Sư thật sau chiêu quảng cáo 'phẫu thuật thẩm mỹ bảo hành trọn đời'

(PLO) - Hiện nay, khá nhiều cơ sở làm đẹp quảng cáo “bảo hành trọn đời” cho các dịch vụ của mình nhằm thu hút khách hàng. Nhưng liệu có thật được “trọn đời” như cam kết?

Không thể bảo hành vì cơ sở… phá sản? 

Mới đây, nữ ca sĩ Mai Tường Vy đã gặp một sự cố hy hữu: túi ngực bị vỡ sau một chuyến bay. Nữ ca sĩ này sau sự cố nói trên đã liên hệ bác sĩ phẫu thuật đặt túi ngực cho mình 7 năm trước với giá 2.000USD và cam kết “bảo hành trọn đời”.

Tuy nhiên, cơ sở thẩm mỹ của bác sĩ trên đã đóng cửa, còn bác sĩ từ chối giúp đỡ, chỉ yêu cầu bệnh nhân nên “đến bệnh viện lấy ra ngay”, sau đó tránh cuộc gọi và khóa máy. Theo nhận định của một số bác sĩ thẩm mỹ, lý do của việc vỡ túi ngực không phải do nguyên nhân từ áp suất máy bay mà có thể do túi ngực nói trên có chất lượng chưa đảm bảo.

Nữ ca sĩ đã phải chi trả 100 triệu đồng để “giải quyết” chiếc túi ngực hỏng và phục hồi lại sức khỏe sau biến chứng. Như vậy, cam kết “bảo hành trọn đời” nói trên trong trường hợp của nữ ca sĩ Mai Tường Vy đã không thể thực thi vì bệnh viện đóng cửa, bác sĩ… giải nghệ.

Trên thực tế, hiện nay có thể dễ dàng bắt gặp các quảng cáo từ phía bệnh viện, cơ sở thẩm mỹ, dịch vụ làm đẹp như nâng mũi bảo hành trọn đời, triệt lông bảo hành trọn đời, nâng ngực bảo hành trọn đời… Tuy nhiên, tính thực hư của cam kết này khó mà thực hiện được bởi nó còn tùy thuộc vào cơ sở, dịch vụ làm đẹp ấy có duy trì kinh doanh được đến… trọn đời hay không. 

Mai Tường Vy bị vỡ túi ngực sau 7 năm "dao kéo".
Mai Tường Vy bị vỡ túi ngực sau 7 năm "dao kéo".

Chị Tạ Thị Kim T. cũng là một nạn nhân của “bảo hành trọn đời”. Chị mua dịch vụ triệt lông tại một spa mới mở cửa trên đường Cách Mạng Tháng Tám (quận Tân Bình, TP HCM). Sau khi khảo sát giá ở nhiều nơi, chị T. quyết định chọn cơ sở này vì giá tốt và được “bảo hành trọn đời”. Có nghĩa là, bất cứ khi nào lông mọc lại sau khi triệt vẫn có thể tới spa để triệt lại.

Trong khi đó, các sơ sở khác chỉ bảo hành từ 3 đến 5 năm. Tuy nhiên, sau khi sử dụng dịch vụ được 1 năm, chị T. rất không hài lòng vì chất lượng: sau khi triệt bị viêm nang lông, khó chịu, sau đó lông mọc trở lại và cứng hơn. Chị T. gọi đến spa nói trên để được tư vấn thì không liên lạc được. Trực tiếp đến địa chỉ spa thì hóa ra đó đã trở thành… shop quần áo, spa này dọn đi đâu hoặc đã đóng cửa vĩnh viễn cũng không rõ.

Nhiều trường hợp khác, khách hàng sau khi nhận phiếu “bảo hành trọn đời”, sau một thời gian quay lại yêu cầu bảo hành thì nhận sự đối đãi không tốt từ cơ sở làm đẹp như “hẹn lần hẹn lữa”, không chốt lịch hẹn cho khách hàng, hoặc đổ lỗi cho khách hàng trong việc làm xảy ra sự cố sau khi làm đẹp để không phải bảo hành.

Khách hàng có thể đòi quyền lợi?  

Chiêu thức “bảo hành trọn đời” của nhiều cơ sở làm đẹp là nhằm hút khách, tăng tính cạnh tranh trên thị trường. Cạnh đó, nhiều cơ sở cũng chỉ “quảng cáo cho vui miệng”, kéo khách hàng đến với mình chứ trên thực tế không hề nghiêm túc muốn thực hiện các cam kết, như những trường hợp đã xảy ra như trên.

Trong trường hợp của nữ ca sĩ Mai Tường Vy, hiện cô đã bình phục và quyết định tìm kiếm, liên hệ với công ty cung cấp sản phẩm túi ngực cô đã độn trước đó để yêu cầu bảo hành hoặc bồi thường quyền lợi cho mình.

Chưa biết sự việc sẽ ra sao vì không chắc phiếu bảo hành trọn đời nói trên là từ công ty cung ứng túi ngực hay từ bệnh viện của vị bác sĩ đã bỏ nghề kia cam kết. Và nếu có thực là do công ty cam kết thì vẫn có trở ngại khác từ việc tay nghề của bác sĩ không cao, đặt túi ngực sai kĩ thuật gây tác hại về sau…

Nhiều chuyên gia về thẩm mỹ cũng đã đưa ra những lời cảnh báo liên quan đến dịch vụ làm đẹp, đặc biệt là liên quan đến phẫu thuật. Các biến chứng có thể xảy ra ngay lập tức gây nguy hiểm cho khách hàng, hoặc các biến chứng cũng có thể xảy ra về sau, một vài tháng đến một vài năm.

Lựa chọn phẫu thuật tại bệnh viện chính thống, được cấp phép với bác sĩ kinh nghiệm, có tay nghề và máy móc, thiết bị cấp cứu kịp thời có thể giúp khách hàng giảm thiểu được rủi ro biến chứng. 

Tuy nhiên, tai nạn vẫn thường xảy ra, hầu hết đều do tâm lý “chuộng của rẻ”, tin vào quảng cáo, và đặc biệt là thích hàng tặng kèm, khuyến mãi, ưu đãi của nhiều khách hàng mà không ý thức được rằng, can thiệp vào cơ thể không phải chỉ là một chuyện mua bán hay sử dụng dịch vụ mà ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của bản thân. 

Đọc thêm