Hà Nội: Khó khăn trong quản lý cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ

(PLO) - Trong thời gian qua, TP Hà Nội đã nỗ lực trong công tác quy hoạch, xây dựng các điểm giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, tuy nhiên, hiện nay tiến độ thực hiện quy hoạch vẫn còn chậm, quá trình triển khai gặp nhiều khó khăn.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Với nhu cầu sử dụng thịt gia súc, gia cầm của thành phố Hà Nội năm 2017 ước khoảng 324.000 tấn/năm, tương đương khoảng 900 tấn/ngày, tính đến hết tháng 6/2017, lượng thịt gia súc, gia cầm hàng ngày được cung cấp từ các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm được kiểm soát trên địa bàn thành phố khoảng 392 tấn/ngày. 

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, số lượng các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm được kiểm soát trên địa bàn TP là 116 cơ sở, còn chiếm tỷ lệ thấp. Lượng thịt giết mổ gia súc, gia cầm được kiểm soát chiếm khoảng 55% nhu cầu tiêu thụ thịt gia súc, gia cầm của người tiêu dùng thủ đô, phần còn lại được cung ứng bởi các điểm, hộ giết mổ thủ công nhỏ lẻ chủ yếu nằm trong khu dân cư và nhập từ các tỉnh thành. 

Với chủ trương từng bước xóa bỏ các điểm giết mổ nhỏ lẻ không đủ điều kiện vệ sinh thú y, đưa vào hoạt động trong các cơ sở giết mổ tập trung. Thành phố đã hỗ trợ một số địa phương đưa vào hoạt động trong các cơ sở giết mổ tập trung góp phần cải thiện tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm. Tại huyện Thanh Trì, thành phố huy động xã hội hóa đầu tư cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung tại xã Vạn Phúc. Cơ sở hoạt động ổn định với công suất giết mổ trung bình 1.700 con lợn/ngày, vừa góp phần giải quyết ô nhiễm môi trường trong khu dân cư vừa kiểm soát được an toàn vệ sinh thực phẩm và tạo điều kiện thuận lợi trong công tác quản lý giết mổ. 

Đối với huyện Chương Mỹ, trước đây, huyện có 80 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ nằm trong khu dân cư gây ô nhiễm môi trường, chưa được kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm. Để từng bước xóa bỏ các điểm giết mổ này, huyện đã quy hoạch 4 điểm giết mổ tập trung tại các xã Hữu Văn, Hồng Phong, Thụy Hương, Đại Yên. Đến nay, điểm giết mổ gia cầm Đại Yên đã có doanh nghiệp đầu tư và hoạt động với công suất giết mổ 1.000-1.200 con gà/giờ, thực hiện trên dây chuyền công nghiệp hiện đại, bảo đảm an toàn thực phẩm. 

Theo quy hoạch hệ thống cơ sở giết mổ và chế biến gia súc, gia cầm trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2020, Hà Nội sẽ có 11 điểm quy hoạch giết mổ công nghiệp và 37 điểm quy hoạch giết mổ tập trung. Tuy nhiên, hiện nay, mới chỉ có 5 cơ sở giết mổ công nghiệp và 2 cơ sở giết mổ tập trung đi vào hoạt động. Có 2 dự án đang được hoàn thiện thủ tục để triển khai.

Theo Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn, đến nay, nhiều điểm giết mổ nằm trong quy hoạch nhưng một số địa phương vẫn chưa bố trí được địa điểm xây dựng phù hợp gắn với quy hoạch xây dựng nông thôn mới. Một số nơi thiếu quỹ đất dành cho đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ tập trung, mặt khác công tác giải phóng mặt bằng chậm trễ.

Trong khi việc thực hiện quy hoạch còn ngổn ngang thì việc quản lý vận chuyển gia súc, gia cầm vào thành phố còn lại gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, với quy định bãi bỏ kiểm dịch nội tỉnh đã khiến cho một số lượng lớn sản phẩm động vật có nguy cơ chưa được kiểm dịch tuồn về các chợ bán cho người dân. Trong khi Hà Nội lại giáp ranh với 8 tỉnh thành với nhiều đường dẫn vào thành phố, điều này làm xuất hiện tình trạng giết mổ nhỏ lẻ vẫn diễn ra tràn lan càng gây khó khăn cho công tác quản lý.

Đọc thêm