Bỏ hung táng không ảnh hưởng đến văn hóa tâm linh

(PLVN) - Sau khi Báo PLVN đang bài "Tục cải táng: Bỏ hay đừng?" với quan điểm của nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hùng Vĩ khẳng định tục hung táng (mai táng thi hài trong một khoảng thời gian nhất định sau đó sẽ được cải táng), cát táng (mai táng lại hài cốt sau khi cải táng) là tục lệ ngoại lai, khởi nguồn từ Trung Quốc, chúng tôi tiếp tục nhận được ý kiến của nhà nghiên cứu văn hóa - TS Phạm Việt Long cho rằng việc từ bỏ tục lệ này không ảnh hưởng gì đến văn hóa tâm linh. 
TS Phạm Việt Long
TS Phạm Việt Long

Chưa rõ thời gian xuất hiện 

Theo PGS.TS Trương Sỹ Hùng (Viện Nghiên cứu Đông Nam Á), cải táng còn có các tên gọi khác như bốc mả, bốc mộ, cải mả, sang cát, cải cát sang tiều. Tất cả những cụm từ trên đều chỉ việc: đào huyệt mộ đã chôn người chết khoảng 3 năm hoặc hơn. Có nơi còn gọi tục này là đám ma khô. Khó có thể trả lời cổ tục này có từ bao giờ. Cộng đồng cư dân Bách Việt cổ xưa đã có tục chôn cất người chết rất cẩn thận, nhằm bảo tồn di cốt (giữ phần xương còn lại, sau khi phần thịt và lục phủ ngũ tạng đã phân hủy, tan vào trong đất nước).

Trong khi đó, Nhà nghiên cứu văn hóa – TS Phạm Việt Long cho rằng, đến nay, ông chưa đọc thấy một tài liệu nào nói về thời gian xuất hiện tục bốc mộ. Người ta chỉ có thể nói tục lệ đã có từ lâu đời! Có tài liệu viết, khởi nguồn là ở miền Bắc Việt Nam. Về lý do khởi nguồn ở đây, lại có hai ý kiến: Một là do người phương Bắc sang đây, qua đời, được chôn cất, sau đó cần đưa về quê quán cho nên hình thành tục bốc mộ.

Ý kiến khác nêu lên, do miền Bắc có nhiều vùng đất trũng, chôn cất rồi, người chết bị ngâm trong nước, quan tài mục ruỗng, cho nên người thân cần đưa di cốt khỏi vùng ngập úng hoặc thoát khỏi cảnh bị quan tài mục ruỗng sập xuống, đè lên, từ đó hình thành tục bốc mộ.

Trước đó, trao đổi với PLVN, nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ khẳng định, tục cải táng là ngoại lai và không có trong thời kỳ văn hóa Đông Sơn: Tục cải táng, tuy đã thành một tập tục phổ biến và tồn tại lâu dài của người Kinh như một truyền thống cố hữu rồi nhưng đó không phải là một truyền thống đẹp. Nó là ngoại lai.

Nên bỏ tục hung táng, cát táng 

Từ các góc nhìn trên có thể thấy, đa số cho rằng, tục cải táng bắt nguồn từ Trung Quốc, mặc dù chưa xác định được thời gian rõ ràng. Trong thời đại khoa học phát triển, bùng nổ công nghệ thông tin, và nhất là dân số ngày càng đông, tục hung táng, cát táng lại được đưa ra xét xem có nên bỏ đi hay không?

T.S Phạm Việt Long dẫn giải: Trong thời buổi khan hiếm đất đai và vấn đề môi trường ngày càng nghiêm trọng, chưa kể về tâm lý, sức khỏe, nhiều người đã bỏ tục bốc mộ, thay vào đó là một trong hai hình thức: Đào sâu chôn chặt – chỉ chôn cất một lần là xong, thứ hai là hỏa táng, hình thức này hiện đang phát triển. Xét về tâm linh, nếu bỏ tập tục này thì có ảnh hưởng gì không? Nói một cách tổng thể, có thể ảnh hưởng tới một bộ phận dân cư chứ không ảnh hưởng toàn bộ nhân dân Việt Nam. 

