Cấp phù hiệu, giấy phép kinh doanh vận tải: Doanh nghiệp khốn đốn vì… quy định mù mờ

(PLO) - Do quy định không rõ ràng, nhiều doanh nghiệp (DN) kinh doanh vận tải (KDVT) thuộc diện không thu tiền trực tiếp ở tỉnh Hà Tĩnh đang “rối tinh, rối mù” không biết nên làm theo hướng dẫn của Sở Giao thông Vận tải (GTVT) tỉnh này hay làm theo quy định của Bộ GTVT mới là đúng luật. 
Quy định cấp phù hiệu thiếu rõ ràng đang khiến nhiều DN phải tìm cách đối phó
Quy định cấp phù hiệu thiếu rõ ràng đang khiến nhiều DN phải tìm cách đối phó

Bối rối với quy định cấp phù hiệu

Gia đình ông Trần Hữu Đức, xóm mới, xã Thạch Bình, TP Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh đang kinh doanh mặt hàng thức ăn gia súc, thuốc thú y. Để phục vụ kinh doanh ngày một tốt hơn, gia đình ông đầu tư một chiếc xe tải 5 tấn dùng để vận chuyển cám cho khách hàng là các hộ chăn nuôi trong tỉnh.

Ngày 21/11/2016, ông Đức nhận được Thông báo 4274 của Sở GTVT Hà Tĩnh với nội dung: đôn đốc làm thủ tục cấp giấy phép KDVT, phù hiệu chạy xe đối với phương tiện KDVT.

Theo văn bản mà ông Đức nhận được, Sở GTVT Hà Tĩnh yêu cầu các đơn vị và hộ cá thể có xe ô tô KDVT hàng hóa có tải trọng thiết yếu từ 3,5 tấn đến dưới 7 tấn (kể cả đơn vị, hộ cá thể có phương tiện vận chuyển hàng hóa của mình) khẩn trương làm thủ tục để được cấp giấy phép KDVT, phù hiệu chạy xe theo quy định.

Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu nội dung thông báo nói trên của Sở GTVT Hà Tĩnh đối chiếu với Thông tư số 63 ngày 7/11/2014 của Bộ GTVT quy định về tổ chức, quản lý vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ, ông Đức cho rằng hộ kinh doanh (HKD) gia đình ông thuộc diện KDVT không thu tiền trực tiếp, và với số lượng chỉ là 1 xe và mặt hàng vận tải không thuộc mặt hàng cấm nên không cần phải đăng ký giấy phép KDVT và không cần phải cấp phù hiệu chạy xe.

Tuy nhiên, do trung bình mức xử phạt quá cao từ 9 triệu đến 14 triệu đồng/lần vi phạm không có phù hiệu chạy xe nên ông Đức đã thận trọng làm đơn gửi tới Sở GTVT Hà Tĩnh đề nghị được giải đáp 2 thắc mắc: HKD gia đình ông có phải làm thủ tục xin Giấy phép đăng ký KDVT không? Chiếc xe tải 5 tấn mà HKD đang sử dụng có phải gắn phù hiệu, biển hiệu hay không? Nhưng đến nay, gia đình ông Đức vẫn chưa nhận được trả lời thỏa đáng từ Sở GTVT tỉnh Hà Tĩnh. 

Tìm cách lách luật

Theo tìm hiểu của Báo PLVN, tại khoản 3 Điều 11 Nghị định 86 của Chính phủ ban hành ngày 10/9/2014 về kinh doanh và điều kiện KDVT bằng xe ô tô có quy định: đối với xe ô tô vận tải hàng hóa, xe ô tô KDVT khách du lịch phải được gắn phù hiệu, biển hiệu theo quy định của Bộ GTVT.

Tại khoản 2 Điều 55 Thông tư 63 của Bộ GTVT về cấp phù hiệu, biển hiệu hướng dẫn Nghị định này thì quy định: xe ô tô KDVT hàng hóa có Giấy phép KDVT bằng xe ô tô được Sở GTVT cấp phù hiệu cho xe ô tô tham gia kinh doanh trong danh sách xe do đơn vị đề nghị theo quy định.

Khoản 1 Điều 50 Thông tư 63 cũng đã giới hạn đối tượng KDVT hàng hóa không thu tiền trực tiếp phải có Giấy phép kinh doanh. Theo đó, nếu đơn vị kinh doanh không sử dụng phương tiện có khối lượng hàng chuyên chở từ 10 tấn trở lên, không sử dụng phương tiện để vận chuyển hàng nguy hiểm, không sử dụng phương tiện để vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng và không thuộc diện có từ 05 xe trở lên thì không thuộc đối tượng phải làm Giấy phép KDVT. 

Nếu đối chiếu với các quy định nêu trên của Bộ GTVT thì có thể hiểu hộ gia đình như trường hợp gia đình ông Đức không thuộc diện phải làm Giấy phép KDVT, và không thuộc diện phải cấp phù hiệu, biển hiệu. Nhưng nếu chiếu theo nội dung thông báo của Sở GTVT Hà Tĩnh thì những trường hợp như HKD ông Đức lại thuộc diện phải tới Sở GTVT tỉnh này để đăng ký Giấy phép KDVT, và phải đăng ký cấp phù hiệu chạy xe.

Theo phản ánh của nhiều DN, do quy định thiếu rõ ràng về việc cấp giấy phép KDVT, cấp phù hiệu, biển hiệu như hiện nay, và cách hiểu, vận dụng các quy định có phần tùy tiện của nhiều địa phương khiến nhiều DN phải “khóc dở, mếu dở” lo liệu tìm cách đối phó.

Không ít trường hợp đã phải lách luật bằng cách lo lót để đưa các phương tiện vận tải của mình núp bóng dưới các công ty, HTX, HKD đủ điều kiện cấp giấy đăng ký KDVT, để từ đó đủ điều kiện để cấp phù hiệu, biển hiệu nhằm đối phó với những mức phạt lên đến hơn cả chục triệu đồng cho mỗi lần vi phạm. Và vô hình trung những quy định mù mờ, chưa tới nơi tới chốn của ngành Giao thông đang khiến cho DN ở nhiều tỉnh, thành đang phải “cắn răng” bỏ ra những khoản chi phí không cần thiết để duy trì hoạt động kinh doanh bình thường của mình.

Đọc thêm