Người tiêu dùng Việt đang vướng vào ma trận đồng hồ thật giả

(PLO) - Thời gian gần đây, báo Pháp luật Việt Nam nhận được nhiều thông tin bạn đọc phản ánh về việc phải bỏ ra hàng chục thậm chí hàng trăm triệu đồng để mua một chiếc đồng hồ đeo tay. Thế nhưng, sau khi mang tới các cửa chính hãng để bảo hành thì được biết chiếc đồng hồ đó lại là hàng giả.
Người tiêu dùng Việt đang vướng vào ma trận đồng hồ thật giả

Trước thông tin đó, phóng viên báo PLVN đã thực hiện khảo sát và tìm hiểu về thị trường đồng hồ tại Hà Nội. Một điều đáng kinh ngạc là tại Hà Nội có tới hàng trăm cửa hàng kinh doanh sản phẩm đồng đeo tay với đủ các thương hiệu nổi tiếng như Omega, Tissot, Rolex… với đủ các mức giá từ vài triệu đồng cho tới vài trăm triệu đồng…

Không ngoa khi nói rằng, người tiêu dùng đang thực sự bị vướng vào ma trận đồng hồ đeo tay. Khi mà mức độ các sản phẩm đồng hồ đeo tay bị làm giả, làm nhái quá tinh vi đến mức khó có thể nhận biết bằng mắt thường.

Việc phân biệt đồng hồ thật, giả đã khó, thế nhưng tại Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng lại không có nhiều cơ sở có đủ năng lực để có thể giúp người tiêu nhận biết hàng giả, hàng nhái. 

Một chiếc đồng hồ giả thương hiệu Omega, người tiêu dùng phải bỏ ra tới 35 triệu đồng để mua
Một chiếc đồng hồ giả thương hiệu Omega, người tiêu dùng phải bỏ ra tới 35 triệu đồng để mua

Thậm chí, theo một chuyên gia về đồng hồ tại Hà Nội, việc thẩm định chất lượng và giá trị của đồng hồ rất nhạy cảm và người tiêu dùng chỉ có thể dựa vào uy tín và kinh nghiệm trong nghề của người thẩm định để đặt niềm tin vào đó chứ tại Việt Nam cũng chưa có bất cứ một quy định pháp luật nào quy định về trình độ của người thẩm định và quy mô của cơ sở thẩm định đồng hồ…

Theo anh Đặng Văn Trường (Trường Omega) – Một người có uy tín và tay nghề cao trong lĩnh vực sửa chữa đồng hồ đeo tay cho biết, những loại đồng hồ càng được sử dụng nhiều như Casio, Tissot, Rolex… thì càng bị làm giả nhiều. Đặc biệt, những loại đồng hồ được sản xuất tại Thụy Sĩ rất hay được làm giả, bởi lẽ người tiêu dùng rất ưa chuộng các thương hiệu được sản xuất tại đây. Nhiều sản phẩm sản xuất của Trung Quốc lừa người tiêu dùng  bằng cách thay máy chính hãng bằng máy cơ Trung Quốc nhưng vẫn quảng cáo là hàng Thuỵ Sĩ làm người dùng hiểu sai về xuất xứ, nguồn gốc. Đây là một món hời rất lớn đối với các nhà buôn với việc chỉ cần bỏ ra giá thành sản xuất một chiếc đồng hồ giả thương hiệu nổi tiếng vài trăm ngàn đồng nhưng lại bán ra với giá hàng chục triệu đồng.

Anh Đặng Văn Trường (áo đỏ) giúp khách hàng thẩm định một chiếc đồng hồ bị làm giả
Anh Đặng Văn Trường (áo đỏ) giúp khách hàng thẩm định một chiếc đồng hồ bị làm giả

Có một vài cách cơ bản để nhận biết đồng hồ chính hãng:

Hàng giả bao giờ cũng rẻ hơn rất nhiều so với hàng thật, ví dụ một chiếc đồng hồ hiệu ROLEX mà bạn mua với giá 10 triệu VND thì đó có thể làm hàng giả.

Đối với sản phẩm đồng hồ Thụy Sĩ thường có dòng chữ ”SWISS MADE” thường được in rất nhỏ dưới số 6 nhìn phải có độ cao bằng nhau, nét in phải tinh xảo, không bị nhòe, dòng chữ phải được bố trí cân xứng với số 6. Mặt đồng hồ phải hoàn hảo, không gợn, nhìn độ men tráng mặt phải đồng đều, có độ dày giống nhau. Các con số in trên đồng hồ cũng phải sắc xảo.

Các kim đồng hồ phải được làm cân đối, với những kim nhọn thì độ vát 2 bên phải là tam giác cân, sống gấp khúc giữa kim phải đi từ đỉnh trên xuống dưới.

Các chỗ khắc, dập ngoài vỏ phải thật sắc xảo, đồng đều, không bị nhòe. Hàng thật thường dập biểu tượng ở núm và khắc hoặc dập biểu tượng ở khóa. Bởi lẽ, những chiếc đồng hồ giả việc in những biểu tượng, dòng chữ nhỏ tại núm, đáy, khóa của đồng hồ rất khó và tốn kém nên hàng giả khó có thể làm được.

Đồng hồ chính hãng bao giờ cũng đầy đủ hộp đựng đồng hồ, túi xách, sách hướng dẫn sử dụng và quan trọng nhất là thẻ toàn cầu.

Đọc thêm