tượng này đang lẩn trốn tại nhà người thân ởthôn Đầm Môn Hạ (xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh).

Đôi dép quai chéo hung thủ bỏ lại hiện trường.
Đôi dép quai chéo hung thủ bỏ lại hiện trường. 

Kết quả điều tra bước đầu cho thấy, gần 23h ngày 5/2, Trần Quốc Dũng điều khiển xe máy BKS 79N2-836.34 đưa người yêu là Trần Thị Mỹ Duyên đi xe máy BKS 79N2-036.60 rời một quán nhậu trở về nhà. Khi đang trên đường Ngô Đến thì ông Lực đi xe máy từ phía sau vượt lên va chạm nên 2 bên lớn tiếng cãi vã, thách thức rồi cầm mũ bảo hiểm đánh nhau. Dũng sau đó lấy con dao mang theo đâm ông Lực tử vong.

Được biết, Dũng là đối tượng có 2 tiền án về tội “Cố ý gây thương tích” và “Bắt giữ người trái pháp luật” vừa mới mãn hạn tù vào cuối tháng 12/2020. 

Hiện, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Khánh Hòa đang lập thủ tục để khởiTrần Quốc Dũng về tội “Giết người”, Trần Thị Mỹ Duyên về tội “Che giấu tội phạm”. Đồng thời, mở rộng điều tra làm rõ hành vi không tố giác tội phạm” của các đối tượng có liên quan.

Cần ứng xử có văn hóa 

Thời gian gần đây, liên tiếp xảy ra những vụ va chạm giao thông dẫn đến ẩu đả, đánh nhau gây hậu quả nghiêm trọng, khiến dư luận không khỏi xôn xao. Mặc dù nguyên nhân dẫn đến những trường hợp va chạm chỉ là do vô ý nhưng hệ lụy do chính cách ứng xử của những người điều khiển phương tiện tạo ra là vấn đề gây bức xúc trong xã hội hiện nay.

TS Phan Lê Bình - chuyên gia giao thông của cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), giảng viên Trường Đại học Việt Nhật cho rằng, khi tham gia giao thông, mỗi người có hoàn cảnh khác nhau, người vội vàng, người ít vội hơn nên cần hiểu sự đa dạng của nhau. Nếu có va chạm thì trước tiên cần một lời xin lỗi văn minh. Muốn được như vậy mỗi người cần hiểu đúng hành vi, đi lại đúng hay sai.

“Mỗi người nên tự hiểu đánh nhau ngoài đường trong bối cảnh camera giao thông, hành trình rất nhiều nên hành vi rất dễ bị quay lại, đầy đủ bằng chứng và rất khó chối tội. Thay vì phải chối tội, chạy trốn nên ứng xử văn minh, sai một chút có lời xin lỗi là đủ, không nên quá khích”, TS Bình đưa ra lời khuyên.

Còn PGS.TS tâm lý học Nguyễn Thị Thanh Hồng -giảng viên cao cấp Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng, một bộ phận không nhỏ người dân hiện nay có xu hướng xử lý tình huống bằng bạo lực một cách rất tùy tiện. Nguyên nhân có thể do nhiều yếu tố như bản tính nóng nảy, tâm lý muốn áp đặt, do môi trường sống, mức độ xung đột tại thời điểm xảy ra va chạm,…

“Ở góc độ tâm lý học, họ thiếu kỹ năng kiểm soát cảm xúc và hành vi, chưa có kỹ năng xử lý tình huống. Còn dưới góc độ về nhận thức, họ còn thiếu về kỹ năng ứng xử, chuẩn mực đạo đức và đặc biệt là về nhận thức về pháp luật chưa đầy đủ dẫn đến thái độ và hành vi không đúng mực”, PGS.TS Hồng phân tích.

Các luật sư cho rằng, khi xảy ra va chạm giao thông thì các bên cần bình tĩnh, ứng xử văn minh để đưa phương án giải quyết tối ưu nhất trên tinh thần thượng tôn pháp luật và tôn trọng lẫn nhau.

Theo quy định tại Điều 134 Bộ luật Hình sự năm 2015, đối với hành vi cố ý gây thương tích, tùy từng tính chất, mức độ, hành vi vi phạm sẽ áp dụng các khung hình phạt khác nhau. Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11-30%  bị phạt tù từ 2-5 năm. 

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau thì bị phạt tù từ 12-20 năm hoặc tù chung thân: làm chết 2 người trở lên, gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho 2 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên, gây thương tích vào vùng mặt của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên.

Những hành vi thiếu ý thức chấp hành pháp luật, ẩu đả, xung đột khi có va chạm giao thông cần phải được ngăn chặn, loại bỏ để không còn những hình ảnh xấu xí khi tham gia giao thông trên đường. 

Thiết nghĩ, khi mỗi người đều thể hiện sự nhường nhịn, ứng xử đúng mực sẽ góp phần xây dựng văn hóa giao thông văn minh hơn, để những chuyện đáng tiếc không xảy ra, gây hậu quả nặng nề cho cá nhân, gia đình và xã hội. Và quan trọng nhất, tự thân các lái xe cần nâng cao nhận thức về pháp luật để tránh tối đa va chạm xảy ra.

Đọc thêm