Căn bệnh ông chuyên trị là loại bệnh tương đối “khó nhai”: Bệnh động kinh. Cách chữa bệnh của ông cũng chẳng giống ai: Cứ miệt mài chờ đợi, “rình” khoảnh khắc người bệnh co giật để lấy thuốc nhỏ vào miệng. Thế nên người dân ở xóm Trọng, xã Phong Phú (huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình) thường gọi ông Bùi Văn Rẩy (Tư Rẩy, 63 tuổi, người dân tộc Mường) là “cao thủ chữa bệnh động kinh”.
|
Lang y Tư Rẩy và một số vị thuốc chữa bệnh động kinh |
Căn bệnh quái ác
Dù không được học hành qua một trường y dược chính thống nào, nhưng những hiểu biết của ông về căn bệnh này cũng thật đáng nể. Ông cười hiền hậu: “Từ nhỏ đã được người đi trước truyền lại, rồi từ đó đến nay gặp và chữa cho cả ngàn người động kinh, không hiểu hết về bệnh này mới là lạ”.
Ông Tư Rẩy bắt bệnh động kinh qua những biểu hiện lúc đầu của người mới phát bệnh như: Thường hay đau đầu, tính khí bất thường, cáu kỉnh, mất tập trung được trong công việc, các cơ bị rung. Nếu không để ý để chữa trị kịp thời, người bệnh sẽ tỉnh thoảng lâm vào tình trạng co giật cơ thể theo từng cơn, mỗi cơn kéo dài khoảng một phút. Lúc đầu mới chỉ là sự co cứng của các cơ hầu họng, thỉnh thoảng người bệnh sẽ hét lên âm thanh khác thường, khi đó cơ thể mất ý thức, chân duỗi thẳng, tay co quắp lại.
Những biểu hiện này chỉ kéo dài khoảng nửa phút, sau đó cơ thể mới chuyển sang giai đoạn co giật mạnh. Càng lâu, cơ thể sẽ càng co giật dài hơn và mạnh hơn, có khi kéo dài đến khoảng hai phút, các cơ co nhanh dần, hô hấp gấp rồi chậm dần, mặt mũi tím tái.
Thậm chí nếu nặng thì cơ thể người bệnh những khi phát bệnh động kinh sẽ chuyển sang thể sống “thực vật”, mất ý thức, đái dầm lúc bị bệnh “vật”. “Kể ra có cái căn bệnh cũng quái lạ. Tự nhiên đang cười nói bình thường bỗng nằm chết vật ra, sau khi co giật thì người mềm nhũn rồi ngủ mê mệt, khi tỉnh dậy không nhớ những hành động mình đã làm khi lên cơn”, ông Tư Rẩy cười.
Theo lão lang này, người đã mắc bệnh động kinh sẽ ít nhiều bị ảnh hưởng đến hệ thần kinh. Ở thể nhẹ, người lúc bị động kinh thì vẻ mặt ngơ ngác, đãng trí một khoảng thời gian ngắn, sau khi khoảnh khắc bị bệnh “vật” đã qua thì mới có thể tiếp tục việc đang làm dở. Với những người bị động kinh kéo dài mà không được chữa trị thì sẽ dẫn đến việc bệnh ngày càng nặng hơn, co giật mạnh toàn thân, mất ý thức hoàn toàn, có thể dẫn đến tử vong.
Bài thuốc cực đắng cay
Điều quan trọng nhất trong phương cách chữa bệnh của ông Tư Rẩy là biết chắc nguyên nhân gây bệnh từ đâu. Theo ông, bệnh động kinh có nguyên nhân từ sự rối loạn các chức năng của các dây thần kinh, làm các dây thần kinh phóng điện không đều. Khi các dây thần kinh bị phản ứng đột ngột sẽ làm cho cơ thể phản ứng theo dây chuyền, gây nên những cơn co giật bất ngờ.
Ngoài ra còn có những nguyên nhân dẫn đến bệnh động kinh liên quan đến não bộ người bệnh, ví dụ như trong dòng họ có người đã từng bị động kinh, hay chính bản thân đã có những tiền sử bệnh tật, từng bị chấn thương ở vùng sọ não, u não hay các bệnh về mạch máu não; hoặc trong khi mổ đẻ làm thai nhi bị ngạt sẽ rất dễ dẫn đến các cơn co giật trầm trọng ở trẻ nhỏ…
Người ta còn có thể nhiễm sán não khi ăn các món ăn “tươi sống” như tiết canh, các loại gỏi…. và khi bị nhiễm sán não có thể gây ảnh hưởng đến các dây thần kinh, dẫn đến động kinh. “Có cả tỉ các nguyên nhân gây bệnh, ai cũng có thể là nạn nhân của bệnh động kinh nếu không biết rõ về bệnh và cách phòng chữa”, ông “tổng kết” bằng cách nói rất dân dã.
Ông Tư Rẩy không giấu nghề mà sẵn sàng mở lòng chia sẻ bí quyết tạo bài thuốc chữa bệnh động kinh của mình. “Điểm mặt” những thảo dược này, người ta thấy ngay đây đều là những loại cây có vị cực đắng hoặc cực cay: Cây lá lốt lai, cây ngọt châu, rễ cây sổ, lá cây vả, rễ cây á, cây ban, cây tan bàng, dây kỳ minh, rễ cây rễ đôi. Chỉ có duy nhất một loại cây trong bài thuốc không có vị đắng cay là cây cỏ may.
