Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận thông xe đúng dịp lễ 30/4

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Sau 13 năm khởi công và nhiều lần bị gián đoạn với nhiều lý do, ngày 27/4 tuyến cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận dài 51,5km chính thức được khánh thành. Tuyến cao tốc được hoàn thành và đưa vào hoạt động vào đúng dịp lễ 30/4, góp phần “chia lửa” với Quốc lộ 1, giúp người dân vùng đồng bằng sông Cửu Long đỡ chịu cảnh kẹt xe, tắc đường trong các dịp lễ, Tết.
Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận thông xe đúng dịp lễ 30/4

Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận dài 51,5 km nằm trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, điểm đầu tại nút giao Thân Cửu Nghĩa (tiếp nối cao tốc Hồ Chí Minh – Trung Lương), điểm cuối là nút giao An Thái Trung. Cao tốc này rộng 16 m, gồm 4 làn xe, hiện chưa có làn khẩn cấp, mỗi chiều bố trí 6 điểm dừng khẩn cấp. Giai đoạn mở rộng sau này, cao tốc sẽ nâng lên 6 làn, gồm hai làn dừng khẩn cấp hai bên.

Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận sẽ đưa vào lưu thông 2 chiều trên tuyến chính không thu phí từ 07 giờ 30, ngày 30/4/2022, dự kiến chạy trong 60 ngày với tốc độ tối đa 80km/h và tốc độ tối thiểu 60km/h. Đây là thời gian để chủ đầu tư triển khai các bước thử nghiệm vận hành, kiểm soát tải trọng, đánh giá các khâu kỹ thuật trước khi chính thức đưa vào thu phí hoàn vốn cho dự án.

Sơ đồ tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận

Sơ đồ tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận

Dự án đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận được khởi công lần đầu vào tháng 11/2009, với tổng mức đầu tư 19.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến tháng 11/2011 nhà đầu tư dừng thi công vì thiếu vốn và lãi suất cao, sau đó dự án được Bộ GTVT tiếp nhận lại và phê duyệt đầu tư giai đoạn 1 theo hình thức BOT với tổng mức đầu tư 14.678 tỷ đồng. Tháng 2/2015, dự án được khởi công lần 2, với liên doanh 6 nhà thầu và dự kiến hoàn thành năm 2018.

Tuy nhiên, đến tháng 6/2017, tổng mức đầu tư dự án điều chỉnh còn 9.668 tỷ đồng. Đến cuối năm 2018, dự án chỉ thực hiện được 10% tiến độ. Trước những khó khăn, vướng mắc mà dự án đang gặp phải, cũng như tính cấp thiết của công trình, tháng 3/2019 Chính phủ đã quyết định chuyển giao vai trò cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với dự án đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận từ Bộ Giao thông Vận tải về UBND Tiền Giang, vốn dự án được điều chỉnh còn hơn 12.668 tỷ đồng.

Ông Hồ Minh Hoàng – Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Đèo Cả, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần BOT Trung Lương – Mỹ Thuận

Ông Hồ Minh Hoàng – Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Đèo Cả, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần BOT Trung Lương – Mỹ Thuận

Tại lễ khánh thành, ông Hồ Minh Hoàng – Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Đèo Cả, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần BOT Trung Lương – Mỹ Thuận đã đề nghị UBND tỉnh Tiền Giang phối hợp với các đơn vị liên quan tiếp tục giải phóng mặt bằng còn lại, đảm bảo việc thực hiện hoàn thiện hệ thống đường gom bổ sung mới vào dự án. Sớm triển khai xây dựng Trạm dừng nghỉ, Trung tâm quản lý khai thác duy tu bảo trì trên tuyến cao tốc để phục vụ nhân dân và nâng cao tuổi thọ công trình.

Chủ đầu tư đã quyết tâm làm việc “3 xuyên” - “xuyên đêm, xuyên Tết, xuyên dịch” để hoàn thành dự án đúng tiến độ

Chủ đầu tư đã quyết tâm làm việc “3 xuyên” - “xuyên đêm, xuyên Tết, xuyên dịch” để hoàn thành dự án đúng tiến độ

Bên cạnh đó, đại diện chủ đầu tư cũng đề nghị Bộ Giao thông Vận tải phối hợp tổ chức phương án kiểm soát tải trọng xe lưu thông trên tuyến trong thời gian chưa thu phí. Từ đó, xây dựng phương án kiểm soát tải trong xe đảm bảo chất lượng lâu dài cho công trình trong giai đoạn khai thác có thu phí cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận.

