Bị cáo và bị hại là anh em trai, như khúc ruột trên với khúc ruột dưới. Ấy vậy mà chỉ vì mâu thuẫn nhỏ trong đời sống, anh đã mất mạng, em thì lãnh án chung thân.
Cắt tình ruột thịt
Bị cáo Phạm Văn Thiếp (36 tuổi, quê ở thôn Đông Khê, xã Văn Khê, huyện Mê Linh, Hà Nội) là em thứ ba trong gia đình có bốn anh em trai, trong đó anh cả là Phạm Văn Viên (46 tuổi, nạn nhân vụ án). Mấy anh em từ nhỏ đến lớn đều chăm chỉ làm ruộng làm vườn, lớn lên lấy vợ ra ở riêng nhưng vẫn cùng một thôn. Trong gánh nặng áo cơm gia đình, anh em kiến giả nhất phận, đồng tiền đã khiến anh em Thiết dần xa cách, mâu thuẫn nhau. Rồi khi lưỡi dao oan nghiệt Thiết vung lên cắt tình ruột thịt, không chỉ anh em trong gia đình bất ngờ mà bà con lối xóm cũng bàng hoàng.
Buổi trưa ngày 8/6/2009, cô ruột của anh em Thiếp mất. Theo thông lệ, mọi người đều đến nhà Viên để góp tiền đi phúng viếng vì anh là anh cả. Vậy nhưng hôm đó chỉ có Thiếp tới, còn hai người khác không đến vì có mâu thuẫn với anh Viên. Đến nơi, Thiếp nói với anh Viên về việc để anh thứ hai và em trai út góp tiền đi phúng viếng. Anh Viên bảo: “Không anh em gì với loại ấy”. Sau đó, Thiếp và anh Viên cùng đi phúng đám ma. Đến 16h cùng ngày, ăn uống xong, Thiếp nhìn thấy anh thứ hai ngồi ở mâm kế, liền kể lại việc bị anh cả từ chối không cho góp tiền. Trong câu chuyện, Thiếp quay sang trách anh Viên không đoái hoài gì đến người cô mới mất. Tức mình, anh Viên ra nghĩa trang để xem thợ đào huyệt xong chưa.
Hai tiếng sau, Thiếp cũng ra đó với anh thứ hai. Sẵn mối bực tức trong lòng lại thêm hơi rượu, Thiếp nảy sinh ý định đâm anh cả. Nghĩ là làm, Thiếp chạy về đám ma lấy con dao chọc tiết lợn rồi quay lại nghĩa trang. Thấy anh Viên đang ngồi ở bờ ruộng gần chỗ đào huyệt, Thiếp hỏi: “Anh có phải anh trai của chúng tôi không”. Anh Viên vừa dứt câu nói “Anh em gì với chúng mày” thì nhận nguyên một nhát dao của Thiếp vào ngực trái và tử vong sau đó...
|
Phạm Văn Thiếp muốn quay đầu lại, nhưng đã muộn |
Nỗi đau người ở lại
Sau hơn một năm, vụ án được TAND TP.Hà Nội đưa ra xét xử. Vợ con nạn nhân mang theo di ảnh người mất tới phiên tòa, ngồi ngay hàng ghế đầu. Vợ và anh trai thứ hai của bị cáo cũng tới, họ ngồi sang hẳn một hàng ghế khác.
Nỗi đau mất chồng, mất cha vẫn hằn in trên khuôn mặt lam lũ, khắc khổ của vợ bị hại. Chị tỏ rõ thái độ hận em chồng đến tận tâm can vì đã khiến chị trở thành góa phụ, hai đứa con chị mồ côi cha. Vậy nên, những lời ăn năn của bị cáo Thiếp mong muốn được xin lỗi, được đền bù tổn thất cho chị dâu và các cháu như càng khiến chị phẫn uất và kiên quyết không tha thứ. Chị đề nghị HĐXX tuyên gã em chồng mức án tử hình. Người đàn bà nói đanh thép: “Có như vậy mẹ con tôi mới yên tâm, chồng tôi ở dưới suối vàng mới thanh thản”.
Đợi cho vợ nạn nhân bớt xúc động, vị Thẩm phán mới nhẹ nhàng chia sẻ và phân tích: “Bị cáo và nạn nhân có mối quan hệ ruột rà. Dù có áp dụng hình phạt cao nhất đối với bị cáo cũng không thể lấy lại được người mất”. Nghe đến đây, người phụ nữ bật khóc đầy đau đớn...
Nghe HĐXX tuyên phạt tù chung thân - mức án cao hơn so với đề nghị từ phía Viện kiểm sát - bị cáo Thiếp tưởng như không đứng vững trước vành móng ngựa. Rồi đây, chẳng biết cô vợ mới ngoài 30 tuổi của anh ta có đủ sức để chống chọi với gánh nặng mưu sinh đằng đẵng một mình? Rồi món tiền bồi thường cho gia đình anh trai xấu số lấy đâu mà trả? Rồi đàn con nhỏ lớn lên, tương lai sẽ ra sao khi mang nỗi ám ảnh cha mình là kẻ sát nhân? Đưa đôi tay bị còng lên chấm nước mắt, tưởng như Thiếp đang ân hận và ước rằng hôm ấy bản thân mình có thể bình tĩnh, sáng suốt hơn. Nhưng có lẽ đã muộn rồi, nước mắt ơi...!
Trần Nguyên