Bởi, với 54 dân tộc, người dân có nhiều tập tục khác nhau, cũng mang tính tâm linh, như người Việt ở Bắc bộ thì cải táng, một số dân tộc ở Nam bộ thì hỏa táng, một số dân tộc khác lại “đào sâu chôn chặt”. Theo TS Phạm Việt Long, với bộ phận dân cư có tập tục cải táng có thể tác động tới mấy khía cạnh sau: Về tâm linh: Có quan niệm rằng, khi hỏa táng như vậy, là cắt đứt mối quan hệ với người sống. Lại có quan niệm rằng, người bị hỏa thiêu sẽ luôn bị nóng dưới âm phủ. Về tâm lý: Từ bỏ một thói quen là một thử thách lớn. Có thể bản thân người chết muốn được hỏa thiêu, nhưng người sống lại không muốn như vậy. 

Về môi trường: Có thể nhận xét rằng, phần đông nhân dân thấy việc từ bỏ tục cải táng sẽ tác động tích cực tới môi trưởng, đỡ tốn đất, đỡ gây ô nhiễm, đỡ khổ cả cho những người làm việc “thay áo” cho người chết, đỡ vất vả cho người sống. “Như vậy, bỏ tập tục cải táng là cần thiết và có lợi cho cuộc sống. Vấn đề là cần thay đổi nhận thức, thói quen”, ông Long nhận định.

Cùng quan điểm, PGS.TS Trương Sĩ Hùng cho rằng, khoa học hiện đại đã chỉ ra sự nguy hiểm do cải mả mà gặp những vi khuẩn độc hại, truyền nhiễm thì rõ ràng là nên thay đổi cổ tục chôn cất người chết. Một số tộc người thiểu số châu Á đã thiêu xác, trộn lẫn tro cốt với sông suối, đất cát trở thành truyền thống. Nếu có những nguyên tố vi lượng là thành phần cấu tạo của linh hồn thì linh hồn đó cũng không thể nhập lại nơi huyệt mộ - tức là nhập vào phần xương cốt còn giữ.

Vấn đề là tinh hoa của những linh hồn chết đã được các thế hệ con cháu gìn giữ, tái hiện được đến đâu trong cuộc sống đương đại. Trách nhiệm đó thuộc về các thế hệ con cháu hấp thụ ngay từ khi ông bà, cha mẹ còn chung sống. Ban thờ gia tiên là vật thể văn hóa trong mỗi gia đình cần duy trì. Ảnh người đã mất nên cất giữ như gia bảo nhưng chỉ trưng bày vào ngày giỗ, không treo thường trực tại ban thờ cộng đồng chân linh gia tộc. Từ bỏ tục hung táng, cát táng là phù hợp với nhận thức khoa học hiện đại. Chắc chắn không có ảnh hưởng gì đến đời sống văn hóa tâm linh.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ thấy tập tục lâu đời này là khó bỏ, nhưng dần dần chúng ta sẽ làm được. Ông đưa ra giải pháp, một số nghĩa trang như ở Thạch Bàn, người ta xây những bức tường đứng, có hốc để bỏ tro cốt, bia và ảnh, sạch sẽ, lịch sự, tiết kiệm đất đai. Các cụ quần tụ ở đó có mình có ta, sum vầy ấm cúng. Đó là một điều rất nên. Nơi khác, người ta gửi chùa chiền… Và tương lai, ông Vĩ đưa ra sáng kiến nên có cách táng người thân bằng một trang mạng thiêng liêng, kính cẩn, lưu giữ hình ảnh và thể hiện tâm hồn thành kính của mình lên đó.

Trong sách “Việt Nam phong tục”, Phan Kế Bính viết về tục cải táng, hung táng như sau: "...Cải táng có nhiều cớ. Một là vì nhà nghèo, khi cha mẹ mất, không tiền lo liệu, mua tạm một cỗ ván xấu, đợi xong ba năm thì cải táng, kẻo sợ ván hư nát thì hại đến di hài. Hai là vì chỗ đất mối kiến, nước lụt thì cải táng. Ba là vì, các nhà địa lý, thấy chỗ mả vô cớ mà sụt đất hoặc cây cối ở trên mả tự nhiên khô héo, hoặc trong nhà có kẻ dâm loạn điên cuồng, hoặc trong nhà đau ốm lủng củng, hoặc trong nhà có kẻ nghịch ngợm, sinh ra kiện tụng lôi thôi, thì cho là tại đất mà cai tang. Bốn là vì chỗ mồ mả chạm phải đường cái, hoặc thành mới mở, bất đắc dĩ phải tải táng. Năm là những người muốn cầu công danh phú quý, nhờ thầy địa lý tìm chỗ cát địa mà cải táng. Lại có người thấy nhà khác phát đạt, đem mả nhà mình táng gần vào chỗ mả nhà kia, để cầu được hưởng dư huệ”. 

Đọc thêm