Ông Nguyễn Văn Vĩnh - Phó Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang cho biết cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận sẽ đưa vào lưu thông 2 chiều trên tuyến chính không thu phí từ 07 giờ 30, ngày 30/4/2022

Ông Nguyễn Văn Vĩnh - Phó Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang cho biết cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận sẽ đưa vào lưu thông 2 chiều trên tuyến chính không thu phí từ 07 giờ 30, ngày 30/4/2022

Phát biểu tại lễ khánh thành, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã ghi nhận và đánh giá cao sự chủ động đổi mới của tỉnh Tiền Giang, Bộ Giao thông Vận tải, các bộ ngành Trung ương và các chủ đầu tư, nhà thầu dự án. Theo Phó Thủ tướng Chính phủ, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông nhất là cao tốc có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là một trong những yếu tố hàng đầu để kết nối địa phương, kết nối liên vùng và tạo ra động lực, không gian để phát triển kinh tế xã hội.

Với mục tiêu phấn đấu hoàn thành 3.000km đường cao tốc vào năm 2025, 5.000km đường cao tốc vào năm 2030, nhưng đến ngày 31/12/2021 mới hoàn thành được 1.163km đường cao tốc. Do đó, thời gian tới nhiệm vụ đặt ra rất nặng nề, trong 4 năm phải hoàn thành được gần 2.000km đường cao tốc. Việc khánh thành cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận với chiều dài 51,5km có ý nghĩa rất quan trọng. Đây cũng là bước khởi đầu để phấn đấu từ nay tới cuối năm 2022 sẽ hoàn tiếp 361km đường cao tốc trên tuyến Bắc – Nam, phấn đấu đến 2025 hoàn thành toàn tuyến Bắc – Nam từ Lạng Sơn đến mũi Cà Mau.

Tuyến cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận đưa vào sử dụng có ý nghĩa hết sức quan trọng, sẽ góp phần tạo ra động lực và không gian phát triển mới cho Tiền Giang và các tỉnh lân cận trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Hình thành mạng lưới giao thông đồng bộ, hiện đại, nhằm thúc đẩy kinh tế xã hội, phát triển bền vững khu vực đồng bằng sông Cửu Long – vùng kinh tế trọng điểm của phía Nam.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành nhấn mạnh việc lựa chọn đúng nhà đầu tư để triển khai dự án có ý nghĩa quyết định sự thành bại của công trình

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành nhấn mạnh việc lựa chọn đúng nhà đầu tư để triển khai dự án có ý nghĩa quyết định sự thành bại của công trình

Nhìn lại quá trình triển khai dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận hơn 10 năm vừa qua với nhiều khó khăn, thăng trầm, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành nhấn mạnh việc lựa chọn đúng nhà đầu tư để triển khai dự án có ý nghĩa quyết định sự thành bại của công trình. Điều này được rút ra từ thực tiễn thực hiện các công trình giao thông của các địa phương trong nhiều năm qua.

Để hoàn thành các mục tiêu phát triển hệ thống hạ tầng giao thông vùng đồng bằng sông Cửu Long, thời gian tới, Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải, UBND tỉnh Tiền Giang và các địa phương trong vùng đồng bằng sông Cửu Long, các nhà đầu tư, nhà thầu tập trung sự lãnh đạo chỉ đạo. Ưu tiên nguồn lực, tập trung cao cho công tác chuẩn bị dự án giải phóng mặt bằng, bảo đảm nguồn cung vật liệu, phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải và các bộ ngành liên quan trong quá trình triển khai thực hiện dự án. Trong năm 2022, phải khởi công tuyến đường từ Cần Thơ về Cà Mau, và phấn đấu tới tháng 6/2023 khởi công tuyến đường từ Châu Đốc về Trần Đề, cả 2 tuyến đường này sẽ cơ bản hoàn thành vào năm 2025.

Lãnh đạo Trung ương, địa phương cắt băng khánh thành cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận

Lãnh đạo Trung ương, địa phương cắt băng khánh thành cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận

Ngoài ra, chủ đầu tư, nhà thầu cần tập trung hoàn thành hệ thống giao thông kết nối, hệ thống đường gom, làn dừng khẩn cấp để phát huy tối đa hiệu quả. Bộ Giao thông Vận tải, chính quyền địa phương, doanh nghiệp xây dựng các quy định hướng dẫn việc quản lý vận hành, khai thác công trình, đảm bảo thông suốt và an toàn. Xây dựng bộ máy quản lý vận hành khai thác chuyên nghiệp, hiệu quả, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ hiện đại trong vận hành và khai thác như: Thu phí không dừng, kiểm soát tải trọng, chỉ dẫn giao thông, cứu hộ, cứu nạn…

Đọc thêm