Thu mua rầm rộ cá lìm kìm ở Cà Mau: Tổng cục Thủy sản chờ địa phương báo cáo

(PLO) - Nhiều ngày qua, người dân huyện Thới Bình (tỉnh Cà Mau) đổ xô đi bắt cá lìm kìm gai khi được thương lái thu mua với giá cao. Điều lạ là loài cá này, người dân nơi đây ít ăn hoặc đánh bắt khiến dư luận khó hiểu trước việc thu mua của thương lái.
Cá lìm kìm gai đang được thu mua với giá cao tại Cà Mau
Cá lìm kìm gai đang được thu mua với giá cao tại Cà Mau

Đổ xô đi lùng bắt cá lìm kìm gai

Khoảng gần 1 tuần qua, người dân các huyện An Minh, U Minh (tỉnh Kiên Giang) và nhiều nhất là huyện Thới Bình (tỉnh Cà Mau) lùng bắt cá lìm kìm gai bán cho các thương lái đến từ TP HCM, Cà Mau, Kiên Giang với giá cao. Cụ thể, giá cá tươi dao động từ 700 - 800 ngàn đồng/kg, còn cá khô có giá trị hơn nhiều, từ 2,7 đến 3 triệu đồng/kg. 

Do đặc điểm sinh sống tại các đìa, ao, đầm nuôi tôm nên người dân hay đi bắt loại cá này vào ban đêm. Trung bình một đêm soi cá có thể bắt được vài trăm gram đến 1 kg. 

Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Hoàng Lâm - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Thới Bình cho biết, ở địa phương hiện đang rộ lên việc thương lái thu gom cá lìm kìm gai. Theo ông Lâm, thương lái thông qua các mối đặt hàng, thu mua cá lìm kìm gai (còn gọi là cá lìm kìm lưỡi giũa). Điều lạ là, loại cá này từ xưa đến nay tại địa phương không ai ăn mà chỉ có một số ít người phơi khô để ngâm rượu uống.

Trước sự việc bất thường này, UBND huyện Thới Bình đã thành lập một tổ kiểm tra liên ngành tại một điểm thu mua cá ở xã Biển Bạch Đông thì chủ cơ sở cho biết thu mua cá lìm kìm gai rồi phơi khô, bán cho đầu mối ở TP Cà Mau với giá cao, tùy loại lớn nhỏ. Điểm thu mua này được đầu mối ở TP Cà Mau đặt hàng, đặt tiền cọc trước cho người dân, khi đủ đơn hàng sẽ đến thu mua.

Chờ ý kiến của cơ quan chức năng

Ông Lâm cho rằng, một số thương lái không cung cấp thông tin tại sao mua cá lìm kìm với giá cao như vậy. Để làm rõ thêm, Phòng NN&PTNN huyện Thới Bình đã gửi mẫu về trường ĐH Cần Thơ để xác định chủng loài, có ảnh hưởng gì tới việc nuôi trồng thủy sản tại địa phương hay không. 

“Cá lìm kìm gai thường ăn tôm nhỏ, cá nhỏ tại nơi sinh sống, nếu người dân ồ ạt nuôi nhiều loại cá này sẽ rất bất lợi”, ông Lâm nói.

Còn theo một người dân địa phương, cá lìm kìm gai cũng sống được trong vuông nuôi tôm, tuy nhiên ít khi người dân bắt ăn vì chúng rất ít thịt. Thỉnh thoảng khi có cá lớn thì người dân cũng làm khô ăn. Tuy nhiên, từ xưa giờ tôi không thấy ai mua con cá này. Ngoài ra, cá lìm kìm có nhiều trong vuông sẽ làm ảnh hưởng đến con tôm, vì cá sẽ ăn tôm nhỏ mới thả.

Dẫu vậy, người dân vẫn bắt cá vì kiếm được nhiều tiền. Trong khi đó, theo các cơ sở thu mua, những người đến đặt mua thường là người tỉnh ngoài. Thương lái không mua nhỏ lẻ mà chỉ thu mua lại ở các đầu mối với số lượng lớn. Những thương lái “bí ẩn” chỉ thực hiện giao dịch khi cơ sở gom đủ số lượng.

Báo PLVN đã liên hệ với Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNN), lãnh đạo đơn vị này cho biết, hiện đang chờ báo cáo từ phía địa phương gửi lên để có chỉ đạo cụ thể. Cũng theo vị lãnh đạo này, cá lìm kìm sinh sống trong tự nhiên, việc bà con bắt mua bán cho thương lái, trước mắt không ảnh hưởng gì tới việc nuôi trồng thủy hải sản, chính quyền địa phương cần theo dõi sát sao sự việc, tránh việc nuôi ồ ạt, chạy theo lợi nhuận bởi đây có thể là chiêu trò của thương lái. 

Trước đó, cũng tại địa phương này đã rộ lên việc mua lá nhàu với giá cao rồi lại lắng xuống mà không rõ việc thu mua nhằm mục đích gì.

Đọc thêm