Một điều lạ khác người ta có thể nhận thấy là trong số loài cây này lại phân chia ra hai khu vực sống riêng biệt: Hoặc cây sống ở những nơi cực kỳ ẩm thấp (cây lá lốt lai, cây ngọt châu, lá cây vả, rễ cây sổ); hoặc cây sống ở những nơi cực khô hạn hay núi đá (cây tan bàng, cây cỏ may, cây rễ đôi). Sau khi lấy về, tất cả những vị thuốc trên được rửa sạch, thái mỏng. Đối với những vị thuốc từ rễ cây, cần cạo lớp vỏ mỏng để tránh vỏ cây làm mắc ở cổ nạn nhân khi chữa bệnh, tránh trường hợp làm cho cơn co giật càng trầm trọng hơn.
Một “bí kíp” khác ông Tư Rẩy tiết lộ, đó là vị thuốc tốt nhất là những cây thuốc tươi, khi hái về dùng ngay, vì khi đó cây thuốc còn nguyên vị thuốc. Tuy nhiên nếu trường hợp bệnh nhân nguy kịch quá thì tạm thời có thể dùng những vị thuốc đã có sẵn vì không phải ngày nào người ta cũng có thể đi hái thuốc “rình” chữa bệnh như trong cách chữa bệnh của ông Tư Rẩy được nêu dưới đây.
Kỳ nhân chữa bệnh trong khoảnh khắc
Không giống như những bài thuốc của các thầy thuốc khác là chữa bệnh lúc nào cũng được, thuốc uống lúc nào cũng có thể phát huy tác dụng, kỳ nhân Tư Rẩy có cách chữa bệnh động kinh cực dị. Lúc mà nạn nhân đang nằm chết vật ra co giật, ông nhanh chóng lấy rễ cây kỳ minh (cực đắng) và rễ cây rễ đôi (cực cay và đắng) giã nát, vắt lấy nước. Sau đó, một người dựng bệnh nhân ngồi dậy, dùng tay mở miệng bệnh nhân cho uống từng ngụm nhỏ. Những vị thuốc thật cay và đắng này giống như những chất kích thích, làm tan những cơn co giật của cơ thể.
Sau khi bệnh nhân đã dứt cơn co giật, ông sẽ lấy vị thuốc tổng hợp từ những loài cây như đã nêu trên để sắc lấy nước cho bệnh nhân uống. Thời gian uống thuốc cũng cần tuân thủ tuyệt đối: Uống lúc tờ mờ sáng dậy, hoặc trước khi ăn cơm trưa và trước bữa ăn tối khoảng 30 phút. “Nếu để càng đói, thuốc càng phát huy tác dụng, vì cơ thể lúc đó hấp thụ những vị thuốc tốt nhất”, ông Tư Rẩy giải thích.
Mặc dù sức khỏe đã yếu, nhưng có vẻ lão lang miền sơn cước này vẫn còn tâm huyết với nghề lắm. Anh Bùi Văn Tư là con trai ông Tư Rẩy, người được bố truyền cho bài thuốc cho biết luôn ghi nhớ những nguyên tắc bố dạy: “Chữa bệnh cứu người là trách nhiệm. Có người cầu cứu, nếu trong khả năng mình giúp được người ta mà không cứu là có tội. Khi đã chữa khỏi bệnh cũng không đòi đền ơn”. Quả thật, mỗi thang thuốc ông chỉ lấy 50 ngàn tiền công một ngày đi hái thuốc, khi đã chữa khỏi bệnh cho người ta ông cũng không đòi trả ơn.
Trao đổi với phóng viên Pháp luật & Thời đại, ông Bùi Văn Bình, Chủ tịch UBND xã Phong Phú, nơi “cao thủ chữa động kinh” Tư Rẩy sinh sống cho biết: “Đây là phương pháp chữa bệnh dân tộc nên ông Tư Rẩy không có giấy phép hành nghề, nên xã cũng không thể kiểm chứng được mức độ mức hiệu nghiệm của bài thuốc đến mức nào? Chỉ biết rằng đã có nhiều trường hợp đến nhờ ông cứu giúp và đã khỏi bệnh”.
Động kinh là hiện tượng tế bào thần kinh vỏ não phóng điện động kinh lặp đi lặp lại, biểu hiện bằng những cơn co giật hoặc vắng ý thức.
Động kinh toàn thể có hai loại: 1. Cơn lớn (người bệnh mất ý thức hoàn toàn và co giật trong vòng 5-10 phút, bệnh nhân bỗng dưng kêu lên một tiếng rồi ngã vật ra). 2. Cơn nhỏ (thường gặp ở trẻ từ 4 đến 6 tuổi và mất đi ở tuổi dậy thì. Trẻ đột nhiên bị mất ý thức trong vài giây, bất động, mắt nhìn trừng trừng).
Động kinh cục bộ có hai loại: 1. Động kinh đơn giản (người bệnh không rối loạn ý thức, song bị rối loạn vận động (co giật chỉ hạn chế ở một vùng) và rối loạn cảm giác (hoang tưởng)). 2. Động kinh phức tạp (người bệnh có rối loạn ý thức, có biểu hiện tâm thần vận động đơn giản như nhai tóp tép, giậm chân; bỏ nhà ra đi mà không hay biết).
(Theo KH&ĐS)
|
Hoàng Thế Tào