Cảnh sát giao thông phải phân biệt được MBH thật- giả

Nhằm chấm dứt tình trạng người đội mũ bảo hiểm (MBH) không đạt chất lượng khi tham gia giao thông, Ủy ban ATGT quốc gia chuẩn bị kế hoạch tăng cường ra quân kiểm tra việc sản xuất, kinh doanh và sử dụng MBH. Với người ngồi trên xe gắn máy mà đội MBH giả sẽ bị xử phạt như hành vi không đội mũ bảo hiểm từ  ngày 15/4 tới đây.

Nhằm chấm dứt tình trạng người đội mũ bảo hiểm (MBH) không đạt chất lượng khi tham gia giao thông, Ủy ban ATGT quốc gia chuẩn bị kế hoạch tăng cường ra quân kiểm tra việc sản xuất, kinh doanh và sử dụng MBH. Với người ngồi trên xe gắn máy mà đội MBH giả sẽ bị xử phạt như hành vi không đội mũ bảo hiểm từ  ngày 15/4 tới đây.

Từ 15/4 đội mũ bảo hiểm giả sẽ bị phạt
Từ 15/4 đội mũ bảo hiểm giả sẽ bị phạt

Báo trước nhiều tình huống khó

Không khó để lực lượng chức năng nhìn thấy, lâu nay, MBH dởm, kém chất lượng được bày bán tràn lan. Nhưng thật khó hiểu là  ít ai bị xử lý. Khi cung tràn lan, thoải mái thì một bộ phận người tiêu dùng đã vứt bỏ luôn những chiếc mũ hợp chuẩn mà khó khăn lắm những ngày đầu họ chen chân mới mua được.

Nguyễn Mai, sinh viên một trường Đại học tại Hà Nội không giấu diếm: “ Nhiều sinh viên như bọn em thích mũ thời trang nên đã vứt bỏ mũ “xịn”, mua một lúc vài mũ giá rẻ để “diện” cho hợp với quần áo, màu xe, tiện hơn  nữa là  để đâu cũng không sợ mất cắp, đội không bị nặng đầu. Em cũng biết như vậy là không được bảo vệ nhỡ có tai nạn”.

Nhiều người lo lắng khi đã có những ý nghĩ tệ hại từ lớp trẻ cho rằng đội MBH  “xịn” là “nhà quê”, kiều như  cần mẫn đứng chờ đèn đỏ trong khi ai cũng hối hả vượt. Có những người chỉ đội mỗi lớp xốp bên trong của MBH đi qua mặt cảnh sát như thách thức. Rồi có người đội mũ giả bị gió thổi lật cả mũ ra sau gáy, thậm chí rơi xuống đường khiến người đi đường e ngại.

Theo Ủy ban ATGT quốc gia, sau 5 năm vận động toàn dân đội MBH khi điều khiển mô tô, xe máy tham gia giao thông, đã đạt tỷ lệ đội mũ 90% nhưng thật đáng báo động, trong số đó chỉ có 30% MBH đạt chất lượng, còn 70% là mũ giả, kém chất lượng.

Việc xử phạt nghiêm hành vi đội MBH giả sắp tới đây nhằm thực hiện qui định tại 34/2010/NĐ-CP ban hành từ năm 2010 và qua đó, giúp người dân nâng cao ý thức, giảm tai nạn đáng tiếc do đội mũ dởm gây ra.

Tuy nhiên, không ít người cho rằng, chủ trương mới này nếu không thận trọng sẽ vấp phải phản ứng của người dân. Thực tế, không phải ai đội MBH giả cũng cố tình, có thể họ là nạn nhân của hàng giả. Nếu vậy, thì việc phạt nạn nhân là điều vô lý. Cơ quan chịu trách nhiệm trong câu chuyện này phải là quản lý thị trường. Nếu thị trường mũ được quản lý tốt thì người dân đã không bị mất tiền, rước sự mất an toàn vào người và còn bị phạt .

Về phía người bán, họ sẽ lập luận MBH kém chất lượng chỉ dành cho người đi xe đạp và đi bộ thì làm sao xử phạt được họ? Ngoài ra, CSGT nếu xử phạt thì “nhìn” vào đâu để phân biệt mũ thật- giả, trong khi họ không phải là cơ quan có chuyên môn?

“Xài” mũ giả cũng bị phạt như không đội

Chuyển những thắc mắc nói trên đến Ủy ban ATGT Quốc gia, phóng viên được ông Khương Kim Tạo – Phó Chánh Văn phòng ủy ban này giải thích: “Việc phân biệt mũ thật- giả không phải là chuyện khó, trẻ con cũng phân biệt được. Mũ dởm là mũ không có lớp xốp, quai đeo không chắc chắn, không bảo vệ được an toàn khi có tai nạn xảy ra”.

Cũng theo ông Tạo, từ năm 2008, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Qui chuẩn kỹ thuật quốc gia về MBH cho người đi mô tô xe máy, theo đó, MBH  phải có đủ 3 bộ phận là vỏ mũ; đệm hấp thụ xung động bên trong vỏ mũ (đệm bảo vệ) và quai đeo. Mũ phải có nhãn ghi các thông tin cơ bản: Tên sản phẩm: “Mũ bảo hiểm dùng cho người đi mô tô, xe máy”; Tên và địa chỉ cơ sở sản xuất hoặc tên và địa chỉ tổ chức, cá nhân nhập khẩu và phân phối; xuất xứ hàng hóa (đối với mũ bảo hiểm nhập khẩu); Cỡ mũ; Tháng, năm sản xuất; Mũ phải được gắn dấu hợp quy chuẩn ( dấu CR).

Ủy ban ATGT quốc gia cho rằng, phạt người đội mũ bảo hiểm dởm thì sẽ dẹp được nạn bán mũ kém chất lượng vì không có ai mua nữa thì bán làm gì.

 “Những người kinh doanh mũ không đạt chất lượng sẽ bị kiểm tra và xử phạt về hành vi lấn chiếm, sử dụng vỉa hè trái qui định, bán rong không đúng nơi, hay không có các hóa đơn liên quan đến hàng hóa, giấy phép kinh doanh. Tuy nhiên, từ nay đến 15/3 sẽ tuyên truyền để người dân được biết thế nào là mũ không đạt chất lượng”-  ông Tạo cho biết.

Thượng tá Trần Sơn, Cục CSGT đường bộ- đường sắt (Bộ Công an) cũng cho biết đã có quy chuẩn về mũ MBH, nếu đội các loại mũ không phải là MBH là vi phạm quy tắc giao thông đường bộ, sẽ bị phạt 100.000 đồng đến 200.000 theo Điều 9, Nghị định 34/2010/NĐ-CP, ngày 02  tháng 4  năm 2010 Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ.

Tuy nhiên, ông Sơn cũng cho rằng, để triển khai được hiệu quả, cần thành lập tổ hoặc đội liên ngành cảnh sát giao thông và quản lý thị trường. Cảnh sát giao thông sẽ dừng xe khi có hấu hiệu vi phạm, cơ quan quản lý thị trường có trách nhiệm kiểm tra mũ thật, giả. Hoặc cảnh sát giao thông phải được tập huấn trước thế nào MBH thật- giả, đặc biệt là kiểm tra xem có tem kiểm định chất lượng hay không để xử phạt.

Thanh Quý

Đọc thêm