Ba Vì – Hà Nội: Một công dân khiếu nại Công an huyện lạm quyền khi áp dụng biện pháp bắt tạm giam

(PLVN) - Trong đơn thư gửi các cơ quan pháp luật và báo chí, bà Hoàng Thị Vân (SN 1970, ở thôn Quang Ngọc, xã Vạn Thắng, Ba Vì, Hà Nội) đề nghị cơ quan chức năng xem xét và thanh kiểm tra đối với Công an huyện Ba Vì vì có dấu hiệu vi phạm pháp luật, lạm dụng quyền hạn, không khách quan trong việc xử lý hình sự và xử lý vụ việc có đơn tố giác tội phạm.
Bà Hoàng Thị Vân cho rằng Công an huyện Ba Vì đã lạm quyền, tùy tiện khi bắt tạm giam công dân.
Bà Hoàng Thị Vân cho rằng Công an huyện Ba Vì đã lạm quyền, tùy tiện khi bắt tạm giam công dân.

Phụ nữ 50 tuổi, nhân thân tốt, gây thương tích 03% có cần thiết phải bắt tạm giam?

Nội dung đơn của bà Hoàng Thị Vân trình bày: Bà là con dâu của liệt sỹ Trần Văn Vượng ở thôn Quang Ngọc (xã Vạn Thắng, huyện Ba Vì). Gia đình sinh sống trên diện tích đất 336m2 ở đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp ngày 11/11/1999 (diện tích thực tế hiện tại chỉ còn 232m2) ở tại địa chỉ trên. Hoàn cảnh gia đình bà khá neo đơn gồm: mẹ già 85 tuổi, chồng bà là ông Trần Văn Thủy ốm đau bệnh tật, không có khả năng lao động, người con trai mới qua đời nên bà là trụ cột gia đình, chịu trách nhiệm phụng dưỡng mẹ già, chăm chồng ốm và nuôi cháu nội mồ côi…

Từ năm 2018, giữa gia đình bà và gia đình người hàng xóm là anh Nguyễn Trần Trung xảy ra tranh chấp đất đai, việc tranh chấp giữa hai bên đã được chính quyền địa phương giải quyết nhưng chưa có được tiếng nói chung. Quá trình tranh chấp có xảy ra xô xát, theo bà Vân, hậu quả có lần xô xát làm bà bị thương phải đi viện điều trị (hiện bà vẫn còn lưu bệnh án, hình ảnh vết thương). Gia đình bà cũng làm đơn đề nghị Công an xã Vạn Thắng xử lý hành vi gây thương tích theo quy định của pháp luật nhưng yêu cầu đó không được cơ quan công an xem xét, xử lý. 

Từ tháng 6/2020, tranh chấp mâu thuẫn giữa hai gia đình căng thẳng hơn. Theo Kết luận điều tra của Công an huyện Ba Vì, khoảng đầu tháng 8/2020 gia đình bà Vân có làm một ống nước bằng nhựa để dẫn nước từ mái nhà mình chảy vào khu đất đang tranh chấp giữa hai nhà. Tối 11/8/2020 trời mưa to, anh Nguyễn Trần Trung cùng vợ sử dụng cánh cửa để chắn nước mưa từ mái nhà bà Vân chảy vào nhà anh Trung.

Sau đó, giữa bà Vân và vợ chồng anh Trung xảy ra cãi vã. Bà Vân đã dùng một gậy gỗ hình trụ tròn dài 1/7m vụt 1 phát trúng lưng, 1 phát vào chân và 1 phát từ trên xuống trúng vào phần đầu, rồi trượt dọc xuống dưới trúng tay phải khiến anh Trung gây ra thương tích. Vụ xô xát cũng làm hư hỏng, thiệt hại một số tài sản của gia đình anh Trung. Anh Trung có đơn tố giác bà Vân về hành vi cố ý gây thương tích và hủy hoại tài sản. 

Kết luận điều tra của Công an huyện Ba Vì về nội dung vụ việc.
 Kết luận điều tra của Công an huyện Ba Vì về nội dung vụ việc. 

Ngày 12/8/2020, Cơ quan CSĐT Công an huyện Ba Vì ra lệnh bắt khẩn cấp bà Hoàng Thị Vân. Ngày 21/8/2020, Công an huyện Ba Vì ra quyết định khởi tố vụ án Cố ý gây thương tích, đồng thời ra quyết định khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với bà Hoàng Thị Vân về hành vi Cố ý gây thương tích. Ngày 12/8/2020 Công an huyện Ba Vì trưng cầu giám định thương tật đối với anh Nguyễn Trần Trung. Tại bản kết luận giám định thương tích ngày 17/8/2020 kết luận anh Trung bị tổn hại 03% sức khỏe.

