Chất cấm trong chăn nuôi đã được khống chế?

(PLO) - Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn liệu có lạc quan khi khẳng định tình hình nhập khẩu, kinh doanh và sử dụng chất cấm trong chăn nuôi đến nay đã được ngăn chặn, nguồn cung đã được khống chế?.
Theo Viện Kiểm nghiệm VSATTP, sử dụng thịt có chứa Salbutamol sẽ gây rối loạn nhịp tim, run cơ, co thắt phế quản, tăng huyết áp, nguy cơ sảy thai. Ảnh minh họa
Theo Viện Kiểm nghiệm VSATTP, sử dụng thịt có chứa Salbutamol sẽ gây rối loạn nhịp tim, run cơ, co thắt phế quản, tăng huyết áp, nguy cơ sảy thai. Ảnh minh họa

Tạm thời lắng xuống

Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cùng quan điểm và đánh giá việc triển khai các đợt cao điểm về kiểm soát chất cấm đã có tác dụng rất tích cực, góp phần giảm thiểu rõ rệt tỷ lệ các mẫu dương tính với chất cấm trong chăn nuôi.

Cục này đưa ra bằng chứng rằng, các tháng đầu năm 2016 chưa phát hiện được cơ sở sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi có chất cấm. Phần lớn các địa phương phía Bắc và miền Trung không phát hiện thêm các mẫu nước tiểu, mẫu thịt dương tính.

Riêng khu vực phía Nam số lượng mẫu nước tiểu dương tính phát hiện tại Đồng Nai chỉ có 2/128 (1,56%); tương tự TP HCM trong tháng 3 cũng chỉ phát hiện được 1,5% số mẫu nước tiểu có dương tính với chất cấm trong các lò mổ.

Tuy nhiên, Cục Chăn nuôi không quên khuyến cáo các địa phương cần tiếp tục duy trì hoạt động kiểm soát chất cấm trong chăn nuôi ở tất cả các khâu, từ sản xuất kinh doanh thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, trong chăn nuôi và giết mổ gia súc, gia cầm.

“Trong đó, cần tập trung kiểm tra trọng tâm ở các cơ sở chăn nuôi trong giai đoạn vỗ béo, cơ sở giết mổ và thịt lợn, bò, gia cầm trong các chợ. Ngoài kiểm tra Salbutamol, Vàng ô, cần kiểm tra Ractopamine và mức độ tồn dư kháng sinh trong sản phẩm chăn nuôi”, Trưởng phòng Thức ăn chăn nuôi, Cục Chăn nuôi Chu Đình Khu nói.

Trước đó, để đánh giá tình hình sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, Thanh tra Bộ NN&PTNT đã phối hợp với C49 kiểm tra lấy 207 mẫu thức ăn chăn nuôi của 32 công ty tại 10 tỉnh, thành để phân tích (59 mẫu phân tích chỉ tiêu Auramine, 148 mẫu phân tích chỉ tiêu Salbutamol).

Kết quả không phát hiện Salbutamol và Auramine trong toàn bộ 207 mẫu. Cục Thú y cũng yêu cầu các chi cục lấy 1.457 mẫu nước tiểu và 385 mẫu thịt tại các cơ sở giết mổ. Kết quả phát hiện 3 mẫu thịt (chiếm 0,77%), 157 mẫu nước tiểu (chiếm 10,7%) dương tính với Salbutamol.

Mở rộng đối tượng giám sát

Thanh tra Bộ NN&PTNT thậm chí còn khẳng định rằng tình hình nhập khẩu, kinh doanh và sử dụng chất cấm trong chăn nuôi đến thời điểm hiện tại đã được ngăn chặn, tạo sự chuyển biến căn bản so với trước tháng 10/2015.

“Trên thị trường hiện tại không còn hiện tượng bày bán công khai các sản phẩm quảng cáo là “siêu tăng trọng, bông đùi, nở vai” có chứa Salbutamol. Các chủ hộ chăn nuôi, các trang trại và gia trại đều được tuyên truyền và biết về tác hại của chất cấm nên cũng có động thái bài trừ các chất này. Bộ Y tế đang phối hợp với các cơ quan chức năng quản lý rất chặt nguồn nhập khẩu và cung cấp Salbutamol nên việc đưa sang chăn nuôi sử dụng sai mục đích đã bị triệt tiêu”- ông Nguyễn Văn Việt - Chánh Thanh tra Bộ NN&PTNT cho hay.

