Bhutan – quốc gia duy nhất trên trái đất phát thải các-bon âm

(PLVN) - Không cần quá nhiều giải pháp công nghệ “cao siêu” để ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính, vương quốc Bhutan đã được công nhận là quốc gia duy nhất trên thế giới có lượng phát thải các-bon đạt mức âm. Mặc dù bị coi là “lạc hậu”, người dân Bhutan nhận thức về môi trường rất cao, thực sự coi trọng sự hài hoà với môi trường tự nhiên là “cái nôi”của mọi sự phát triển.
Bhutan – quốc gia duy nhất trên trái đất phát thải các-bon âm

Hãy giữ lấy rừng

Vương quốc Bhutan có chỉ số hạnh phúc cao nhất ở châu Á và đứng thứ 8 trên thế giới. Đây cũng là đất nước có nhiều nỗ lực đáng kể trong công tác trồng rừng, bảo vệ rừng. 

“Bhutan là quốc gia duy nhất trên thế giới có hiến pháp riêng bảo vệ các khu rừng của mình” – đó là nhận định của chuyên gia Juergen Nagler, thuộc Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc tại Bhutan. Quả thực, Hiến pháp của Bhutan quy định nhiệm vụ của quốc gia là phải duy trì ít nhất 60% diện tích có rừng che phủ. 

Từ đó, người làm luật đưa ra những quy định cụ thể liên quan đến công tác gìn giữ tài nguyên rừng trong bối cảnh đất nước phát triển và hội nhập. Đơn cử, lệnh cấm xuất khẩu gỗ tròn vào năm 1999, hay sắc lệnh của nhà vua quy định nếu ai đốn 1 cây xanh vì bất kỳ mục đích nào phải trồng bù 3 cây mới…

Theo thống kê năm 2017 của tổ chức Thống kê Rừng quốc gia (Nation Forest Inventory), 72% diện tích của Bhutan là rừng và hơn một phần ba nằm trong mạng lưới các khu bảo tồn. Dù Bhutan có thể được đánh giá “lạc hậu” so với tiêu chuẩn thế giới hiện đại nhưng tư duy của nhà làm luật tại Bhutan từ xưa đến nay đều có những điểm tiến bộ. 

Ông Thakur Singh Powdyel, Bộ trưởng Giáo dục Bhutan từng phát biểu: “Phá rừng, phá biển để làm giàu thì quá dễ. Ở Bhutan, chúng tôi tin rằng đó không phải là cách để thịnh vượng dài lâu. Chỉ có cách bảo vệ thiên nhiên, môi trường, chăm sóc cho chất lượng cuộc sống người dân, thì quốc gia đó mới được coi là phát triển”.

Mật độ rừng phủ dày đặc giúp hấp thụ lượng lớn khí CO2 ở Bhutan
Mật độ rừng phủ dày đặc giúp hấp thụ lượng lớn khí CO2 ở Bhutan 

Ngoài những khu rừng được bảo vệ, Bhutan đã giành được những kỷ lục thế giới về việc trồng nhiều cây nhất mỗi giờ. Năm 2016, nhân dịp một hoàng tử của hoàng gia Bhutan chào đời, người dân nước này đã trồng 108 nghìn cây xanh biểu tượng cho sự vĩnh cửu, vẻ đẹp, sức khỏe và thiện tâm, như là những lời chúc phúc dành cho vị hoàng tử bé. 

Bhutan nằm “kẹt” giữa Trung Quốc và Ấn Độ - hai đất nước có lượng phát thải các-bon cao nhất nhì trên thế giới. Tình trạng hoạt động sản xuất và sinh hoạt của hai quốc gia lớn trên tác động không nhỏ tới môi trường không khí tại Bhutan, cũng như gây hại đến sức khoẻ người dân. Một báo cáo vào năm 2008 của Hội đồng Môi trường Quốc gia Bhutan (Bhutan’s National Environment Commission) đã chỉ ra sự gia tăng rất cao những bệnh lý về hô hấp khi trong giai đoạn từ năm 2003 – 2006, hơn một triệu các ca bệnh dịch đã xảy ra và đã có 436 ca tử vong, tất cả đều liên quan đến các vấn đề về đường hô hấp.

Mặt khác, các dự báo gần đây cho thấy lượng khí thải nhà kính trên thế giới có thể tăng gần gấp đôi vào năm 2040. Ước tính Bhutan mỗi năm sản sinh khoảng 2,5 triệu tấn khí CO2 với khoảng 750.000 cư dân, hoạt động chủ đạo là nông nghiệp và lâm nghiệp. Dù vậy, Bhutan sẽ vẫn âm carbon nếu duy trì mức độ che phủ rừng hiện tại. Các khu rừng có tác dụng như một “bồn rửa các-bon tự nhiên”, hấp thụ hầu hết khí CO2 tại quốc gia này.

