Ban nhạc Phượng Hoàng với sứ mệnh tiên phong "truyền lửa" dòng nhạc trẻ

(PLVN) - Với những người hâm mộ âm nhạc ở Sài Gòn vào trước năm 1975 thì Ban nhạc Phượng Hoàng là cái tên không hề xa lạ. Được mệnh danh là “The Beatles của Sài Gòn”, nhóm nhạc nổi lên như một hiện tượng lạ trong đời sống âm nhạc miền Nam thời bấy giờ với phong cách biểu diễn sôi động trẻ trung khác hẳn với dòng nhạc Bolero êm đềm dịu dàng mà khán giả vẫn thường nghe.
Ban nhạc Phượng Hoàng.
Ban nhạc Phượng Hoàng.

Sục sôi những bài nhạc trẻ thuần Việt 

Tiền thân của Phượng Hoàng là Ban nhạc Hải Âu thành lập năm 1963 với thành viên chủ chốt là nhạc sĩ Lê Hựu Hà. Lúc ấy, Lê Hựu Hà đã có những bản Mai Hương, Chiều... nhưng không được chú ý, bởi dân mê nhạc thời ấy chỉ thần tượng các bản nhạc ngoại quốc. 

Sau khi tham dự đại hội kích động nhạc tổ chức năm 1963 tại rạp Văn Hoa, Hải Âu cũng như những ban nhạc kích động ngày ấy thường biểu diễn ở những bar, club Mỹ. Ở đại hội nhạc trẻ năm 1965, 1967, Hải Âu không còn xuất hiện. Đến đầu thập niên 1970, nhạc trẻ Sài Gòn có trào lưu “Việt hóa” các ca khúc Âu - Mỹ. Hầu hết các ban nhạc lúc bấy giờ đều hát nhạc nước ngoài và viết lời lại.

Với sự kiên nhẫn mạnh mẽ, Lê Hựu Hà vẫn tiếp tục sáng tác và tin tưởng rằng đến lúc nào đó sẽ đưa được nhạc trẻ lời Việt đến với công chúng. Định mệnh đưa Lê Hựu Hà gặp người bạn đồng hành Nguyễn Trung Cang, nhạc sĩ trẻ của ban Rolling Sound. 

Năm 1971, Lê Hựu Hà cùng nhạc sĩ Nguyễn Trung Cang thành lập Ban nhạc Phượng Hoàng với phong cách Việt hóa pop rock. Các thành viên ban đầu của Phượng Hoàng gồm: Lê Hựu Hà, Nguyễn Trung Cang, Nguyễn Trung Vinh, Như Khiêm, hai ca sĩ là Hoài Khanh và Mai Hoa. 

Trong một tài liệu, nhà văn – nhà báo Lê Văn Nghĩa mô tả: “Sự xuất hiện của Ban nhạc Phượng Hoàng vào tối 15/6/1971 tại phòng trà Đêm Màu Hồng đã gây một bất ngờ cho giới yêu nhạc trẻ. Các ban nhạc trẻ thường lấy tên Mỹ, hát những bản nhạc nước ngoài, ca sĩ và nhạc công tóc dài, ăn mặc theo kiểu hippy với khoen vòng lúc lắc.

Ban nhạc này mang một cái tên rất Việt: Phượng Hoàng và chơi toàn nhạc Việt Nam do chính những nhạc sĩ trong ban này sáng tác như Yêu người yêu đời, Phiên khúc mùa đông, Tôi muốn, Thương nhau ngày mưa và Yêu em... trở thành những điển hình về tình ca trong làng nhạc”.

Hết hợp đồng với phòng trà Đêm Màu Hồng, Phượng Hoàng tung cánh qua Queen Bee và Maxim’s. Vì là giọng ca riêng của Đêm Màu Hồng, khi Phượng Hoàng “bay đi” thì giọng ca Hoài Khanh và Mai Hoa không thể bay theo. Đây chính là dịp để Phượng Hoàng có một giọng ca nam để đời, góp phần làm cho Phượng Hoàng vút lên bầu trời nhạc trẻ Việt Nam, đó chính là Elvis Phương.

Vào khoảng năm 1962, năm mà tên tuổi của Elvis Presley lẫy lừng khắp thế giới và ảnh hưởng đến giới yêu nhạc trẻ thì ở Sài Gòn, tên tuổi của Phương cũng được chú ý nhờ có khuôn mặt, mái tóc, dáng người và lối trình bày hao hao Elvis Presley nên được gán cho biệt danh Elvis Phương. Anh tên thật là Phạm Ngọc Phương, cựu học sinh Jean Jacques Rousseau. Từ ngày bước chân vào sự nghiệp hát ca vào những năm đầu 1960, Phương từng cộng tác với các ban nhạc trẻ danh tiếng như The Rebels, The Rockin’ Stars, The Vampires, The Shotgun và ban Không Tên.

Qua phần diễn xuất tài tình, chất giọng đặc trưng của ca sĩ Elvis Phương, những ca khúc của cả hai nhạc sĩ Lê Hựu Hà và Nguyễn Trung Cang đã được công chúng đón nhận. Elvis Phương hát tự nhiên như bản nhạc đã viết cho riêng mình. Tên tuổi của Elvis Phương, bắt đầu từ thời điểm này cho đến nay, luôn gắn liền với những bài nhạc của Ban Phượng Hoàng. Dĩ nhiên ông cũng trình bày thành công nhiều ca khúc khác, cả ngoại quốc lẫn những bài tình ca Việt Nam. Elvis Phương và ban nhạc Phượng Hoàng đã trở thành huyền thoại trong lòng công chúng yêu nhạc.