Quá trình điều tra, Cơ quan CSĐT Công an huyện Ba Vì đã ra Quyết định trưng cầu giám định bổ sung thương tích của anh Nguyễn Trần Trung nhưng anh Trung tự nguyện viết đơn xin từ chối giám định. Đến ngày 6/10/2020 anh Trung xin rút đơn yêu cầu khởi tố vụ án. Xét thấy việc người bị hại rút đơn yêu cầu khởi tố vụ án là hoàn toàn tự nguyện nên Công an huyện Ba Vì đã đình chỉ vụ án Cố ý gây thương tích đối với bà Hoàng Thị Vân. Đối với hành vi đập phá tài sản của bà Vân gây thiệt hại 800 ngàn đồng, chưa đủ căn cứ khởi tố vụ án Hủy hoại tài sản nên Công an huyện Ba Vì đã ra Quyết định không khởi tố vụ án hình sự Hủy hoại tài sản do hành vi không cấu thành tội phạm. 

Tuy nhiên, theo Công an huyện Ba Vì: hành vi của bà Vân đã phạm vào điểm a khoản 2 điều 15 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội nên Công an ra quyết định xử phạt hành chính đối với bà Hoàng Thị Vân. 

Bà Hoàng Thị Vân tại khu vực đất hai gia đình tranh chấp (ảnh do đương sự cung cấp).
Bà Hoàng Thị Vân tại khu vực đất hai gia đình tranh chấp (ảnh do đương sự cung cấp).  

Bà Hoàng Thị Vân bị bắt giam từ ngày 12/8/2020 đến ngày 8/10/2020 thì được hủy bỏ biện pháp ngăn chặn. Sau khi được đình chỉ vụ án, bà Vân đã có đơn gửi các cơ quan pháp luật và báo chí cho rằng việc Công an huyện Ba Vì bắt tạm giam gần 2 tháng đối với bà là có dấu hiệu lạm quyền. Bà Vân cho rằng, trong vụ xô xát với gia đình người hàng xóm, bà Vân cũng bị thương tích nhẹ, cũng bị thiệt hại về tài sản và có đơn yêu cầu xử lý nhưng Công an huyện giải quyết yêu cầu của bà không khách quan, không công bằng đối với những thiệt hại của gia đình bà.

Đơn của bà Vân trình bày, toàn bộ quá trình xô xát để xảy ra thương tích nhẹ 3% ở cánh tay cho ông Nguyễn Trần Trung là ngoài ý muốn của bà để nhằm bảo vệ tài sản của gia đình mình. Chỉ với một hành vi gây thương tích nhỏ nhưng Công an huyện Ba Vì đã rốt ráo vào cuộc khởi tố hành vi Cố ý gây thương tích và bắt tạm giam công dân gần 02 tháng là đánh giá sai về hành vi, không xem xét thấu đáo đến nguyên nhân, điều kiện, hoàn cảnh xảy ra vụ việc. 

Quyết định đình chỉ bị can đối với bà Hoàng Thị Vân.
Quyết định đình chỉ bị can đối với bà Hoàng Thị Vân.  

Như đã trình bày, bà là con dâu của liệt sĩ, hoàn cảnh gia đình khá neo đơn, bản thân bà Vân là lao động chính trong gia đình đang phải phụng dưỡng mẹ già, chăm chồng ốm đau và nuôi cháu mồ côi. Người phụ nữ 50 tuổi thuộc diện gia đình chính sách, nhân thân chưa có tiền án tiền sự, chỉ với hành vi gây thương tích 03% liệu có cần thiết phải bắt tạm giam? 

Cũng theo đơn của bà Vân trình bày: Hoàn cảnh gia đình bà khó khăn như vậy nhưng không hiểu lý do tại sao Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát huyện Ba Vì lại khởi tố và áp dụng biện pháp tạm giam gần 02 tháng đối với bà có nhân thân tốt, gây thương tích tỉ lệ nhỏ, lại là lao động chính trong gia đình chính sách.

Theo bà Vân, ở đây rõ ràng Công an huyện Ba Vì đã lạm dụng quyền hạn khi áp dụng biện pháp tạm giam trái pháp luật, không có căn cứ theo quy định tại Điều 119 BLTTHS 2015 về áp dụng biện pháp tạm giam; trái với Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về cải cách tư pháp, tùy tiện áp dụng biện pháp tạm giam, vi phạm quyền con người, quyền tự do, dân chủ của công dân. 

Khiếu nại Công an huyện lạm quyền, không khách quan

Mặc dù hiện tại Cơ quan điều tra Công an huyện Ba Vì đã hủy bỏ biện pháp tạm giam và đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can đối với bà Hoàng Thị Vân nhưng nỗi oan ức và mất mát thiệt hại cả về sức khỏe, thể chất và tinh thần vẫn khá nặng nề. Bà Vân đề nghị cơ quan chức năng thanh tra và kiểm tra đối với toàn bộ các cán bộ điều tra và kiểm sát huyện Ba Vì trong vụ việc bắt giữ tạm giam đối với bản thân bà trong thời gian qua; nếu phát hiện có dấu hiệu lạm quyền, cửa quyền cần phải xử lý nghiêm. 

