Thực phẩm “bẩn” đang “giết mòn” người dân

(PLO) - Hôm nay (5/6), theo Chương trình, Quốc hội sẽ thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm (ATTP) giai đoạn 2011-2016.
Tăng cường nhận thức của xã hội là giải pháp quan trọng để đảm bảo ATTP
Tăng cường nhận thức của xã hội là giải pháp quan trọng để đảm bảo ATTP

Trước đó, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tại phiên họp vào tháng 4, Trưởng đoàn giám sát - Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng cho biết, trong giai đoạn 2011- 2016 có 158 văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến ATTP. Tuy nhiên, tình hình ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm diễn ra khá nghiêm trọng ở một số địa phương trong khi công tác quản lý nguồn cung thực phẩm, xử lý vi phạm mới ở “bề nổi”...

Hàng trăm văn bản không… cản được “ngộ độc thực phẩm”

Về kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm hành chính, từ năm 2011 - 2016, cả nước đã tiến hành kiểm tra tại 3.350.035 cơ sở, phát hiện 678.755 cơ sở vi phạm. Tỷ lệ cơ sở bị phạt tiền tăng từ 30% năm 2011 lên hơn 67% trong năm 2016; số tiền phạt trung bình mỗi cơ sở tăng từ 1,35 triệu đồng năm 2011 lên 3,73 triệu đồng năm 2016. Cùng với việc xử phạt hành chính, các cơ quan chức năng đã kiên quyết xử lý tiêu hủy đối với sản phẩm không bảo đảm ATTP; thu hồi các loại giấy xác nhận.

Để triển khai Luật ATTP, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành và UBND các cấp theo chức năng, nhiệm vụ được giao đã khẩn trương ban hành các văn bản chỉ đạo điều hành, đôn đốc, hướng dẫn các cơ quan chức năng thực hiện. Theo thống kê từ Báo cáo kết quả giám sát, trong giai đoạn 2011 - 2016, về ATTP, nước ta đã có 158 văn bản quy phạm pháp luật do các cơ quan trung ương ban hành, trong đó có 8 văn bản luật của QH, 34 nghị định hướng dẫn thi hành của Chính phủ, 8 thông tư liên tịch, 40 thông tư của Bộ Y tế, 54 thông tư của Bộ NN&PTNT, 12 thông tư của Bộ Công Thương, 2 thông tư của Bộ Tài chính; các địa phương đã ban hành 1.253 văn bản quản lý (trong đó có 669 văn bản quy phạm pháp luật). Hệ thống các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về ATTP đã được ban hành với một khối lượng khá lớn.

Hoạt động của các ban chỉ đạo liên ngành đã được tăng cường cả ở Trung ương và địa phương. Công tác thanh, kiểm tra có sự đổi mới theo hướng tăng cường thanh tra đột xuất, áp dụng thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP tuyến huyện, xã, tập trung vào thanh tra, kiểm tra liên ngành, xử lý sự cố ATTP, giải quyết các vướng mắc trong phân công, phân cấp quản lý ATTP.

Tuy nhiên, Đoàn giám sát chỉ rõ, công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện của Chính phủ, các bộ, ngành, UBND các cấp còn chưa thường xuyên; bộ máy quản lý ATTP còn một số bất cập cả về tổ chức, nguồn lực và cơ chế phối hợp. Công tác quản lý nhà nước về thực hiện chính sách, pháp luật về ATTP chưa đạt kết quả như mong muốn là nguyên nhân của những nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe do thực phẩm không an toàn đang là “nỗi lo hiện hữu hàng ngày”.

