Cảnh báo nguy cơ trả thù sau vụ thảm sát tại Afghanistan

Giới chức Mỹ hôm qua (12/3) đã cảnh báo về các vụ tấn công trả đũa có thể xảy ra sau vụ việc 16 người dân Afghanistan, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em, bị một lính Mỹ xả súng bắn chết.

 Giới chức Mỹ hôm qua (12/3) đã cảnh báo về các vụ tấn công trả đũa có thể xảy ra sau vụ việc 16 người dân Afghanistan, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em, bị một lính Mỹ xả súng bắn chết. 

Một người phụ nữ bên thi thể đứa cháu vừa bị bắn chết. Ảnh: AP

“Đại sứ quán Mỹ tại Kabul đã cảnh báo những công dân Mỹ tại Afghanistan về thái độ chống Mỹ và nguy cơ xảy ra những cuộc biểu tình trong vài ngày tới, đặc biệt ở các tỉnh phía Đông và phía Nam đất nước, như hậu quả từ vụ thảm sát tại tỉnh Kandahar liên quan đến một binh sỹ Mỹ” – Đại sứ quán Mỹ viết trong một tuyên bố khẩn đăng trên trang web của cơ quan này.

Đại sứ quán Mỹ tại Kabul cũng đã hạn chế những di chuyển của nhân viên tại khu vực miền Nam Afghanistan cho đến 17h00 (giờ địa phương, 12h00 GMT) ngày 12/3. Giới chức Afghanistan cũng cho biết đã triển khai thêm cảnh sát và binh lính tại các khu vực xung quanh Kandahar trước những lo ngại về các cuộc biểu tình bạo lực do Taliban kích động.

Một người hay một nhóm?

Theo lời các nhân chứng, vụ thảm sát trong đêm 11/3 đã giết chết 16 người, trong đó có 9 trẻ em và 3 phụ nữ. Một người phát ngôn Lực lượng Hỗ trợ An ninh Quốc tế (ISAF) do Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) dẫn đầu xác nhận, một số người dân sống trong 3 ngôi nhà đã bị tấn công và nhiều người đã bị thương.

Tuy nhiên, hiện có những thông tin trái chiều về số binh lính Mỹ đã tham gia vào vụ thảm sát. Hàng xóm và những người thân của một nạn nhân nói rằng họ đã nhìn thấy một nhóm binh lính Mỹ đến ngôi làng của họ ở huyện Panjwai, cách thủ phủ tỉnh Kandahar 35km, lúc 2h00 sáng 11/3. Các nhân chứng nói rằng cả nhóm đã xông vào nhà dân và xả súng.

“Họ đã đổ hóa chất lên thi thể những người chết và phóng hỏa đốt cháy” – một nhân chứng tên Haji Samad đã mất con, cháu trong vụ thảm sát nói. Theo những người hàng xóm này, những binh lính Mỹ đã say rượu và liên tục cười cợt khi gây án.

Ngược lại, các quan chức tại Đại sứ quán Mỹ, ISAF và từ Washington khăng khăng, vụ việc chỉ do một người gây ra. Một người phát ngôn ISAF nói rằng, duy nhất một lính Mỹ đã “đi bộ trở lại căn cứ và tự giác nộp mình”, đồng thời khẳng định quân đội Mỹ hiện không có bất kỳ chiến dịch nào tại khu vực này.

Một quan chức quốc phòng cấp cao tại Washington cũng nói vụ việc chỉ do một người thực hiện. “Dựa trên những thông tin ban đầu, chúng tôi khẳng định một binh lính Mỹ đã hành động một mình chứ không phải một nhóm binh lính Mỹ” – quan chức trên nói và cho biết, người lính đang bị tạm giam là một trung sỹ đã kết hôn và có 3 con nhỏ.

