Tuyến Hành lang Kinh tế Đông Tây dài 1.450km nối liền 4 nước Myanmar, Thái Lan, Lào và Việt Nam sẽ tạo điều kiện cho các nước trên tuyến tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác kinh tế, thúc đẩy giao lưu thương mại, du lịch, đầu tư và phát triển, giảm chi phí lưu thông hàng hóa, hành khách, thu hút đầu tư từ các nước trong khu vực và trên thế giới. Đây là một xu thế tất yếu của toàn cầu hóa mà Cảng Đà Nẵng nói riêng và hệ thống cảng biển của Việt Nam nói chung phải hướng tới nhằm thực hiện thành công sự nghiệp CNH-HĐH đất nước.
|
|||
Những tàu lớn, kể cả tàu du lịch đến cảng Đà Nẵng ngày càng nhiều. |
Thiên nhiên đã ưu đãi cho Cảng Đà Nẵng một vị trí địa lý hết sức thuận lợi, cùng với năng lực khai thác cảng không ngừng đầu tư phát triển trong suốt hơn 100 năm qua. Ngoài vai trò là một trong những cửa ngõ chính cho giao thương hàng hóa các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên, Cảng Đà Nẵng còn được các nước xác định là điểm cuối và là cửa ngõ chính ra biển Đông cho hàng hóa quá cảnh giữa các nước trên tuyến hành lang kinh tế Đông Tây. Đây là niềm vinh dự mà cũng là thách thức đối với Cảng Đà Nẵng trong việc thực hiện sứ mạng này. Cảng Đà Nẵng nằm trong vịnh Đà Nẵng rộng 12km2, độ sâu từ 10-17m, được bao bọc bởi đèo Hải Vân và bán đảo Sơn Trà, kín gió cùng với đê chắn sóng dài 450m rất thuận lợi cho tàu neo đậu và làm hàng quanh năm.
Là cảng nằm ở vị trí trung độ cả nước, là điểm giữa của các tuyến giao thông Bắc-Nam gần với đường hàng hải quốc tế, hệ thống giao thông ra vào cảng rộng và thông thoáng đã tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa khi đến Cảng Đà Nẵng và được đánh giá là cảng nước sâu thuận lợi nhất Việt Nam và khu vực Đông Nam Á. Cảng Đà Nẵng bao gồm hai khu vực: khu bến cảng biển Tiên Sa và khu bến cảng sông Sông Hàn với 1.493 mét cầu tàu, khả năng tiếp nhận tàu hàng tổng hợp đến 45.000 DWT, tàu container đến 2.000 teus và tàu khách đến 75.000 GRT.
Hệ thống quản lý và khai thác cảng đạt tiêu chuẩn ISO 9001:2000 do tổ chức BVQI Vương quốc Anh công nhận. Bên cạnh đó, với lợi thế là điểm giữa của 3 di sản văn hóa thế giới: Phố cổ Hội An, Tháp Mỹ Sơn (thuộc tỉnh Quảng Nam) và kinh đô Huế (thuộc tỉnh Thừa Thiên-Huế) đã thu hút nhiều tàu du lịch đến Cảng Đà Nẵng, trong đó có những tàu du lịch lớn như Star Cruise.
Trong những năm qua, sản lượng hàng hóa thông qua Cảng Đà Nẵng tăng bình quân từ 10 – 12%/năm, trong đó sản lượng container tăng bình quân 15-17% /năm. Hiện nay, hàng hóa các tỉnh, thành phố trên tuyến Hành lang Kinh tế Đông Tây, đặc biệt là khu vực Đông Bắc Thái Lan xuất nhập đến các nước vùng Đông Bắc Á cũng phải qua các cảng ở Bangkok - Thái Lan, vận chuyển đường bộ hơn 1.000km, trong khi nếu vận chuyển về Cảng Đà Nẵng chỉ hơn 600km, chưa kể đoạn đường biển từ vịnh Thái Lan đến vùng biển miền Trung Việt Nam để đến thị trường trên. Ngoài ra, tuyến Hành lang Kinh tế Đông Tây là tuyến xuyên Á ngắn nhất và thuận lợi nhất nối Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương.
Chính vì những thuận lợi đó, Chính phủ các nước trên tuyến đã tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để tuyến hành lang phát huy hết lợi thế của mình. Trong những năm gần đây, ngành Du lịch đã từng bước khai thác và phát triển tốt tuyến hành lang này. Hàng hóa quá cảnh giữa các nước đã xuất nhập qua Cảng Đà Nẵng và tăng dần qua các năm, đánh dấu những bước phát triển mới trong việc mở rộng thị trường của Cảng Đà Nẵng trong thời gian đến.
