Hai cái tên Hà Thanh đang trở thành niềm tự hào lớn với Thể dục dụng cụ (TDDC) nước nhà, không chỉ bởi những kỳ tích vang dội trên đấu trường quốc tế, mà còn là tấm gương của nghị lực, của ý chí vươn lên.
Chung một tuổi thơ
Hơn 10 năm trước, Nguyễn Hà Thanh (SN 1986) và Phan Thị Hà Thanh (SN 1990) là những vận động viên (VĐV) nhí đầu tiên của thế hệ “vàng” TDDC, chấp nhận “đánh đổi” cả tuổi thơ sang nước ngoài 8 năm để tập luyện, mục đích chuẩn bị cho SEA Games 22 tổ chức tại Việt Nam. Theo nghiệp TDDC, ban đầu chỉ là cảm giác thấy “thích đu lượn” và rèn luyện sức khỏe, cả hai hồi đó đâu nghĩ rằng đây lại là một trong những môn thể thao khắc nghiệt nhất.
Sinh ra ở Hải Phòng trong một ra đình không có ai làm thể thao, mẹ là bác sỹ, bố là cán bộ khí tượng thủy văn, cô bé có dáng người mảnh khảnh, nhút nhát lại thấy thích thú với TDDC ngay từ hồi vài tuổi. Trong đợt tuyển quân tại một trường tiểu học, cô bé lớp 1 Phan Thanh ngay lập tức lọt vào mắt xanh của huấn luyện viên. Mẹ của cô kể lại: "Khi con đòi đi học TDDC, tôi cản mãi. Tuy nhiên thấy con đam mê quá, lại nghĩ đơn giản là nó gày gò ốm yếu, tập luyện sẽ khỏe mạnh nên đành đồng ý". Chỉ sau vài năm tập luyện, cô được gọi vào Đội tuyển quốc gia, đi tập huấn dài ngày tại nước ngoài.
Còn với chàng trai người Hà Nội Nguyễn Thanh, đến với TDDC ban đầu cũng đơn giản là thấy thích được đu lượn, lộn vòng trên xà kép, xà đơn. Người cha chàng trai xúc động nhớ lại ngày con mình mới đi tập, rách cả háng, thâm tím toàn thân, nhưng vẫn không bỏ cuộc.
VĐV Phan Thị Hà Thanh |
Cả hai VĐV nhí hồi đó còn quá nhỏ để có thể hiểu biết hết về bộ môn thể thao tốn công, tốn sức như TDDC. Họ nằm trong nhóm đầu tư trọng điểm, phải sang Trung Quốc tập luyện gần 10 năm trời, chuẩn bị cho kỳ SEA Games 2003 tổ chức trên sân nhà Việt Nam. Bây giờ nhớ lại những ngày đầu tiên xa nhà, họ vẫn còn xúc động: "Hồi đầu sang đó ai cũng nhớ nhà, tối đến cứ ôm nhau khóc tu tu, đến nữ HLV đi theo đoàn cũng phải khóc theo". Nam VĐV kể: "Sau nhớ nhà, nhớ bố mẹ là nhớ món ăn, nhớ cái Tết ở Việt Nam. Hai năm mới được về nhà một lần, mùng 1 Tết đã phải tập, nhìn bạn bè được đi chơi cũng thấy tủi thân vô cùng”.
Tuổi thơ của cặp “song Thanh” được gói gọn trong hai chữ "xa nhà". Họ vừa thiếu vắng tình cảm của cha mẹ, vừa phải "hành xác" trong các buổi tập mỗi ngày. Khi đó, họ là những đứa trẻ trên dưới 10 tuổi.
Khổ luyện
Môn TDDC rất khắc nghiệt, cả trong tập luyện và thời gian thi đấu đỉnh cao. Những VĐV một thời rực sáng như Hà Thanh, Ngân Thương... tập luyện từ khi 6 tuổi, cũng chỉ ngoài 20 tuổi là hết thời đỉnh cao. Phải đánh đổi nhiều thứ, nhưng dường như họ được rèn tính tự lập, thói quen chịu đựng gian khổ từ bé, âm thầm vượt qua mọi khó khăn.
Nữ VĐV kể lại: "Những bài tập uốn dẻo, thăng bằng, nhảy, đu... chẳng khác nào “hành xác” với những đứa trẻ. Lúc đầu tập, đau đến nỗi hầu như ai cũng phải bật khóc". Người đồng đội nam cũng nhớ như in những bài tập khiến cơ thể mình như bị "xé toạc" làm nhiều mảnh. Anh chia sẻ: "Sợ nhất là những bài uốn người ở mọi tư thế. Uốn căng đến mức rách tay chân, chảy máu là chuyện bình thường".
