Ẩn tình phía sau nhạc phẩm “Hoa mười giờ” của Đài Phương Trang

(PLVN) - Nhạc sĩ Đài Phương Trang thường vay mượn cảm xúc của người khác để sáng tác nhạc. Những bài hát buồn của ông đều có câu chuyện từ bạn bè hoặc những người xa lạ. Và, “Hoa mười giờ” cũng không ngoại lệ, khi nhạc sĩ viết cho chuyện tình buồn của một thiếu nữ. 
Nhạc sĩ Đài Phương Trang
Nhạc sĩ Đài Phương Trang

“Thương phận con gái như hoa mười giờ nở” 

Nhạc sĩ Đài Phương Trang tên thật là Phạm Văn Tứ, sinh năm 1940 tại Sài Gòn. Không ít người thắc mắc về bút danh Đài Phương Trang có vẻ rất nữ tính của ông. Cùng với những bài tình ca não lòng ăn khách, ai cũng nghĩ rằng ông có cuộc đời tình ái hết sức lãng mạn nhưng thật ra không phải vậy. Bút danh Đài Phương Trang đầy ẩn ý này được đặt theo một kỷ niệm thời học sinh của ông. Khi đó, dù là một tay chơi đàn được các cô trong lớp mến mộ và xin được nghe nhưng ông lại ngại ngùng và chỉ đàn khi có các bạn trai yêu cầu.

“Đàn phương trai” là một cách nói lái và làm thành bút danh, với ý nhắc lại kỷ niệm ngày xưa thời đi học mà ông vốn vẫn bị gọi là nhát gái, chỉ biểu diễn khi có bạn trai với nhau. Bắt đầu sự nghiệp sáng tác từ năm 1966, đến nay nhạc sĩ Đài Phương Trang đã có trên 500 tác phẩm. “Người yêu cô đơn”, “Hoa mười giờ”, “Căn nhà dĩ vãng”, “Tình nghèo có nhau”, “Chuyến xe miền Tây”... là những nhạc phẩm nổi tiếng của ông được đông đảo công chúng nghe nhạc yêu thích.

Nhạc sĩ Đài Phương Trang từng nói rằng, ông thường vay mượn cảm xúc của người khác để sáng tác nhạc. Những bài hát buồn của ông đều có câu chuyện từ bạn bè hoặc những người xa lạ. Ví như, ông từng chứng kiến một mối tình cảm động. Đó là một cặp trai gái yêu nhau nhưng bị gia đình ngăn cấm vì gia cảnh chàng trai nghèo khó. Cô gái phải nghe lời cha mẹ đi lấy chồng. Thời gian sau, cả hai vô tình gặp lại nhưng cô gái cố ý tránh mặt tình cũ. Vô tình biết câu chuyện của họ, ông đã viết ca khúc “Đừng nhắc chuyện lòng”. Còn nhạc phẩm “Căn nhà dĩ vãng”, ông viết về nỗi đau của đôi tình nhân không thể cưới nhau…

Ca khúc “Hoa mười giờ” hồi thập niên 1970 cũng không ngoại lệ, đã được nhạc sĩ Đài Phương Trang viết cho chuyện tình của một thiếu nữ tên Duyên. Gia đình cô Duyên ở Phú Lâm (quận 6, TP.HCM), cô là đồng nghiệp của người yêu của nhạc sĩ Đài Phương Trang. Chủ nhật hàng tuần, Duyên cùng người yêu thường chở nhau trên chiếc velosolex mỗi khi hẹn hò. Mỗi lần gặp nhau, người yêu thường đề nghị Duyên mặc áo dài màu tím, là màu mà anh thích ngắm nhìn.

Màu tím là màu của lãng mạn, cũng giống như cuộc tình mơ mộng của họ đương lúc mặn nồng: “Hái một nụ hoa xinh xinh màu tim tím, anh cài lên mái tóc thề/ Rồi hẹn tuần sau khi hoa mười giờ nở, anh sẽ đến thăm em”.

Một buổi sáng chủ nhật như thường lệ, Duyên mặc vào bộ áo dài màu tím quen thuộc để đến công viên chốn hẹn hò. Cô gái đến sớm để trông mong từng phút nhưng không thấy bóng dáng người yêu đâu, rồi đành bẽ bàng ra về với tâm trạng rối bời. Khi Duyên độc bước trở về, đi ngang qua một khu chợ thì thấy bóng dáng người yêu ở đằng xa người đang sánh bước cùng một cô gái khác cũng đang mặc áo màu tím: “Người đẹp của anh bên anh màu áo tím, em nghe quá chua cay/ Em thương phận con gái như hoa mười giờ nở, chỉ đẹp giây phút ban đầu”. Lòng quá bẽ bàng, Duyên quay gót trở về và không bao giờ gặp lại. Cô bỏ Sài Gòn ra đi và không còn ai biết tin tức về cô.