Chánh Thanh tra Việt cảnh báo bất cứ tổ chức, cá nhân sau 1/7/2016 (Bộ luật Hình sự sửa đổi có hiệu lực - PV) nếu buôn bán, sử dụng chất cấm nếu bị cơ quan có thẩm quyền phát hiện sẽ bị mất tài sản rất lớn, thậm chí sẽ còn bị xử lý hình sự rất nặng.

Từ những dẫn chứng như thế ông Việt tỏ thái độ khá lạc quan khi cho rằng hiện tại, hầu hết các nhà máy sản xuất, gia công thức ăn chăn nuôi không còn sử dụng chất cấm trộn vào thức ăn chăn nuôi (?!). Ông nói hiện vẫn còn ít lượng Sabultamol trôi nổi trên thị trường nên chỉ còn một số ít trang trại một số tỉnh như TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Tiền Giang, Long An, Bình Thuận, Bình Dương... thông qua thương lái và người tiếp thị cám cung cấp chất Sabultamol trộn trực tiếp vào thức ăn cho heo.

Khác với thái độ lạc quan của cấp dưới, ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT bày tỏ sự dè dặt hơn trước vấn đề đang gây bức xúc trong xã hội: Việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi được Bộ NN&PTNT xác định là vấn đề hệ trọng, vấn đề “nóng” và còn rất phức tạp của ngành. Theo Thứ trưởng Tám, ngoài chất Vàng ô và salbutamol, năm 2016, Bộ sẽ không dừng lại mà còn mở rộng đối tượng, đưa các chất cấm khác như kháng sinh, thuốc bảo vệ thực vật và phân bón hữu cơ vào diện giám sát đặc biệt.

“Còn bao nhiêu tấn Salbutamol đang trôi nổi ngoài thị trường?”

Trước đó như PLVN đã thông tin, Bộ NN&PTNT cho biết 9 tháng đầu năm 2015, có tới 68 tấn chất tạo nạc bị cấm trong chăn nuôi được nhập khẩu vào Việt Nam, trong khi Bộ Y tế thì khẳng định họ chỉ cho phép 11 doanh nghiệp nhập khẩu 3,5 tấn Salbutamol. Trả lời PLVN, Tổng cục Hải quan lại cho biết: 9 tháng 2015, số nguyên liệu Salbutamol nhập vào Việt Nam là 4,6 tấn cùng với đó là tân dược có hàm lượng chứa Salbutamol đã được đóng gói nhập vào Việt Nam với con số rất lớn: 1,9 triệu bao, với trị giá lên tới 9,8 triệu USD.

Về nghi vấn 68 tấn hóa chất y tế được nhập về và tuồn ra làm chất tạo nạc, trao đổi với PLVN, ông Nguyễn Văn Việt - Chánh Thanh tra Bộ NN&PTNT cho biết: “Chúng ta nên thống nhất theo con số báo cáo của C49 mới đây vì đây là con số được coi là chính thức. Bởi họ đưa ra con số đó phải dựa trên số liệu của phía Hải quan, của Bộ Y tế cũng như số liệu của các cơ quan khác. Tôi nghĩ người ta chỉ buôn bán, sử dụng nguyên liệu 100% Salbutamol, chứ 1,9 triệu bao tân dược có hàm lượng chứa Salbutamol như PLVN phản ánh tôi chắc họ không sử dụng vào nuôi lợn”.

Theo báo cáo của C49, năm 2014 và 2015, các Cty dược đã nhập khẩu 9.140kg (9,1 tấn), trong đó có 6.248kg bán ra ngoài, không đúng đối tượng, sai mục đích. Hiện nay, trong kho của các Cty dược còn lại khoảng 1.334kg và các Cty dược đang thu hồi 2.025kg đã phối trộn, tỷ lệ Sabultamol thấp, kém chất lượng.

Đọc thêm