Bị mạo danh trên Internet: Nhiều nhà hàng bất lực

(PLO) - Hiện nay, các hành vi giả danh, nhái hay mạo nhận thương hiệu ngày càng trở nên tinh vi, khéo léo hơn. Nhiều trường hợp doanh nghiệp phát hiện mà đành bất lực vì hiện trạng giả mạo quá nhiều hoặc đối tượng làm giả quá “lì”.
Nhà hàng Ngọc Sương “giả mạo” có tên trong danh sách kết luận giám định của Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ
Nhà hàng Ngọc Sương “giả mạo” có tên trong danh sách kết luận giám định của Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ

Hàng chục nhà hàng giả danh một thương hiệu?

Mới đây, sự việc thương hiệu nhà hàng hải sản Ngọc Sương công bố hàng chục nhà hàng mạo danh Ngọc Sương khiến người tiêu dùng không khỏi bất ngờ và hoang mang.

Theo hàng loạt kết luận giám định từ Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ, rất nhiều nhà hàng Ngọc Sương nổi tiếng ở Sài Gòn tọa lạc tại các địa điểm “đắc địa” trên đường Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Văn Trỗi, Lê Quý Đôn, Thảo Điền, Nguyễn Cư Trinh và cả ở Mũi Né…  lại là nhà hàng không chính hiệu, thực hiện hành vi xâm phạm đến nhà hàng Ngọc Sương Sài Gòn chính hiệu đã đăng kí nhãn mác từ năm 1993.

Các nhà hàng này không chỉ lấy tên Ngọc Sương, còn lấy logo giống, thực đơn món ăn cũng khá giống. Thậm chí trường hợp nhà hàng Ngọc Sương Bến thuyền ở Nguyễn Văn Trỗi còn… tổ chức các sự kiện kỉ niệm thành lập trên báo đài cho một thương hiệu như Ngọc Sương thật.

Hiện, một số nhà hàng Ngọc Sương giả đã hạ bảng hiệu, số khác vẫn giữ nguyên hoặc đổi tên một chút để gây nhầm lẫn như Ngọc Sương thành NS…

Thông tin này khiến cả cơ quan quản lý cũng không khỏi bất ngờ. Ông Trần Giang Khuê - Phó trưởng đại diện phụ trách văn phòng Cục Sở hữu trí tuệ tại TPHCM chia sẻ, hiện nay vấn đề giả, nhái thương hiệu đang diễn biến rất phức tạp, tinh vi với nhiều thủ đoạn mà đôi khi người tiêu dùng không nhận diện ra được.

Đặc biệt, trong các lĩnh vực như mỹ phẩm, dược phẩm, ẩm thực thì lại càng nguy hiểm đến sức khỏe người tiêu dùng và một khi hậu quả xảy ra thì không biết giải quyết thế nào. Ông Khuê cho biết, thời gian tới Cục sẽ mạnh tay xử lý các hành vi giả mạo, nhái thương hiệu nói trên. 

Phải nói rằng, việc mạo danh, nhái thương hiệu hiện nay ngày càng lộng hành và ngang nhiên. Trước đó, trong lĩnh vực ẩm thực, các nhà hàng như Sườn Cây (Sài Gòn), Nhất Nướng (Hà Nội) cũng đã bị mạo danh một cách trắng trợn, dẫn đến việc khiếu nại khiếu kiện và cuối cùng giành lại được bảng hiệu “độc quyền” của mình.

Ngoài ra, các lĩnh vực khác, đặc biệt là điện tử, điện máy và bất động sản thời gian qua đã xảy ra không ít vụ ồn ào giả, nhái thương hiệu. Có trường hợp giả công ty bất động sản nổi tiếng như Him Lam, NovaLand để… mở bán căn hộ cho khách hàng.

Làm cách nào hạn chế tối đa nguy cơ bị giả mạo?

Đã vi phạm quyền sở hữu, nhiều đơn vị làm giả còn ngang nhiên truyền thông, quảng cáo hút khách trên internet và mạng xã hội. Trường hợp Ngọc Sương, các nhà hàng Ngọc Sương giả vẫn đăng thông tin trên các trang review ẩm thực, du lịch nổi tiếng trong và ngoài nước như Foody, Tripadvisor, Địa điểm ăn uống, Paso… để hút khách và có fanpage riêng khiến người tiêu dùng “loạn” vì không biết đâu thật, đâu giả.

Tương tự, công ty bất động sản mạo danh Him Lam ngang nhiên tạo Fanpage, chạy quảng cáo để bán căn hộ. Và mới đây, một loạt cửa hàng điện máy, điện thoại giả mạo Thế giới di động, Nguyễn Kim… lập cả website giả, đến cung cấp dịch vụ sửa chữa rởm cho khách hàng, hoặc tổ chức quay số trúng thưởng lừa đảo.

Theo Luật sư Nguyễn Văn Hậu - Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP HCM, Chủ tịch Trung tâm trọng tài Luật gia Việt Nam chia sẻ, để xảy ra việc các đơn vị giả mạo ngang nhiên như trên, một phần là do lỗ hổng trong Luật Sở hữu trí tuệ mà sắp tới nên có những sửa chữa, bổ sung. Theo ông Hậu, những trường hợp vi phạm pháp luật, giả mạo thương hiệu, lấy tài sản của người khác làm của mình phải xử thật nặng để làm gương.

Ông Hậu cũng đưa ra lời khuyến cáo đối với các đơn vị, tổ chức làm truyền thông mạng: Việc quảng cáo cho các thương hiệu khi chưa bị phát hiện làm giả làm nhái thì khó có cơ sở truy cứu trách nhiệm đối với những người đang thực hiện hành vi quảng cáo cho các thương hiệu làm nhái này. 

Tuy nhiên, trong trường hợp đã có cơ sở kết luận đâu là thương hiệu thật, đâu là thương hiệu giả thì chủ sở hữu thương hiệu thật hoàn toàn có quyền yêu cầu các cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm phải chấm dứt hành vi vi phạm như tháo gỡ bài. Nếu các tổ chức, cá nhân này không chịu thực hiện thì đó là hành vi vi phạm pháp luật và trong trường hợp bị truy tố thì những người này được coi là đồng phạm. 

Luật sư Nguyễn Văn Hậu cũng đưa ra lời khuyên cụ thể cho doanh nghiệp để bảo vệ mình trước nguy cơ bị giả mạo khi đăng kí nhãn hiệu: “Doanh nghiệp nên tham vấn các doanh nghiệp, tổ chức tư vấn về thiết kế thương hiệu trước khi đăng ký sở hữu trí tuệ. Khi đăng ký bảo hộ thương hiệu, chủ thương hiệu nên chọn các thương hiệu bao gồm cả phần chữ viết và phần hình ảnh để việc bảo hộ được tốt hơn do nguy cơ bị nhái, bị làm giả khó hơn.

Trong đó, đối với phần chữ viết, nên lựa chọn các từ ngữ, cụm từ ngữ mang bản sắc riêng của doanh nghiệp, không nên là các từ ngữ, cụm từ ngữ mang tính phổ biến giống như: 24/7, Seven days… Đối với hình ảnh thì nên sử dụng những công nghệ thiết kế đòi hỏi trình độ cao của người thiết kế, sẽ giảm thiểu được khả năng làm nhái làm giả”. 

Đọc thêm