Theo bà Vân, vào đầu tháng 6/2020 và tháng 7/2020, quá trình xảy ra xô xát với gia đình người hàng xóm, gia đình bà Vân cũng bị thiệt hại, hư hỏng về tài sản gồm có bếp ga, cửa kính vỡ, bể phốt bị rạn nứt, tường gạch rạn nứt (tổng thiệt hại theo bà Vân ước tính hàng chục triệu đồng). Bà đã có đơn gửi công an xem xét hành vi hủy hoại tài sản.

Quyết định không khởi tố vụ án Hủy hoại tài sản chỉ nêu căn cứ chung chung; quá trình xác minh đơn tố giác của bà Vân, Công an cũng không tiến hành xem xét, trưng cầu giám định tài sản thiệt hại.
Quyết định không khởi tố vụ án Hủy hoại tài sản chỉ nêu căn cứ chung chung; quá trình xác minh đơn tố giác của bà Vân, Công an cũng không tiến hành xem xét, trưng cầu giám định tài sản thiệt hại.

Ngày 15/11/2020 thì Cơ quan điều tra Công an huyện Ba Vì gửi Thông báo số 52/TB-CSĐT gửi bà Hoàng Thị Vân và anh Nguyễn Trần Trung về việc không khởi tố hình sự đối với hành vi hủy hoại tài sản chỉ nêu nội dung chung chung mà không nói rõ lý do không khởi tố hình sự. Quá trình xác minh, điều tra đơn tố giác tội phạm của bà Vân, Công an cũng không tiến hành xem xét, giám định theo trình tự tố tụng hình sự.

Điều này khiến gia đình bà bức xúc vì cho rằng việc điều tra rõ ràng không khách quan. Việc bà làm vỡ cửa khung nhôm kính của gia đình hàng xóm (trị giá 800 ngàn đồng) thì cơ quan điều tra nhanh chóng vào cuộc, định giá tài sản và quy trách nhiệm phải bồi thường và ra quyết định xử phạt hành chính đối với bà Vân với mức phạt 3,5 triệu đồng. Ngược lại, tài sản của gia đình bà bị thiệt hại, hư hỏng thì không được xem xét, giám định.  

Từ những nội dung trên, bà Hoàng Thị Vân khẩn thiết đề nghị Cơ quan pháp luật có thẩm quyền vào cuộc để xác minh, làm rõ đơn thư của công dân. Nếu phát hiện có dấu hiệu cán bộ điều tra bao che cho hành vi trái pháp luật, vi phạm trong lĩnh vực tư pháp thì phải xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật.

Điều 119 Bộ luật Tố tụng hình sự 2013 quy định về biện pháp Tạm giam

1. Tạm giam có thể áp dụng đối với bị can, bị cáo về tội đặc biệt nghiêm trọng, tội rất nghiêm trọng.

2. Tạm giam có thể áp dụng đối với bị can, bị cáo về tội nghiêm trọng, tội ít nghiêm trọng mà Bộ luật hình sự quy định hình phạt tù trên 02 năm khi có căn cứ xác định người đó thuộc một trong các trường hợp:

a) Đã bị áp dụng biện pháp ngăn chặn khác nhưng vi phạm;

b) Không có nơi cư trú rõ ràng hoặc không xác định được lý lịch của bị can;

c) Bỏ trốn và bị bắt theo quyết định truy nã hoặc có dấu hiệu bỏ trốn;

d) Tiếp tục phạm tội hoặc có dấu hiệu tiếp tục phạm tội;

đ) Có hành vi mua chuộc, cưỡng ép, xúi giục người khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật; tiêu hủy, giả mạo chứng cứ, tài liệu, đồ vật của vụ án, tẩu tán tài sản liên quan đến vụ án; đe dọa, khống chế, trả thù người làm chứng, bị hại, người tố giác tội phạm và người thân thích của những người này.

3. Tạm giam có thể áp dụng đối với bị can, bị cáo về tội ít nghiêm trọng mà Bộ luật hình sự quy định hình phạt tù đến 02 năm nếu họ tiếp tục phạm tội hoặc bỏ trốn và bị bắt theo quyết định truy nã.

4. Đối với bị can, bị cáo là phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, là người già yếu, người bị bệnh nặng mà có nơi cư trú và lý lịch rõ ràng thì không tạm giam mà áp dụng biện pháp ngăn chặn khác, trừ các trường hợp:

a) Bỏ trốn và bị bắt theo quyết định truy nã;

b) Tiếp tục phạm tội;

c) Có hành vi mua chuộc, cưỡng ép, xúi giục người khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật; tiêu hủy, giả mạo chứng cứ, tài liệu, đồ vật của vụ án, tẩu tán tài sản liên quan đến vụ án; đe dọa, khống chế, trả thù người làm chứng, bị hại, người tố giác tội phạm hoặc người thân thích của những người này;

d) Bị can, bị cáo về tội xâm phạm an ninh quốc gia và có đủ căn cứ xác định nếu không tạm giam đối với họ thì sẽ gây nguy hại đến an ninh quốc gia. 

Đọc thêm