Với vai trò là cửa ngõ tuyến Hành lang Kinh tế Đông Tây, bên cạnh đó, nhằm đáp ứng yêu cầu của hội nhập kinh tế và hướng đến một cảng biển hiện đại, thời gian qua, Cảng Đà Nẵng đã không ngừng đầu tư nâng cao năng lực khai thác cảng bằng nhiều nguồn vốn khác nhau với tổng giá trị đầu tư hơn 300 tỷ đồng trong 5 năm qua. Đồng thời, Chính phủ và thành phố Đà Nẵng đã đầu tư trên 110 triệu USD từ nguồn vốn ODA để mở rộng đường vào cảng và kết nối thông thoáng với QL 14 B và QL 1A (đường Ngô Quyền, cầu Tuyên Sơn, cầu vượt Hòa Cầm…)... đã tạo cho Cảng Đà Nẵng một diện mạo mới, khang trang và hiện trở thành cảng container có quy mô lớn nhất khu vực miền Trung.
|
|||
Bốc xếp hàng ở Cảng Tiên Sa. Ảnh: Thành Lân |
Cùng với sự đầu tư của Nhà nước, Cảng đã đầu tư và hoàn chỉnh hệ thống khu kho bãi ngoài cảng với tổng diện tích 5,2ha, thành lập Công ty logistics để phục vụ và khai thác hàng trung chuyển và quá cảnh trên tuyến. Đến nay, Cảng Đà Nẵng đã sẵn sàng mọi nguồn lực cho việc khai thác tuyến Hành lang Kinh tế Đông Tây và phục vụ tốt nhất cho sự giao thương hàng hóa qua khu vực.
Nghị quyết 33 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ CNH-HĐH đất nước, trong đó trọng tâm xây dựng thành phố trở thành một trong những đô thị lớn của cả nước, là thành phố cảng biển, đầu mối giao thông quan trọng của cả nước về vận tải nội địa và trung chuyển quốc tế. Theo Quyết định 1022/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển Trung Trung Bộ đến năm 2020, Cảng Đà Nẵng được khẳng định là một thương cảng tổng hợp, cảng container, cảng khách quốc tế trọng điểm ở khu vực miền Trung, nhằm phục vụ giao lưu hàng hóa, phát triển kinh tế, du lịch cho vùng hấp dẫn gồm các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên, đồng thời thực hiện tiếp chuyển hàng quá cảnh của một số vùng thuộc các nước Lào, Thái Lan, Myanmar thông qua tuyến Hành lang Kinh tế Đông Tây.
Định hướng này hoàn toàn phù hợp với xu thế hiện nay cũng như lâu dài, khi mà vận tải biển vẫn là lĩnh vực vận tải chủ đạo trong lưu thông hàng hóa quốc tế, nhất là khu vực Đông Nam Á. Đây là nhân tố quan trọng góp phần quyết định mức tăng trưởng bình 8-9%/năm trong lưu thông hàng hóa thương mại giữa các nước trong khu vực những năm gần đây. Thực tế cho thấy, các cảng biển có khối lượng hàng hóa thông qua lớn nhất trên thế giới đều nằm trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Dự báo trong vòng 10-20 năm tới, xu thế của thế giới là đầu tư mở rộng và hiện đại hóa các cảng biển để thích nghi với các loại tàu mới lớn hơn (super post panamax) có chiều dài đến 400 mét, chở được 14.500 teus so với tàu container hiện nay (panamax, post panamax) chưa đến 10.000 teus. Các cảng sẽ thiết lập hệ thống phân phối hàng hóa có tốc độ xử lý nhanh, gắn với các trung tâm hậu cần (logistic), được nối kết bằng tàu hỏa với các trung tâm tập kết container (ICD) nằm sâu trong đất liền, để thúc đẩy kinh tế vùng xa biển và các quốc gia không có biển phát triển, nhằm tạo chân hàng, vùng hậu phương vững chắc cho các cảng biển trung tâm. Vì vậy, định hướng phát triển Cảng Đà Nẵng đến năm 2020 là một cảng biển hiện đại ngang tầm với khu vực, trong đó đầu tư xây dựng mở rộng Cảng Tiên Sa giai đoạn 2 để có thể tiếp nhận tàu 50.000 DWT, tàu container 5.000 teus và tàu khách 85.000 GRT, là một trong các cảng lớn nhất miền Trung.
Tuy nhiên, phát triển dịch vụ hàng hải nói chung và dịch vụ cảng biển nói riêng, ngoài sự nỗ lực của các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực này, còn phải có sự hỗ trợ, quan tâm và đầu tư rất lớn của Nhà nước trong nhiều lĩnh vực khác nhau để có một hệ thống khai thác đồng bộ, bởi cảng không chỉ đóng vai trò là xếp dỡ hàng hóa, hỗ trợ cho công tác xuất nhập khẩu mà phải thực hiện trung chuyển hàng hóa trên cơ sở phát triển hàng loạt các dịch vụ liên quan gọi là dịch vụ logistic.
Do vậy, hoạt động của cảng gắn liền với chuỗi các hoạt động của các khu kinh tế mở, khu thương mại tự do, khu công nghiệp, khu chế xuất... cùng với hệ thống giao thông đồng bộ liên kết giữa cảng, sân bay, ga đường sắt, bến xe... với vùng hậu phương được quy hoạch và với nhiều chính sách, cơ chế ở cấp vĩ mô để hỗ trợ, điều tiết và quản lý phù hợp, nhằm mang lại hiệu quả cho nền kinh tế và cho các doanh nghiệp trong hệ thống để khai thác hiệu quả tiềm năng biển hiện có tại Đà Nẵng nói riêng và lĩnh vực cảng biển trong cả nước.
Thanh Sơn