Theo vị quan chức, trung sỹ này đã từng 3 lần phục vụ tại Iraq và đây là lần đầu thực hiện nghĩa vụ tại Afghanistan. Bộ trưởng Biên giới và các vấn đề Bộ lạc Asadullah Khalid cũng tuyên bố một binh lính Mỹ đã xông vào 3 ngôi nhà ở gần căn cứ của mình, giết chết 16 người, trong đó có 11 người trong ngôi nhà đầu tiên.

Giận dữ bao trùm

Vụ xả súng hôm 11/3 xảy ra trong bối cảnh bạo lực leo thang nhằm vào lực lượng nước ngoài ở Afghanistan sau khi binh lính Mỹ đốt các bản kinh Koran tại căn cứ không quân Bagram.

Vụ đốt các bản kinh đã gây ra các cuộc biểu tình và tấn công bạo lực liên tiếp khiến 30 người chết, bất chấp việc các quan chức cao cấp nhất của Mỹ - trong đó có Tổng thống Obama - đã lên tiếng xin lỗi. Sáu lính Mỹ cũng đã bị lính Afghanistan giết hại.

Mối quan hệ giữa Mỹ và Afghanistan vừa có dấu hiệu lắng dịu với việc chính phủ 2 nước ngày 9/3 đã ký một biên bản ghi nhớ về việc chuyển giao một số tù nhân người Afghanistan cho chính phủ nước này quản lý – một bước tiến quan trọng trong việc bàn giao quyền quản lý đất nước cho giới chức Afghanistan – giờ lại trở nên đặc biệt căng thẳng.

Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 11/3 đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Afghanistan Hamid Karzai, bày tỏ sự đau buồn sâu sắc và hứa sẽ điều tra làm rõ vụ việc “nhanh nhất có thể” và trừng phạt những người có trách nhiệm. “Vụ việc này là một thảm kịch, gây sốc và không phản ánh tinh thần của quân đội Mỹ cũng như sự tôn trọng của Mỹ đối với người dân Afghanistan” – ông Obama trong một tuyên bố khẳng định.

Cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta cũng đã chia buồn với Tổng thống Karzai và đảm bảo đang tiến hành “một cuộc điều tra đầy đủ và nhanh nhất có thể” về vụ việc trên.

Tổng thống Karzai trong khi đó đã lên án vụ việc, cho rằng việc các lực lượng Mỹ tự do sát hại dân thường Afghanistan là một việc “không thể tha thứ”. “Đây là một vụ ám sát, một vụ cố ý giết người nhằm vào những người dân vô tội và không thể dung thứ”– ông Karzai khẳng định.

Ông Karzai nêu rõ chính phủ và người dân Afghanistan yêu cầu Mỹ đưa ra lời giải thích xác đáng về vụ việc. “Đây là một đòn chí mạng đánh vào hoạt động quân sự của Mỹ tại Afghanistan. Chút niềm tin và sự tín nhiệm mà chúng ta vừa lấy lại được sau vụ đốt kinh Koran giờ đã ra đi” – ông David Cortright - giám đốc nghiên cứu chính sách tại Viện Nghiên cứu Hòa bình quốc tế Kroc nói.

Ông Cortright cho rằng đây có thể là hành vi của một người lính đơn độc, loạn trí nhưng người dân Afghanistan sẽ cho rằng đó là một vụ thảm sát bừa bãi nhằm vào thường dân vô tội.

Còn Taliban hôm qua cũng đã đe dọa sẽ trả thù. “Taliban sẽ trả thù những kẻ xâm lược và những kẻ giết người man rợ” – nhóm phiến quân Hồi giáo viết trên trang web của mình.

Cùng ngày, một quan chức Afghanistan tuyên bố vụ sát hại thường dân có thể làm tổn hại tới những nỗ lực nhằm đạt được thỏa thuận chiến lược với Kabul, theo đó cho phép người Mỹ hiện diện lâu dài tại quốc gia này. “Vụ việc có thể làm trì hoãn việc ký kết Thỏa thuận Đối tác Chiến lược giữa Washington và Kabul” – nguồn tin trên nhấn mạnh.

Thanh Tâm (Theo Reuters, AP)

Đọc thêm