Sự tôi luyện nhanh chóng giúp những VĐV nhí có bản lĩnh và sự quyết tâm. Những lần xa nhà, họ tự rèn luyện cho mình một ý chí sắt đá đến kinh ngạc. Không được vui đùa như những đứa trẻ cùng trang lứa, những cái Tết xa nhà, những chuỗi ngày tập luyện dài đằng đẵng, những cơn đau thắt người, cứ quen dần với hai "song Thanh" và các đồng đội nhí. Cuối cùng, trời cũng không phụ lòng người, lũ trẻ vừa mới ngày nào còn khóc nhè vì nhớ nhà, không chịu được đau, giờ đã thành danh cả. Ít người biết đằng sau những kỳ tích vang dội ấy, họ đã phải cố gắng rất nhiều, đánh đổi rất nhiều, chấp nhận những khó khăn mà chỉ bản thân, gia đình và thầy cô mới hiểu được...
VĐV Nguyễn Hà Thanh |
Lập kỳ tích
Cột mốc đầu tiên với nữ VĐV là tấm Huy chương vàng (HCV) Đại hội Thể dục Thể thao toàn quốc khi mới 11 tuổi năm 2002. SEA Games 24 tại Thái Lan, chị giành được tấm HCV rất quý giá. Chưa dừng lại, tại giải vô địch châu Á năm 2009, chị giành tấm Huy chương đồng đầu tiên ở đấu trường châu lục cho TDDC Việt Nam. Năm 2010, chị tạo nên kỳ tích cho TDDC Việt Nam với hai tấm Huy chương bạc tại giải World Cup TDDC thế giới tại Bồ Đào Nha. Năm 2011, cô gái người Hải Phòng đạt thành tích chói lọi nhất trong sự nghiệp thi đấu, giành tấm Huy chương đồng thế giới tại Nhật Bản, đoạt tấm vé tham dự Olympic đầu tiên cho đoàn TTVN.
Nếu như năm 2011 đánh dấu sự thăng hoa của Hà Thanh, thì năm 2012 mới đánh dấu sự chói lọi trên đỉnh cao của "bông hồng đất Cảng". Đáng chú ý nhất, chính là tấm HCV tại giải Vô địch châu Á, là thành tích cao nhất của TDDC Việt Nam ở sân chơi châu lục. Chưa dừng lại ở đó, Hà Thanh tiếp tục gây "sốc" khi giành HCV Cúp thế giới, 1 HCV và 1 HCĐ tại giải TDDC Toyota (Nhật Bản). Với bảng thành tích này, cô gái không có đối thủ trong cuộc bình chọn VĐV tiêu biểu.
So với người đồng đội nữ, thành công của Nguyễn Hà Thanh đến muộn hơn. Được đánh giá là VĐV tài năng nhất đội nam, nhưng sự may mắn không đến với anh trong suốt nhiều năm. Cứ đến các giải lớn như SEA Games, châu Á, thế giới, vòng loại Olympic thì Thanh lại dính chấn thương. Anh tâm sự: "Cứ khi bắt đầu vào giải đấu quan trọng, đúng điểm rơi phong độ thì tôi lại bị chấn thương”. Chàng trai người Hà Thành không hề nản chí. Sau khi đoạt HCV SEA Games 26, anh xuất sắc đoạt 1 HCV, 1 HCB Cúp thế giới (CH Séc), 1 HCĐ Cúp thế giới (Bỉ); 1 HCB, 1 HCĐ tại Giải vô địch Châu Á, 2 HCV, 1 HCB Giải VĐQG... Những thành tích này giúp chàng trai nghị lực xếp vị trí thứ 5 cuộc bầu chọn VĐV tiêu biểu vừa qua.
TDDC là môn thể thao có lịch sử phát triển lâu đời, việc VĐV của Việt Nam có thể cạnh tranh ngang ngửa với các VĐV hàng đầu thế giới và châu lục chứng tỏ tài năng của người Việt và khẳng định sức vươn mạnh mẽ của thể thao nước nhà. Cặp “song Thanh” chính là những tấm gương sáng về nghị lực, sự hy sinh, phấn đấu. Dù chịu nhiều thiệt thòi, cả hai vẫn khẳng định nếu được chọn lại, vẫn tiếp tục lựa chọn TDDC.
An An