Kiểm soát chặt để không hình thành bong bóng chứng khoán thời dịch COVID - 19

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Tiền đang đổ quá nhiều vào chứng khoán, nhất là dòng tiền tập trung trên thị trường thứ cấp, chứ không phải sơ cấp. Có nghĩa là tiền chưa đến túi của các nhà sản xuất, kinh doanh. Điều này tiềm ẩn rủi ro lớn nếu diễn biến như hiện nay không kiểm soát chặt...
Thị trường chứng khoán chưa thực sự là “hàn thử biểu” của nền kinh tế…
Thị trường chứng khoán chưa thực sự là “hàn thử biểu” của nền kinh tế…

Ngày 28/6, VN-Index tăng “nóng” lên mốc 1.405 điểm trong khi tốc độ tăng trưởng GDP đang bị ảnh hưởng do nền kinh tế bị tác động mạnh bởi dịch COVID-19. Nguy cơ bong bóng trên thị trường chứng khoán là điều đang được các chuyên gia cảnh báo…

Cần đánh giá cẩn trọng

Số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố cho thấy tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý II/2021 ước tính tăng 6,61% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng 0,39% của quý II/2020 nhưng thấp hơn tốc độ tăng 6,73% của quý II các năm 2018 và 2019. Tính chung 6 tháng đầu năm 2021, GDP tăng 5,64%, cao hơn tốc độ tăng 1,82% của 6 tháng đầu năm 2020 nhưng thấp hơn tốc độ tăng 7,05% và 6,77% của cùng kỳ năm 2018 và 2019.

Bình luận về số liệu trên, tại Tọa đàm “thị trường chứng khoán và dự báo” do Tạp chí Kinh tế và Dự báo tổ chức, TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho rằng, “với mức tăng trưởng trên, rõ ràng mục tiêu tăng trưởng GDP không đạt kế hoạch như Nghị quyết 01 của Chính phủ đã đề ra với mong muốn quý I là 5,12% và quý II là trên 6%. Tuy nhiên, kết quả trên vẫn rất đáng khích lệ, vì 6 tháng đầu năm nay, Việt Nam phải đối mặt với 2 đợt dịch COVID-19 tương đối nặng so với năm 2020, mặc dù chúng ta đã điều chỉnh chiến lược về kiểm soát dịch bệnh được tốt hơn…”.

Với dự báo, trong 6 tháng cuối năm 2021, tăng trưởng GDP trên 6%, lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát và cân đối lớn của nền kinh tế về cơ bản vẫn kiểm soát được, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, nhiều ngành nghề, nhiều doanh nghiệp (DN) trên thị trường chứng khoán (TTCK) sẽ tiếp tục triển vọng tăng trưởng tích cực.

“Trong bối cảnh hiện nay, thực lực của TTCK rất quan trọng, dự báo năm nay lợi nhuận của những DN niêm yết tăng 20%. Trong khi đó, vai trò của nhà đầu tư (NĐT) ngoại đã không còn là lực lượng chủ chốt, hay dẫn dắt thị trường như trước đây. Hiện nay, giao dịch của NĐT ngoại chỉ chiếm 10% trong tổng lượng giao dịch toàn bộ thị trường, còn 90% là NĐT nội. Đó là diễn biến lạc quan”- Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV nhận định.

Tuy nhiên, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, không thể chủ quan. Mọi hoạt động của thị trường cần được quan sát kỹ và đánh giá cẩn trọng, bởi thực tế, vai trò “hàn thử biểu” của TTCK với kinh tế thực tương đối lỏng lẻo, không riêng gì Việt Nam mà cả thế giới cũng vậy.

Cùng chung nhận định, TS Nguyễn Trí Hiếu cũng lưu ý, TTCK không thực sự là “hàn thử biểu” phản ảnh sức khoẻ của nền kinh tế, khi mà GDP của năm 2020 chỉ tăng ở mức 2,91%, 6 tháng đầu năm nay chỉ tăng trưởng 5,64% so với cùng kỳ năm trước.

“Tốc độ tăng trưởng GDP suy giảm do nền kinh tế bị tác động mạnh bởi dịch COVID-19. Dịch bệnh đã ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, trong đó có các DN ở nhiều khu công nghiệp. Ngày 28/6, VN-Index tăng nóng lên mốc 1.405 điểm, gây nên lo ngại về nguy cơ xuất hiện bong bóng trên TTCK…”- Chuyên gia này cảnh báo.

Tiền chưa đến túi của các nhà sản xuất, kinh doanh?

Tại cuộc họp báo về tình hình công tác 6 tháng đầu năm của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), ông Đào Minh Tú, Thống đốc NHNN khẳng định, dư nợ cho vay các lĩnh vực rủi ro cao, trong đó có chứng khoán vẫn trong tầm kiểm soát.

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho biết thêm, tính đến hết tháng 6 dự kiến tỷ trọng cho vay chứng khoán khoảng 0,48% tổng dư nợ toàn nền kinh tế, chiếm khoảng 46.700 tỷ đồng. Mức tăng trưởng này không thay đổi nhiều so với tháng 4, 5.

Không có số liệu về tăng trưởng huy động, song NHNN cho biết, tăng trưởng tín dụng đến cuối tháng 6 khoảng từ 5,5 - 6%; Mặt bằng lãi suất huy động và cho vay đều giảm (tháng 4/2021 giảm khoảng 0,3%/năm so với tháng 12/2020).

TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng cao nhưng tốc độ tăng trưởng huy động thấp. Điều này phần nào lý giải thông thường thay vì gửi tiền tiết kiệm vào ngân hàng, NĐT đổ tiền vào chứng khoán, bất động sản vì mặt bằng lãi suất thấp. Trong số NĐT mới tham gia TTCK gần đây, phần lớn không phải là NĐT tổ chức và chuyên nghiệp….

Một khảo sát mới đây của Vietnam Report đã đưa ra nhận định: “Việc NĐT F0 (lần đầu tiên tham gia thị trường) tham gia vào TTCK hiện nay là kết quả của việc lãi suất duy trì ở mức thấp liên tục nhiều tháng, nhiều quý, cùng với đó là diễn biến dịch bệnh COVID-19 ở Việt Nam khiến việc đầu tư vào các kênh khác không hấp dẫn, ngay cả kinh doanh bất động sản. Để mua bất động sản, NĐT cần thăm đất đai, nhà cửa, nhưng khi dịch bùng phát như từ tháng 5 đến nay khiến cho việc di chuyển khó khăn, mọi người hạn chế tiếp xúc trực tiếp. Trái phiếu DN cũng hơi khó tiếp cận với NĐT cá nhân. Do đó, dòng tiền có thể chảy vào một kênh đơn giản và dễ dàng nhất đó là chứng khoán”.

TS Nguyễn Trí Hiếu nhận định, tiền đang đổ quá nhiều vào chứng khoán, nhất là dòng tiền tập trung trên thị trường thứ cấp, chứ không phải sơ cấp. Có nghĩa là tiền chưa đến túi của các nhà sản xuất, kinh doanh. Điều này tiềm ẩn rủi ro lớn nếu diễn biến như hiện nay không kiểm soát chặt. Một khi hình thành bong bóng chứng khoán thì sẽ gây rủi ro cho nền kinh tế…

"Bài/Loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"

Đọc thêm