Đó cũng là những nguyên nhân khiến việc thực hiện chính sách, pháp luật về ATTP đối với ngộ độc thực phẩm, các bệnh truyền nhiễm, kiểm soát giết mổ động vật… bộc lộ không ít tồn tại, yếu kém. Việc quản lý ATTP đối với rau, quả, thịt, sản phẩm thịt tươi sống, kiểm soát giết mổ động vật, sản phẩm động vật còn là khâu yếu. Trong khi đó, việc thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại về ATTP còn thụ động; xử lý vi phạm chưa kiên quyết, chưa bảo đảm tính răn đe; đầu tư nguồn lực, điều kiện làm việc, trang thiết bị cho công tác quản lý ATTP còn hạn chế…

Trong giai đoạn 2011-2016, toàn quốc đã ghi nhận 1.007 vụ ngộ độc thực phẩm với 30.395 người mắc, 25.617 người nhập viện và 164 người chết. Trung bình mỗi năm có khoảng 167 vụ với hơn 5.000 nạn nhân, với khoảng 27 người chết. Bộ Y tế cho biết, năm 2016 cả nước xảy ra 129 vụ ngộ độc thực phẩm với 4.139 người mắc, trong đó có 12 trường hợp tử vong.

Trung bình mỗi năm, cả nước có thêm 200.000 ca ung thư mới và số người chết vì căn bệnh này là 70.000. Nguyên nhân từ thực phẩm bẩn chiếm đến 35% trong số các bệnh nhân ung thư. Chính vì thế, tại diễn đàn QH, nguyên ĐBQH khóa XIII Trần Ngọc Vinh đã phải thốt lên: “Con đường từ dạ dày đến nghĩa địa của mỗi người chúng ta chưa bao giờ dễ dàng và ngắn đến thế”!!!

Lỗi là do “lòng tham” được “buông lỏng”

Thực tế, tình hình an toàn vệ sinh thực phẩm ngày càng diễn biến phức tạp và nghiêm trọng. Tần suất thông tin về những vụ ngộ độc thực phẩm ngày càng nhiều càng khiến người dân đã phải tự “rút ra kết luận”: “ăn cũng chết, không ăn cũng chết”. Điều đó cho thấy ATTP đã không còn là chuyện chợ búa, bếp núc mà thực sự là vấn đề “quốc kế dân sinh”, bởi thực phẩm “bẩn” làm tổn hại sức khỏe người dân là gián tiếp là suy yếu “sức khỏe” của nền kinh tế, đình trệ sự phát triển của xã hội và cản sức cạnh tranh của đất nước trên con đường hội nhập.

Nhưng qua giám sát cho thấy một thực tế được Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh khi xem xét báo cáo giám sát về việc thực hiện chính sách, pháp luật về ATTP giai đoạn 2011-2016 là “không có tồn tại nào liên quan đến việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật”. Cùng với đó, dẫn hiện tượng “rau hai luống, lợn hai chuồng” (một để ăn, một để bán) đang phổ biến ở ngay những vùng chuyên canh cung cấp thực phẩm, Chủ tịch QH khẳng định “đây là cố ý vi phạm, chứ đâu phải là nhận thức chưa tới”.

Như vậy, vấn đề ở đây là “vướng mắc, hạn chế nằm ở khâu thực hiện chứ không phải do chính sách, pháp luật” như Báo cáo giám sát đã chứng minh. Cùng với đó, những tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về ATTP “nằm nhiều ở công tác chỉ đạo, tổ chức của các cấp, các ngành chưa thường xuyên, hiệu quả chưa cao. Ở địa phương, lực lượng cán bộ làm công tác an toàn vệ sinh thực phẩm còn thiếu và yếu; sự phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong ATTP còn nhiều bất cập...” — Chủ tịch QH nêu rõ.

Chính Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại phiên họp này của UBTVQH cũng đã thừa nhận: “Luật đã quy định, nhưng năng lực thực hiện không tốt. Nguyên nhân chính để xảy ra tình trạng mất vệ sinh ATTP không phải do hệ thống pháp luật mà do tổ chức thực hiện. Tổ chức thực hiện không tốt là do hệ thống hành chính, kỷ cương hành chính không tốt”.

Cùng với đó, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng khẳng định, nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tình trạng vi phạm pháp luật về ATTP là do xử lý chưa nghiêm, việc thực thi trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương chưa tốt...

