Nổ mặt vì thuốc lá điện tử

(PLO) - Việc bắt gặp một thanh niên trẻ hút thuốc lá điện tử (vape) không còn là hình ảnh lạ lẫm với giới trẻ Việt Nam. Nhiều bạn trẻ coi đó là thú vui sành điệu, một trào lưu thể hiện đẳng cấp của dân chơi mà không biết rằng bên trong điếu thuốc lá điện tử này tiềm ẩn vô số rủi ro về sức khỏe, hoặc biết nhưng vẫn cố tình làm ngơ trước tác hại của nó. 
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Bỏng vì thuốc lá

Mấy ngày gần đây, cư dân mạng đang truyền nhau xem một đoạn video clip về một chàng trai người Pháp gặp sự cố bất ngờ khi đứng ngoài hộp đêm ở Toulouse. Khi đó, cục pin trong điếu thuốc lá điện tử của chàng trai này đang để trong túi áo khoác đã phát nổ khiến anh bị bỏng nặng ở phần bụng và các ngón tay.

Trước đó, vào tháng 4 năm nay, một cô gái người Mỹ khi đang trên đường lái xe về nhà thì điếu thuốc lá điện tử của cô cũng phát nổ, gây cháy và làm chân của cô bị bỏng cấp độ 3. Cũng tại Mỹ, một người đàn ông sống tại Albany cũng đã phải gánh chịu hậu quả nặng nề vì sử dụng thuốc lá điện tử. Như mọi lần, người đàn ông này bỏ điếu thuốc lá điện tử ra hút thì thiết bị bỗng nhiên phát nổ khiến ông bị bỏng tay, lưỡi thủng một lỗ và vài chiếc răng cũng bị bay sau tiếng nổ lớn.

Hàng loạt ca tai nạn do thuốc lá điện tử gây ra làm ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe  khiến người tiêu dùng hoang mang. Vậy thực chất thuốc lá điện tử là gì? Đây là loại thuốc lá có hình dáng giống điếu thuốc bình thường hoặc hình hộp chữ nhật như chiếc bật lửa, vỏ được làm bằng hợp kim chống xước hoặc nhựa siêu bền, bên trong có một viên pin lithium nhỏ cung cấp năng lượng để làm nóng dung dịch trong buồng hơi mà người ta gọi là “tinh dầu thuốc lá”.

Dung dịch này sẽ biến thành hơi và được người sử dụng hít vào. Tinh dầu thuốc lá gồm nicotine (chiết xuất từ lá cây thuốc lá), cồn không màu, không mùi, hương liệu, chất tạo màu và các phụ gia khác. Nicotine trong tinh dầu thuốc lá có nhiều mức nồng độ từ 0mg - 26mg cho những người nghiện thuốc lá từ nặng đến nhẹ chọn lựa. Khi điếu thuốc hết pin có thể sạc bằng cổng nối USB như các thiết bị điện tử hiện nay và khi hết tinh dầu có thể tìm mua tại các nơi bán thuốc lá điện tử.

Cũng độc như thuốc lá thường?

Các nhà sản xuất thuốc lá điện tử cho rằng thuốc lá điện tử không có động tác “đốt” như thuốc lá truyền thống, do đó không có sự cháy nên không độc, không chứa các chất độc hại như thuốc lá điếu. Ngoài ra thuốc lá điện tử còn có thể giúp người hút bỏ dần thói quen hút thuốc sau một thời gian.

Tuy nhiên, theo Giáo sư y khoa Stanton Glantz, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Giáo dục thuốc lá (CTRE) thuộc  Đại học California, San Francisco thì thay vì dùng lửa, thuốc lá điện tử lại sử dụng pin để “đốt”, chính xác hơn là bốc hơi một hỗn hợp nicotin, glycerol hoặc propylene glycol, hương liệu và các tạp chất khác. Quá trình bốc hơi xảy ra ở nhiệt độ thấp hơn nhiều so với đốt cháy, vì vậy, nghe qua có vẻ hợp lý, không sinh các chất độc giống như thuốc lá điếu truyền thống.

Nhưng người dùng không chỉ hít nicotine và hơi nước mà trong quá trình hâm nóng (gia nhiệt dịch lỏng của thuốc) sẽ tạo ra rất nhiều andehit và các hạt siêu mịn cực kỳ nguy hiểm. Nguy cơ ung thư có thể thấp hơn so với thuốc điếu thông thường, nhưng ảnh hưởng của các hạt siêu mịn và aldehyde lên sức khỏe là rất lớn, đặc biệt tới phổi, không khác gì thuốc lá điếu truyền thống. Mối nguy hiểm của các hạt siêu mịn này có thể gây viêm phổi tỉ lệ thuận với thâm niên hút thuốc. 

Theo một nghiên cứu gần đây, các tế bào máu trắng được nuôi trong phòng thí nghiệm nếu tiếp xúc với hợp chất gây viêm gây có trong thuốc lá điện tử sẽ phát sinh nhiều hiệu ứng bất lợi cho nhiều bộ phận trong cơ thể. Các hạt siêu bụi của thuốc lá điện tử, trong không khí ô nhiễm có thể làm tăng độ dính kết của máu, dẫn đến tắc động mạch và gây bệnh tim.

Theo một nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí Addiction, trong khói của thuốc lá điện tử còn có chứa formaldehyde, hợp chất dễ gây ung thư. Chưa hết, hút thuốc ở nhiệt độ quá cao còn gây ra hiện tượng có tên  “phun khô”, rất khắc nghiệt và khó chịu, lâu dài ảnh hưởng nghiêm trọng đến phổi và hệ thống hô hấp chung của cơ thể… 

Được biết, ở Việt Nam chỉ có Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam được phép nhập khẩu mặt hàng thuốc lá điện tử, nhưng doanh nghiệp này vẫn chưa công bố một thương hiệu thuốc lá điện tử nào. Do đó, các mặt hàng thuốc lá điện tử bán trên thị trường đều là hàng xách tay. Thế nhưng, thực sự rất khó để người mua nhận biết được nguồn gốc xuất xứ.

Dù không rõ nguồn gốc xuất xứ nhưng giá của các loại thuốc lá điện tử này vẫn được “hét” giá trên trời từ thấp nhất vài trăm ngàn cho đến vài triệu đồng. Cùng với đó là tinh dầu dùng để hút thuốc lá điện tử, thành phần ra sao, xuất xứ thế nào người mua cũng hoàn toàn mơ hồ.

Cuối tháng 9 vừa qua, Cục Hải quan thành phố Hà Nội và Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ, Bộ Công an đã kiểm tra 4 lô hàng nhập từ châu Âu về Việt Nam. Kết quả kiểm tra xác định trong 4 lô hàng này có chứa 350kg tinh dầu dùng để hút thuốc lá điện tử, nhưng chủ lô hàng không xuất trình được giấy phép xuất nhập khẩu.

Đọc thêm