Lừa đảo qua điện thoại “tái xuất”: Làm sao để không có thêm nạn nhân?

(PLO) - Trước tình trạng những ngày gần đây tại Hà Nội và một số địa phương trên cả nước tái xuất hiện dấu hiệu lừa đảo qua điện thoại dưới hình thức cuộc gọi vào các máy điện thoại cố định gây hoang mang dư luận và ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân, VNPT đưa ra khuyến cáo khách hàng cảnh giác trước những cuộc gọi đến có dấu hiệu lạ. Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu dùng SIM chính chủ để đăng ký Internet Banking.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Cuộc gọi lừa đảo có những dấu hiệu gì?

Theo đại diện VNPT, có những dấu hiệu để nhận biết cuộc gọi lừa đảo. Khi có cuộc gọi đến máy điện thoại của mình, khách hàng nhấc máy sẽ nghe hộp thư tự động thông báo có bưu phẩm đang chờ nhận, hoặc đang nợ cước và hướng dẫn khách bấm phím 9 hoặc phím nào đó để được biết thông tin chi tiết. 

Sau khi bấm phím 9, người gọi sẽ gặp người thật giới thiệu là người của các đơn vị chuyển phát nhanh hoặc nhân viên VNPT  trao đổi làm rõ các thông tin về bưu phẩm đang chờ phát, số cước đang nợ… Tùy theo phản ứng của khách hàng, đối tượng lừa đảo sẽ lấy thông tin cá nhân chi tiết của khách hàng và hướng dẫn chuyển tiền đến một tài khoản để trả nợ hay đóng phí nhận bưu phẩm. Nếu khách hàng nói không biết hoặc thắc mắc vụ việc, khách hàng sẽ được đối tượng thông báo cho kết nối đến đường dây nóng của công an. 

Sau vài lần thông báo tự động là đang kết nối với đường dây nóng của cơ quan công an thì xuất hiện người giả danh công an yêu cầu khách hàng xác nhận thông tin cá nhân. Sau đó lại dùng thủ đoạn hù dọa, thông báo tài khoản, thông tin của khách hàng liên quan đến tội phạm đang bị điều tra, yêu cầu khách hàng chuyển tiền vào tài khoản của lãnh đạo cơ quan để xác minh. 

Chúng sẽ yêu cầu nạn nhân cung cấp số điện thoại để liên lạc khi cần và yêu cầu nạn nhân giữ bí mật vì vụ án đang điều tra. Sau khi khách hàng chuyển tiền các đối tượng lừa đảo sẽ rút tiền ở nước ngoài vì tài khoản của chúng thường dùng là tài khoản thẻ ghi nợ quốc tế. 

Khách hàng có thể xử lý thế nào?

Đây là hình thức lừa đảo không mới và đã được các cơ quan cảnh báo nhiều lần, nhưng cho đến nay, chiêu lừa đảo này vẫn có những nạn nhân mới, không chỉ ở nông thôn miền núi mà còn cả ở những khu vực đô thị có nhiều điều kiện tiếp cận thông tin.

VNPT một lần nữa khẳng định, đơn vị này không áp dụng hình thức thông báo qua hộp thư tự động đến khách hàng với các nội dung nhắc nợ cước hoặc nhận bưu phẩm, bưu kiện như trên. Vì vậy VNPT khẳng định tất cả các cuộc gọi có dấu hiệu như trên đều là các cuộc gọi của đối tượng lừa đảo. 

Qua xác minh trên hệ thống kỹ thuật cho thấy các cuộc gọi lừa đảo như nêu trên đều xuất phát từ quốc tế về qua nhiều hướng khác nhau và hiển thị số điện thoại giả mạo, nên việc phát hiện và ngăn chặn là rất khó khăn. Hiện VNPT đang phối hợp với các đối tác quốc tế để xác minh và sẽ áp dụng các biện pháp tối đa nhất để hạn chế hiện tượng này. 

Để bảo vệ quyền lợi khách hàng, VNPT xin khuyến cáo khách hàng nên cảnh giác khi nhận được các cuộc gọi có dấu hiệu như trên. Nếu gặp phải trường hợp như vậy khách hàng nên dập máy, không thực hiện theo các hướng dẫn của đối tượng, đặc biệt là không chuyển tiền vào các tài khoản khác theo yêu cầu của người lạ.

“Khách hàng có thể thông báo cho các cơ quan Công an để được hướng dẫn xử lý hoặc gọi đến tổng đài 800126 của VNPT để thông báo sự việc, cung cấp thông tin để VNPT xác định hướng cuộc gọi và phối hợp với các đối tác quốc tế tìm biện pháp kỹ thuật xử lý” – đại diện của VNPT cho biết.

Ngân hàng Nhà nước yêu cầu phải dùng SIM chính chủ đăng ký Internet Banking

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) yêu cầu trong lúc giao dịch đăng ký dịch vụ Internet Banking, nhân viên các nhà băng phải trao đổi rõ với khách về số điện thoại đăng ký dịch vụ có phải số điện thoại đang sử dụng hay không để kịp thời cảnh báo. Trong trường hợp nghi vấn mở thẻ để giao lại cho đối tượng khác thì nhân viên phải đề nghị khách hàng không thực hiện giao dịch để tránh bị các đối tượng lừa đảo.

Đây là nội dung được nêu trong văn bản của NHNN sau khi NHNN chi nhánh TP HCM cảnh báo về việc xuất hiện nhiều tội phạm giả danh điều tra viên, cán bộ công an, viện kiểm sát, tòa án… gọi điện thoại qua mạng Internet cho người dân.

Các đối tượng lừa đảo này sẽ yêu cầu người dân ra một ngân hàng khác để mở tài khoản đứng tên của chính người bị hại, đồng thời đăng ký dịch vụ Internet Banking nhưng bằng số điện thoại của kẻ lừa đảo. Sau đó, các đối tượng đăng nhập chuyển tiền của bị hại sang tài khoản khác qua Internet Banking và chiếm đoạt tiền.

Đọc thêm