Báo cáo cho thấy, 5 năm qua, các cơ quan chức năng trên cả nước đã tiến hành kiểm tra hơn 3 triệu 350.000 cơ sở, nhưng chỉ phát hiện hơn 670.000 cơ sở vi phạm, chiếm 20,3%. Số vụ vi phạm chuyển qua hình sự còn rất thấp. Theo thống kê của Công an các đơn vị, địa phương trong thời gian từ năm 2011- 2016, số vụ chuyển qua hình sự là trên 300 vụ nhưng cơ quan điều tra các cấp trong công an nhân dân chỉ khởi tố 1 vụ, 3 bị can về tội vi phạm quy định về vệ sinh ATTP (Điều 244 Bộ luật Hình sự năm 1999 được sửa đổi, bổ sung năm 2009).

Trong 5 năm ngành Công an đã phát hiện 13.296 vụ việc vi phạm pháp luật về ATTP, trực tiếp xử lý 8.276 vụ, xử phạt hành chính gần 65 tỷ đồng, chuyển cơ quan khác xử lý 5.020 vụ. TAND các cấp từ ngày 1/10/2010 đến 30/9/2016 đã thụ lý 321 vụ án liên quan đến ATTP, đã giải quyết, xét xử 313 vụ.

Nhưng theo đoàn giám sát: “Việc xử lý vi phạm như vậy còn chưa nghiêm vì số vụ vi phạm là nhiều, có nhiều vụ nghiêm trọng xong việc xử phạt không tương xứng với mức độ vi phạm, số vụ xử lý hình sự quá ít so với mức độ nghiêm trọng xảy ra, không tạo ra sức răn đe đối với các hành vi vi phạm pháp luật trong ATTP”. 

Do đó, phải nâng cao nhận thức, trách nhiệm xã hội của người dân và các cấp chính quyền trong vấn đề bảo đảm vệ sinh ATTP, “làm sao phải hạn chế tối đa được tình trạng, tư tưởng “làm rau hai luống, lợn hai chuồng”, một để ăn, một để bán” như ý kiến của Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu… là những việc trọng tâm để đảm bảo ATTP không còn là mối lo ngại thường trực bên mâm cơm của mỗi gia đình.

* Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển:

“Luật nghe rất nghiêm khắc nhưng lại không xử được ai”

Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển
Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển

“Vấn đề mất ATTP là nguy cơ và ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của nhân dân, đến uy tín của Việt Nam trên thị trường quốc tế. Trong nhiều năm qua, công tác bảo đảm vệ sinh ATTP đã đạt được những thành tựu to lớn, tích cực, tuy nhiên cũng cần phải thấy rõ được những khó khăn, thách thức. Cùng với đó, việc đưa ra xử lý còn khó khăn, vì để đánh giá những tổn hại đến sức khỏe của người tiêu dùng thì chưa có tiêu chí cụ thể nào. Nếu chết người thì rõ ràng rồi, nhưng nếu nói ảnh hưởng sức khỏe thì bao nhiêu phần trăm là xử lý? Chúng ta quy định như thế thì rất nghiêm khắc nhưng chả xử được ai. Rất khó cho Cơ quan điều tra và cơ quan bảo vệ pháp luật. Chính vì vậy, có một thực tế là Luật nghe rất nghiêm khắc nhưng lại không xử được ai”.

* Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga:

“Luật đủ sức răn đe các tội phạm liên quan tới vấn đề ATTP”

Chủ nhiệm UBTP Lê Thị Nga
Chủ nhiệm UBTP Lê Thị Nga

“Cần làm rõ hơn nội dung về hành lang pháp lý, bởi hiện nay không chỉ có Luật ATTP mà còn có nhóm luật liên quan đến một số lĩnh vực chuyên ngành như Luật Hóa chất, Luật Thú y… Ngoài ra, còn nhóm văn bản pháp luật liên quan đến xử lý vi phạm, đó là pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và pháp luật hình sự. Ví dụ, với tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm thì hình phạt nhẹ nhất là 2 - 5 năm tù; nếu vi phạm nghiêm trọng có thể bị tù chung thân hoặc tử hình. Do vậy, hành lang pháp lý hiện nay hoàn toàn đủ sức răn đe với các tội phạm liên quan tới vấn đề ATTP”.

Đọc thêm