Mặt khác, tỉ lệ rừng bao phủ cao góp phần duy trì và bảo tồn đa dạng sinh học tự nhiên của đất nước này. Năm 1999, Hoàng gia Bhutan đã xây dựng một hành lang sinh học để kết nối những khu vực được bảo vệ với nhau, tạo thành một vùng tự do cho sinh vật tự nhiên, động vật hoang dã có cơ hội sinh tồn và phát triển cao hơn. Cũng chính vì thế, măm 2006, quốc vương Bhutan đã nhận được phần thưởng danh giá Paul Getty Conservation Leadership Award vì những thành công trong công việc bảo tồn động vật hoang dã và bảo vệ thiên nhiên.

Con đường phát triển các-bon thấp

Theo các chuyên gia, Bhutan đang trên “con đường phát triển các-bon thấp” với mọi cố gắng có thể nhằm làm chậm lại quá trình biến đổi khí hậu. Tại hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP15 ở Copenhagen năm 2009 và trước hội nghị thượng đỉnh COP21 năm 2015 tại Paris, Bhutan đã cam kết lượng khí thải nhà kính sẽ không vượt quá lượng carbon bị cô lập bởi các khu rừng.

Trong hàng thập kỷ, chính phủ Bhutan đưa ra nhiều sáng kiến nhằm đưa nền nông nghiệp của đất nước 100% hữu cơ vào năm 2020 và không có chất thải vào năm 2030. Một biểu hiện thành công phải kể đến người nông dân nơi đây không hề sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc kích thích tăng trưởng và chất bảo quản để trồng rau củ quả. Túi nilon cũng bị cấm sử dụng tại quốc gia này, thay vào đó người Bhutan sử dụng túi cotton để đựng hàng hóa. 

Hơn nữa, gần như toàn bộ điện của đất nước đến từ thủy điện. Thậm chí Bhutan còn xuất khẩu thuỷ điện cho các nước láng giềng. Bhutan tuyên bố rằng vào năm 2025, xuất khẩu thủy điện gia tăng sẽ cho phép nước này bù đắp tới 22,4 triệu tấn CO2 mỗi năm trong khu vực. Thực tế cho thấy, quốc gia nào sở hữu thủy điện (như Bồ Đào Nha), địa nhiệt điện (như Iceland), mạng lưới điện xây dựng tốt, ít phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, chính sách ưu tiên giảm các-bon… đều sẽ có lượng khí thải nhỏ hơn bình thường.

Tại Bhutan, điện sinh hoạt được tạo ra bằng thủy điện thông qua các turbin đặc biệt được đặt trực tiếp trên sông, chứ không xây đập thủy điện như các quốc gia khác. Với những ngôi làng xa xôi không có đường điện, chính phủ cung cấp tấm pin mặt trời. 

Bhutan thậm chí còn hạn chế số lượng du khách nhập cảnh vào nước này. Trừ cư dân Ấn Độ, Bangladesh hoặc Maldives, mọi du khách phải xin cấp thị thực để được vào Bhutan. Hầu như không có những du khách độc lập mà hoạt động du lịch tại Bhutan phải thông qua một công ty dẫn tour đã được chính phủ phê duyệt.

Một tu viện trên đỉnh đồi thung lũng Haa (Bhutan) không nhận bất kì du khách nào cho tới năm 2002
 Một tu viện trên đỉnh đồi thung lũng Haa (Bhutan) không nhận bất kì du khách nào cho tới năm 2002

Ngoài lệ phí thị thực (khoảng 40 USD), du khách còn phải trả thêm phí trọn gói hàng ngày từ 200-250 USD. Khoản phí này bao gồm chỗ ở (có thể thêm phí bảo hiểm), ăn uống và các hoạt động du lịch trong nước (không bao gồm các chuyến bay), thuế và phí khác. Theo đó, việc áp phí đến 250 USD/người cũng nhằm mục đích bảo đảm môi trường không bị hư hại bởi hoạt động du lịch.

Suốt gần 50 năm, Chính phủ Bhutan đo lường sự tiến bộ của xã không phải bằng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), nhưng bằng “Tổng hạnh phúc quốc dân” (Gross National Happines – GNH), mà môi trường thiên nhiên nguyên sơ, đa dạng chính là sự giàu có của đất nước. 

Trên thực tế cũng có một số lãnh thổ đạt được mốc không các-bon hoặc lượng các-bon thải ra rất nhỏ như Chila, Gabon, Romania, Mali, Benin, Liberia, Myanmar, Zimbabwe… Song có nhiều yếu tố khiến cho Bhutan đặc biệt thành công với các chính sách bảo vệ môi trường. Những việc mà quốc gia Phật giáo này đã làm được với môi trường tự nhiên là bài học quý giá cho nhiều quốc gia đáng đối mặt vớinạn chặt phá rừng tràn lan, vấn nạn ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, trong đó có Việt Nam.

Đọc thêm