“Cát tặc” hủy hoại “bờ xôi, ruộng mật” ở Bắc Giang

Sự việc kéo dài nhiều năm nay nhưng người dân và chính quyền tại xã Bắc Lũng (huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang) dường như bất lực trước sự lộng hàng của doanh nghiệp.

Sự việc kéo dài nhiều năm nay nhưng người dân và chính quyền tại xã Bắc Lũng (huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang) dường như bất lực trước sự lộng hàng của doanh nghiệp.

Hàng trăm sào ruộng đã sạt xuống sông vì “cát tặc”

Hai tháng sạt lở 20.000 m2 đất ruộng

Theo phản ánh của người dân sở tại, nạn cát tặc đã hoành hành nhiều năm dẫn đến cả đoạn sông Lục Nam dài chừng 4km đi qua 4 thôn Xuân Phú, Quỳnh Độ, Dẫm Chùa và Dẫm Đình của xã Bắc Lũng bị „bào mòn“ như đoạn đê biển vừa qua cơn bão lớn.

Ông Vũ Chí Chiến - người dân thôn Xuân Phú - bỏ luống cày bức xúc cho biết: “Do hút cát nên ruộng của nhà tôi và hàng trăm hộ khác trong thôn đều xuống sông cả rồi”. Theo ông Chiến, hàng ngày, hàng chục tàu hút cát hoạt động liên tục trên đoạn sông này. Các tàu cát cứ sục vòi hút vào bờ sông tạo thành hàm ếch và cứ thế, ruộng đất của dân từ từ sạt lở xuống sông.

Dường như không kìm nén được sự kiềm chế, bà Nguyễn Thị Linh ở cùng thôn với ông Chiến, lên tiếng: “Tôi có hơn 1 sào ruộng đất gieo mạ ven sông, vừa mới thuê cày xong thì mất luôn cả ruộng vì bọn cát tặc. Giờ chúng tôi vẫn phải đóng các khoản phí sản xuất nông nghiệp theo khẩu mà ruộng thì đã bị “hà bá“ nuốt mất”.

Tại nhà văn hoá thôn Xuân Phú, ông Nguyễn Tất Lê - Bí thư Chi bộ thôn cho biết: “Chỉ riêng năm 2011, do hoạt động của các tàu hút cát đã làm cho 57 hộ dân thôn Xuân Phú mất hơn 14 nghìn m2 ruộng. Còn từ Tết Nguyên đán 2012 đến nay, thôn Xuân Phú lại mất thêm gần 20 nghìn m2 ruộng nữa rồi. Bọn “thuỷ tặc” phá phách quá. Chúng coi rẻ người dân, coi thường chính quyền và pháp luật của nhà nước”, ông Lê nhấn mạnh.

Theo người dân, nguyên nhân chủ yếu gây ra tình trạng “ruộng xuống sông” là do hoạt động khai thác cát, sỏi của Công ty TNHH Ngọc Khánh (Cty Ngọc Khánh) cùng các chủ tàu hút cát làm thuê cho công ty này.

Cấp phép "tù mù"

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Đăng Doanh – Phó chủ tịch UBND xã Bắc Lũng cho biết, khoảng năm 2009, Công ty THHN Ngọc Khánh (địa chỉ tại xã Quang Thịnh, huyện Lạng Giang, Bắc Giang) được cấp phép khai thác cát, sỏi trên đoạn sông này. Tuy nhiên, đơn vị này liên tục vi phạm hành lang khai thác, đồng thời, còn “hỗ trợ” các chủ tầu tư nhân vi phạm thông qua hợp đồng thuê khai thác.

Theo phân tích của ông Doanh, Công ty TNHH Ngọc Khánh dù có giấy phép khai thác cát, sỏi trên địa bàn, song giấy phép chỉ đề chung chung là khai thác cách bờ từ 25-30m. “Khi nước cạn thì không sao, nhưng mùa mưa, nước ngập sâu vào bờ đến vài chục mét nên rất khó xác định vị trí được phép khai thác” – ông Doanh nói.

Chính vì quy định mập mờ như vậy nên Cty Ngọc Khánh cứ thản nhiên “ăn” hết cả phần ruộng, đất canh tác mà xã chia cho dân ở khu vực ngoài đê. Đặc biệt, Cty Ngọc Khánh còn ký hợp đồng khai thác với các chủ tàu tư nhân, theo đó để cho các chủ tàu này được phép khai thác cát, sỏi dưới danh nghĩa Cty Ngọc Khánh và sau khai thác bán lại sản phẩm cho công ty này.

Đây cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng khai thác bừa bãi, không tuân thủ hành lang khai thác nên dẫn đến tình trạng ruộng canh tác của người dân bị sạt lở nghiêm trọng.

Chính quyền „bất lực“

Đặc biệt, tại khu vực bị ảnh hưởng bởi hoạt động khai thác cát nói trên còn có trạm bơm Khám Lạng (thuộc Công ty TNHH một thành viên khai thác công trình thuỷ lợi Cầu Sơn) phục vụ tưới cho trên 400 ha và tiêu thoát lũ cho trên 300 ha thuộc hai xã Bắc Lũng và Khám Lạng. Ông Nguyễn Ngọc Chí – Phó Trạm trưởng Trạm bơm Khám Lạng cho biết, từ chân trạm đến bờ sông chỉ chưa đầy 100m. Nếu hoạt động khai thác cát, sỏi vẫn diễn ra như vậy thì chỉ trong một thời gian ngắn nữa, trạm bơm này chắc chắn sẽ bị sạt lở.

“Nếu việc này xảy ra, hậu quả không chỉ dừng lại ở việc trên 400 ha đất canh tác không có nước tưới mà quan trọng hơn là vào mùa lũ, sẽ không thể tiêu thoát nước cho hơn 300 ha đất phía trong đê” – ông Chí nói.

Để ngăn chặn tình trạng này, một mặt, đại diện các thôn và UBND xã và đại diện Trạm bơm Khám Lạng đã có nhiều văn bản kiến nghị lên UBND huyện Lục Nam, mặt khác, UBND xã đã thành lập 2 tổ công tác liên ngành xử lý hiện tượng khai thác cát, sỏi trái phép.

Ở các thôn bị mất ruộng, đất, người dân cũng thành lập các tổ thường trực với nhiệm vụ “báo động” người dân ra “đuổi” các tàu hút cát khi phát hiện họ hoạt động trong khu vực cấm. Tuy nhiên, kết quả chỉ là con số 0 tròn trịa khi mà hàng ngày, cùng với hoạt động khai thác cát của Công ty TNHH Ngọc Khánh và các chủ tàu tư nhân, từng thửa ruộng của người dân vẫn từ từ… xuống sông.

Sự việc xảy ra và kéo dài đã hơn 3 năm. Nhân dân, chính quyền thôn, xã đã nhiều lần kiến nghị với các cơ quan cấp trên, song tình trạng khai thác cát hoành hành vẫn... đâu vẫn còn đấy.

Việt Hưng – Minh Thắng

Đọc thêm