Bìa anbum "Hoa mười giờ"
Bìa anbum "Hoa mười giờ"  

Nhạc sĩ Đài Phương Trang từng nói rằng, ông viết một ca khúc nói lên tâm trạng đau khổ vì tình của một người con gái, để nhắc nhở rằng trong tình yêu không phải chỉ có tình cảnh trái ngang là người yêu đi lấy chồng, mà cũng có nhiều cô gái lâm vào hoàn cảnh mất đi người tình. Và một khi người con gái lâm vào hoàn cảnh đó thì nỗi đau đớn nhiều hơn gấp bội so với người con trai, bởi vì thân gái mong manh và tâm hồn yếu đuối, khó vượt qua những cú sốc tình cảm lớn lao trong đời.

Trong bản nhạc tờ phát hành trước 1975, ca khúc “Hoa mười giờ” được ghi tên sáng tác là Đài Phương Trang và Ngọc Sơn. Tuy nhiên, theo cả hai nhạc sĩ này, nhạc phẩm này chỉ của một mình nhạc sĩ Đài Phương Trang viết. Lý do của việc để tên chung này được nhạc sĩ Ngọc Sơn (là một nhạc sĩ nhạc vàng trước năm 1975 tại Sài Gòn) giải thích là để cho dễ được hãng dĩa chọn thu âm.

Ngày đó, nhạc sĩ Đài Phương Trang chỉ mới chập chững vào nghề, chưa có tên tuổi, còn nhạc sĩ Ngọc Sơn đã nổi tiếng, từng làm việc cho hãng dĩa Continental của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông, đồng thời cũng là giám đốc của hãng dĩa Dư Âm. Ngoài ra, nhạc sĩ Đài Phương Trang cũng là cháu họ của nhạc sĩ Ngọc Sơn (gọi là cậu) nên để giúp người cháu có tác phẩm nhanh được phổ biến đến công chúng, nhạc sĩ Ngọc Sơn đã đồng ý ghép tên mình vào bản nhạc “Hoa mười giờ”.

Yêu nhạc từ thuở niên thiếu 

Âm nhạc đến với nhạc sĩ Đài Phương Trang thật tình cờ. Khi đang học lớp 5, cậu thiếu niên tên Tứ luôn bị hấp dẫn bởi một người hàng xóm tên Mành hay chơi đàn mandolin. Mỗi khi đi làm về, chú Mành lại ngồi trước cửa nhà dạo lên những khúc nhạc réo rắt, lúc vui tươi, lúc buồn bã. Tâm hồn của Tứ bị lay động bởi những điều xao xuyến khó tả. Chú Mành cũng cũng chú ý đến cậu hàng xóm hay đứng ở cửa nhìn vào, im lặng nghe hàng giờ không biết chán. Rồi một ngày, chú Mành hỏi Tứ có thích học madolin không, nếu thích thì “về xin tiền má để mua một cây đàn, qua đây chú dạy”.

Điều đơn sơ đó đã dắt tay nhạc sĩ Đài Phương Trang vào lâu đài của bolero từ đó về sau. Đến năm học đệ thất, tức lớp 6 hiện nay, Tứ may mắn được học với thầy dạy nhạc Trần Anh Tuấn là thầy giáo của Trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ (nay là Nhạc viện TP HCM). Âm nhạc với Tứ lại được dịp nâng cao và chuyên nghiệp hơn.

 

Ít lâu sau, Tứ lại học thêm guitar. Đến năm lớp 11, cậu học trò này đã là một người chơi đàn hấp dẫn nhất lớp. Rồi, thời đi dạy học ở Trường Trung học cộng đồng Phú Định (quận 6), ít ai tin rằng, thầy giáo Phạm Văn Tứ lại là tác giả của những bài hát mà các cô nữ sinh trong trường cứ chuyền tay nhau chép lời và nghêu ngao hát trong sân trường. Ai hỏi thăm, ông chỉ cười cười, không nhận cũng không chối đó là những tác phẩm của mình.

Thậm chí, khi biết chính ông là tác giả của các bài hát tình yêu thịnh hành đó, các đồng nghiệp cũng phải trợn mắt vì không tin nổi. Theo nhạc sĩ Đài Phương Trang, bolero, slow, boston, tango đều là những điệu của nhạc trữ tình. Tuy nhiên, thời gian gần đây, bolero phát triển mạnh, tách riêng ra thành dòng nhạc với nhiều cuộc thi được tổ chức. Bolero có giai điệu hơi ủy mị, ca từ đơn giản, đi sát vào đời sống, khán giả nghe hiểu liền.

“Bolero là âm nhạc của quần chúng, được hát theo bản năng, tâm hồn người thể hiện. Sức sống của nó lâu bền và chảy âm ỉ qua năm tháng. Khi các chương trình, cuộc thi về bolero “bùng nổ”, dòng nhạc này có thêm điều kiện đi vào đời sống. Nó không còn là “món ăn tinh thần” của khán giả tuổi trung niên nữa mà còn dành cho cả giới trẻ. Tuy nhiên, kho tàng bolero được nhiều đơn vị, ca sĩ khai thác triệt để, lâu dần người nghe khó còn cảm giác thích thú như khi nó mới trở lại. Vì vậy, ở tuổi này, tôi vẫn sáng tác những bài bolero mới để góp phần tạo màu sắc cho dòng nhạc này”, nhạc sĩ Đài Phương Trang chia sẻ.

Đọc thêm