Xứng đáng được trân trọng

Lúc ấy, cũng có dư luận cho rằng Phượng Hoàng hát nhạc nước ngoài dịch ra lời Việt như một số ban thời đó thường làm. Nhưng thực tế thì khác hẳn - cả hai nhạc sĩ Lê Hựu Hà và Nguyễn Trung Cang là hai cây sáng tác cho ban. Nguyễn Trung Cang từng cho biết họ chỉ dựa theo những điệu nhạc thịnh hành của nước ngoài như bolero, tango, soul, còn phần nhạc cũng như lời là do chính ông và Lê Hựu Hà sáng tác. Hai người đã sáng tác hàng chục bản nhạc cho Phượng Hoàng và được xem là một cách tân cho nhạc trẻ lúc ấy: không vay mượn nhạc nước ngoài và hát nhạc do chính mình sáng tác. 

Phượng Hoàng quan niệm, họ muốn “phá cách” nhạc trẻ từ trước đến nay (1971) để trong tương lai loại nhạc trẻ Mỹ, Ăng-lê sẽ nhường chỗ cho nhạc trẻ Việt Nam đúng với tình ý Việt Nam. Nói đến các tác phẩm mang lại danh tiếng và thành công để đời cho Phượng Hoàng, trước hết phải đề cập tới ca khúc rock viết bằng tiếng Việt của Nguyễn Trung Cang - bản Mặt trời đen. Đây có thể xem là bản nhạc rock Việt đầu tiên khá tiêu biểu của giới rock Sài Gòn. 

Người nhạc sĩ đoản mệnh này (1947 - 1985) là gương mặt của rất riêng của Ban nhạc Phượng Hoàng. Nhiều người nhận xét rằng âm nhạc của Nguyễn Trung Cang mang nhiều màu sắc bi quan, yếm thế do sáng tác nhiều về những cuộc tình dang dở. Nhận xét như vậy không phải là sai nhưng cũng cần biết là Nguyễn Trung Cang vẫn có những ca khúc lạc quan và hướng con người tới một thế giới vị tha và nhân bản.

Không chỉ sáng tác nhiều tình khúc buồn như “Thương nhau ngày mưa”, “Đêm dài”, “Còn nhìn nhau hôm nay”..., Nguyễn Trung Cang cũng thành công với “Bước tình hồng” hay “Tình nhân loại, thú thiên nhiên” - những bài tình ca mang ý nghĩa lạc quan và yêu đời.

Với Lê Hựu Hà, người ta thấy ông thường có những sáng tác thiên về thái độ sống tích cực. Ông viết “Tôi muốn, “Yêu người, yêu đời”, “Hãy ngước mặt nhìn đời” hay “Yêu em”… Âm nhạc của ông cũng có bóng dáng của “thân phận” và khi cần tìm, người ta dễ dàng nhận ra thái độ phản kháng của ông trước những bất công của xã hội qua các ca khúc “Hãy nhìn xuống chân” hay “Xin được tha làm người”.

Tuy sáng tác các ca khúc của mình bằng tiếng Việt, Ban nhạc Phượng Hoàng luôn giữ cho mình một màu sắc riêng biệt của pop rock và rock với tiếng ghi-ta điện tử với những khúc dạo thật ấn tượng, tiếng đàn bass và tiếng trống nhịp nhàng trong nhịp điệu 4/4-nhịp điệu đặc trưng của nhạc Rock. Năm 1973-1974, hai bài “Tôi muốn” cùng “Yêu người, yêu đời” đã đoạt giải Bài hát hay nhất giải Kim Khánh do nhật báo Trắng Đen tổ chức. 

Sau 30/4/1975, Ban nhạc Phượng Hoàng tan rã. Chỉ 4 năm hoạt động thường xuyên với hơn 40 ca khúc, Phượng Hoàng đã đặt những viên gạch làm nền móng, làm thay đổi cái nhìn của nhiều người về nhạc trẻ Việt Nam và ghi dấu ấn ban nhạc rock Việt thực thụ. 

Gần 50 năm kể từ ngày chính thức ra mắt công chúng, Ban nhạc Phượng Hoàng luôn được coi là những người tiên phong mang nhạc trẻ đến gần với tâm hồn Việt. Những bài nhạc trẻ thuần Việt của họ luôn được đón nhận như những viên ngọc quý của tân nhạc Việt. 

Nhạc sĩ Lê Hựu Hà (mất năm 2003) và Nguyễn Trung Cang đã qua đời từ nhiều năm nay. Tuy vậy, các ca khúc của hai người vẫn luôn là được công chúng yêu thích, đặc biệt là giới trẻ thuộc thế hệ ra đời sau năm 1975. Bản “Mặt trời đen” vẫn được nhiều ban nhạc rock Việt Nam trong nước cũng như tại hải ngoại trình bày lại. Ca sĩ Elvis Phương - giọng ca chính của Phượng Hoàng vẫn xuất hiện trên sân khấu ca nhạc. 

Những ca khúc của ban Phượng Hoàng và Elvis Phương đã có những đóng góp to lớn mang nhạc trẻ Việt sánh vai với đời sống ca nhạc trên trường quốc tế. Họ xứng đáng được trân trọng về tài năng cũng như về sự đóng góp cho phong trào nhạc trẻ Sài Gòn!.

Đọc thêm