Bình Định: Chiếm suối, xây nhà không phép ngay tại trung tâm thành phố, cán bộ phường nói không biết

(PLVN) - Nằm “chễm chệ” ngay tại trung tâm TP Quy Nhơn (tỉnh Bình Định), một ngôi nhà không phép được xây dựng bề thế, đồng thời chủ ngôi nhà còn ngang nhiên chiếm 2 con suối, rồi đổ bê tông làm móng hạ thấp dưới suối khiến dòng chảy bị chặn, nước từ trên núi chảy xuống bị dội ngược lại, xé vào vườn nhà những hộ dân bên cạnh nhưng chính quyền bảo không hề hay biết.
Công trình đang được thi công cấp tập bên trong cánh cổng bị khóa (ảnh chụp sáng 24/11).
Công trình đang được thi công cấp tập bên trong cánh cổng bị khóa (ảnh chụp sáng 24/11).

Chiếm suối, xây nhà trái phép

Ngôi nhà nói trên là của bà Nguyễn Thị Mai, tọa lạc ở tổ 58 (khu vực 8, phường Lê Hồng Phong, TP Quy Nhơn). Người dân địa phương cho biết, ngôi nhà được đào móng và bắt đầu xây dựng từ tháng 6/2020. Hàng ngày, có khoảng gần chục công nhân xây dựng, cánh cổng chính bên ngoài hầu như luôn khóa. Dù vậy, đứng ở vị trí cao tại khu vực này vẫn thấy rõ số lượng lớn công nhân thi công công trình.

Trước đây, ngôi nhà cũ cấp 4 của bà Mai nằm trên khu đất khoảng 700m2. Liền kề khu đất này là 2 con suối, rồi đến phần đất núi Bà Hỏa do UBND phường Lê Hồng Phong quản lý. Bà Mai sau đó lấn chiếm phần đất núi Bà Hỏa để làm trại nuôi nhím trong một thời gian dài.

Hiện tại, trên phần đất lấn chiếm này, việc nuôi nhím không còn nữa, mà thay vào đó là một công trình nhà ở được xây dựng bề thế, nối liền với khu đất 700m2. Công trình rộng lớn này hiện đã đổ bê tông sàn tầng trệt, một số phần tường nhà đã được tô xi măng.

Người dân địa phương cho biết, để công trình bề thế này “bắc cầu” qua các con suối đến phần đất núi Bà Hỏa do UBND phường Lê Hồng Phong quản lý, chủ nhân của nó ngang nhiên chiếm suối, rồi đổ bê tông làmmóng hạ thấp dưới suối khiến dòng chảy bị chặn, nước từ trên núi chảy xuống bị dội ngược lại, xé vào vườn nhà những hộ dân bên cạnh.

“Các con suối là dòng chảy từ trên núi Bà Hỏa chảy xuống đường Phạm Ngũ Lão. Trước đây, vào mùa mưa, lượng nước chảy xuống xối xả nhưng đều thoát rất nhanh, bởi lòng suối rộng và có độ sâu. Tuy nhiên, sau khi bà Mai lấn chiếm 2 con suối rồi đổ bê tông, nước chảy xuống thoát đi rất ít nên dội ngược lại, xé vào vườn nhà của những hộ dân ở đây”, một người dân ở tổ 58 bức xúc.

Chờ đợi hơn 1 giờ đồng hồ để kiểm tra, rồi tổ công tác “bất lực” ra về.
Chờ đợi hơn 1 giờ đồng hồ để kiểm tra, rồi tổ công tác “bất lực” ra về. 

Theo quan sát của chúng tôi tại hiện trường, những con suối này bị chủ nhân ngôi nhà nói trên đổ bê tông nối liền 2 khu đất, ép lòng suối xuống rất thấp, chỉ chưa đầy nửa mét. Khu vực này nằm ngay chân núi Bà Hỏa nên chắc chắn sẽ tác động không nhỏ đến vấn đề thoát nước trong mùa mưa.

Chưa hết, phía trên đoạn suối bị bê tông hạ thấp này, một lượng lớn đất đá nằm ngổn ngang, khiến suối gần như bị bít hoàn toàn. Phần đất của một hộ dân nằm ở đây đã bị sạt lở nghiêm trọng, uy hiếp đến công trình nhà ở. 

“Năm nay mưa ít mà nước đã thoát không kịp, gây sạt nghiêm trọng, uy hiếp ở nhà như vậy. Tôi chắc chắn rằng khi mưa lớn, những ngôi nhà ở gần suối sẽ bị cuốn trôi lúc nào không hay. Chúng tôi đã nhiều lần phản ánh vụ việc đến chính quyền địa phương nhưng chưa một lần thấy chính quyền đến xử lý. Sai phạm lớn đến vậy mà chính quyền không xử lý người dân có quyền đặt nghi vấn có sự bao che hoặc có lợi ích gì đó”, một người dân ở tổ 58 đặt nghi vấn.

