Tự bảo vệ mình khi sử dụng dịch vụ vận chuyển hàng hoá

(PLO) - Mới đây, một chủ cửa hàng ở Hà Nội đã tá hoả khi phát hiện kiện hàng gửi cho mình từ TP HCM là một máy ảnh có giá trị trên 100 triệu đồng đã bị móc mất, chỉ còn lại dây sạc. 
Ảnh minh họa nguồn internet
Ảnh minh họa nguồn internet

Thực tế, nhiều trường hợp tương tự đã xảy ra trước đây, những vật dụng có giá trị bị làm mất, đánh tráo khi sử dụng dịch vụ vận chuyển. Có khách hàng còn nhận được... túi sỏi hay kiện hàng có chứa viên gạch bên trong thay vì món đồ mình chờ đợi.

Đáng nói, một khi hàng hoá bị thất lạc hoặc tráo đổi, việc bồi thường lại hết sức phức tạp, khó khăn mà hầu hết phần thiệt đều thuộc về khách hàng. 

Không ít sự việc hàng hoá có giá trị khi chuyển qua bưu cục hoặc dịch vụ vận chuyển, bị thất lạc nhưng được đền bù số tiền rất thấp. Một khách hàng ở Đà Nẵng đã kiện Công ty cổ phần vận chuyển Ecotrans khi điện thoại giá trị 15 triệu của chị chuyển qua dịch vụ này bị mất, kiện hàng chỉ còn hộp và phụ kiện, nhưng chị chỉ được bồi thường 500 ngàn. Sau đó, không những không được nâng giá bồi thường, khách hàng này còn bị công ty doạ kiện ngược tội... vu khống.

Trước đó, sự việc một khách hàng gửi máy ảnh giá trị hơn 20 triệu qua dịch vụ chuyển fax của bưu cục nhưng bị mất, được phía bưu cục bồi thường số tiền vài trăm ngàn đã khiến nhiều người rất hoang mang. Khách hàng này đã gửi một máy ảnh kèm ống kính từ TP HCM, trên giấy xác nhận còn đề “Máy chụp hình, hàng dễ vỡ. Nhận theo yêu cầu”. Giá cước dịch vụ gửi kiện hàng này là 99.475 đồng (cộng thêm 9.948 đồng VAT), tổng cộng là 109.423 đồng.

Tuy nhiên, một ngày sau đó anh được thông báo hàng đã bị thất lạc. Đòi bồi thường, khách hàng này ban đầu chỉ nhận được... 400 ngàn đồng, số tiền gấp 4 lần giá cước theo quy định. Sau những phản ứng của khách hàng, phía bưu cục đã nâng số tiền bồi thường lên 3 triệu.

Theo quy định, hàng hoá sẽ được bồi thường 100% khi bị thất lạc nếu lúc đăng kí khách hàng khai báo giá trị của hàng kí gửi đồng thời xuất trình hoá đơn hàng hoá. Hầu hết các trường hợp hàng kí gửi mất, phía đơn vị vận chuyển đều nại lý do khách hàng không ghi rõ tên hàng, giá trị đơn hàng hoặc tham gia gói bảo đảm với cước phí cao để rồi chi bồi thường gấp 4 lần giá cước theo quy định.

Luật cũng quy định, phía nhân viên bưu cục, dịch vụ vận chuyển có nghĩa vụ giải thích, đưa ra thông tin để khách hàng lựa chọn. Tuy nhiên, trên thực tế khách hàng đến bưu cục hoặc dịch vụ gửi đồ rất hiếm khi được nhân viên hướng dẫn tham gia khai báo giá trị cụ thể của hàng hoá, thậm chí có những trường hợp nhân viên còn đề nghị khách “viết hàng dễ vỡ cho nhanh” và “khỏi khai báo cho đỡ tốn phí”...  

Sử dụng dịch vụ vận chuyển tồn tại nhiều rủi ro, đó là một thực tế có thật. Mất đồ, đi đòi được tiền cũng là điều hết sức khó khăn. Chính vì thế, giờ đây khách hàng chỉ còn biết tự trông cậy vào bản thân, tìm hiểu kĩ các quy định vận chuyển, khai báo cụ thể, với những hàng hoá giá trị cao nên chấp nhận cước phí cao tính theo % giá trị hàng hoá. Và tuyệt đối đừng nghe những tư vấn “lách luật” thiếu trách nhiệm của những nhân viên dịch vụ chuyển phát. 

Đọc thêm