Cán bộ địa chính bảo không hề biết

Để rộng đường dư luận, sáng 24/11, phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam đã đến UBND phường Lê Hồng Phong liên hệ làm việc. Tại đây, Chủ tịch UBND phường Hoàng Xuân Hải tỏ thái độ rất khiếm nhã, không hợp tác. Vị chủ tịch này nói: “Không có lý do gì để gặp và làm việc nên mời lên UBND thành phố mà làm việc”. Sau đó, chúng tôi tiếp tục trao đổi thì vị này đề nghị làm việc với Phó Chủ tịch UBND phường Lê Đình Sinh.

Qua làm việc, ông Sinh cho biết, vì mới được bổ nhiệm làm Phó Chủ tịch UBND phường nên ông không nắm rõ công trình này. Tuy nhiên, sau khi xem những hình ảnh phóng viên cung cấp, ông khẳng định đây là công trình xây dựng không phép. 

Chủ nhân ngôi nhà chiếm 2 con suối, rồi đổ bê tông làm móng hạ thấp dưới suối khiến dòng chảy bị chặn.
Chủ nhân ngôi nhà chiếm 2 con suối, rồi đổ bê tông làm móng hạ thấp dưới suối khiến dòng chảy bị chặn. 

Với mong muốn thông tin được cụ thể hơn, phóng viên đề nghị làm việc với cán bộ địa chính phường. Sau đó, ông Sinh đã chỉ đạo cán bộ địa chính phường đến phòng làm việc của mình để cung cấp thông tin cho báo chí. 

Tại đây, cán bộ địa chính phường cho biết, sau bão số 9 (sau ngày 28/10), bà Nguyễn Thị Mai đến phường xin (bằng miệng) được sửa chữa ngôi nhà vì bão đã làm tốc mái, hư hỏng. Sau đó, cán bộ phường vài lần đến kiểm tra… rồi thôi. Địa phương không hề biết việc bà Mai xây dựng công trình bề thế và lấn chiếm các con suối như hiện tại.

Ngay lập tức, vị Phó Chủ tịch UBND phường phản bác: “Anh nói như vậy là không hợp lý. Qua hình ảnh báo chí cung cấp, công trình đã đổ bê tông sàn tầng trệt thì không thể chưa đầy một tháng mà đã “mọc” lên như vậy. Hình ảnh này không thể là nhà cấp 4”.

Không chần chừ, ông Sinh liền lập tổ công tác, gồm: ông, cán bộ địa chính, cán bộ tư pháp, công an phường, cảnh sát khu vực, khu vực trưởng khu vực 8 phối hợp với cán bộ Đội trật tự đô thịTP Quy Nhơn đến kiểm tra hiện trường ngay trong buổi sáng. Ông cũng đề nghị phóng viên đi cùng để nắm thông tin vụ việc.

Khi tổ công tác đến hiện trường, gần chục công nhân vẫn đang rầm rộ thi công nhưng cánh cổng chính bên ngoài đã khóa chặt. Tổ công tác yêu cầu người bên trong mở cửa để kiểm tra công trình nhưng họ cho biết, chủ nhà không có ở nhà và đã cầm chìa khóa đi nên không mở được cửa.

Sau đó, hàng loạt cán bộ liên tục gọi điện thoại cho bà Mai và chờ đợi hơn 1 giờ đồng hồ nhưng chủ nhà vẫn “bặt vô âm tín”. Cuối cùng, tổ công tác “bất lực” ra về.

“Chúng tôi sẽ gửi giấy mời yêu cầu hộ bà Nguyễn Thị Mai đến phường làm việc. Tôi khẳng định, trong vòng một tuần (trước ngày 2/12) sẽ xử lý dứt điểm vụ việc, kể cả phải dùng phương án cưỡng chế, tháo dỡ. Địa phương sẽyêu cầu hộ bà Mai xây dựng đúng hiện trạng ban đầu của ngôi nhà, trả lại nguyên trạng dòng chảy của 2 con suốicũng như phần đất lấn chiếm phía núi Bà Hỏa thuộc quản lý của phường”, ông Sinh khẳng định.

Trao đổi với chúng tôi qua điện thoại, ông Dương Hiệp Hòa - Phó Chủ tịch UBND TP Quy Nhơn ghi nhận vụ việc mà báo chí cung cấp. Ông cho biết, chính quyền thành phố sẽ chỉ đạo giải quyết vụ việc, đồng thời trả lời cho cơ quan báo chí trong thời gian sớm nhất.

Thiết nghĩ, một công trình không phép được xây dựng bề thế, còn chiếm 2 con suối khiến dòng chảy bị chặn, làm ảnh hưởng đến nhiều hộ dân nằm “chình ình” ngay trung tâm thành phố nhưng chính quyền bảo không hề hay biết thì hết sức vô lý. Dư luận đặt câu hỏi, phải chăng đằng sau những sai phạm này có sự bao che của một số cán bộ phường Lê Hồng Phong? 

Đọc thêm