Ca sỹ Lynh Lee và chuyện dài người chuyển giới

(PLVN) - Lynk Lee vốn là nam ca sĩ quen thuộc với giới trẻ gần 10 năm nay. Mới đây, sau khi cô lần đầu xuất hiện trên sóng truyền hình, khi cô  đang trong quá trình phẫu thuật chưa hoàn thiện, cô đã phải chịu nhiều phản ứng thô thiển về ngoại hình.  “Lynk Lee là gái hay trai?”, “Lynk Lee phẩu thuật thẩm mỹ?” -  là những từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất trên Google về cái tên Lynk Lee…
Ca sỹ Lynh Lee.
Ca sỹ Lynh Lee.

Đi trên gai nhọn để bước tới hoa hồng

Lynk Lee tên thật là Tô Mạnh Linh, nay đã đổi thành Tô Ngọc Bảo Linh. Cô công khai chuyển giới từ nam sang nữ vào năm 2019. Sinh năm 1988, Lynk Lee được biết đến nhờ khả năng sáng tác và ca hát. Các bài hát nổi tiếng của cô: Tạm biệt nhé, Ngày ấy bạn và tôi, Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ, Buồn thì cứ khóc đi...

Dù chịu nhiều “gạch đá” khi xuất hiện trong diện mạo thục nữ, nhưng cô chia sẻ: Khi mình đã chấp nhận dùng cả tính mạng để chuyển giới thì những lời nói ấy không còn quan trọng nữa. Khi chọn “come out”, Lynk cũng từng nghĩ họ hàng, hàng xóm sẽ nói ra nói vào, nhưng mình nhận ra chỉ cần gia đình mình hiểu và ủng hộ là được.

Trong nhà, bố mình là một người cực kì nghiêm khắc. Ngay từ ngày nhỏ, mình đã được bố rèn luyện kỹ lưỡng, và việc nói với bố rằng mình thích con trai thì mình nghĩ bố sẽ rất khó chấp nhận. Lynk Lee là cháu đích tôn, nên việc mình là LGBTQ+ cũng là điều rất khó để thuyết phục gia đình hiểu.

Riêng mẹ lại là người Lynk thân thiết hơn. Lynk chọn “come out” với mẹ qua một cuộc điện thoại. Hôm đó, mình ở Sài Gòn, lấy hết can đảm và gọi cho mẹ. Lúc đầu, không biết phải vào chủ đề chính như thế nào, mình cứ vòng vòng hỏi thăm. Sau đó, Lynk hít hơi, nói với mẹ rằng: “Mẹ sinh con ra, mẹ có hiểu con không?”. Mẹ mình cũng cảm nhận có cái gì đó nên cũng chỉ đáp: “Ừ, làm sao. Có chuyện gì à?”

Lynh Lee và khát khao cháy bỏng tìm về bản ngã của mình…
Lynh Lee và khát khao cháy bỏng tìm về bản ngã của mình… 

Thế là mình vừa nói, vừa khóc: “Mẹ ơi, con không thích con gái”. Mẹ mình rất bình tĩnh: “Mẹ biết lâu rồi. Mẹ chỉ đợi con nói ra thôi”. Khi đó, mình mới hiểu là mẹ cũng ngầm ủng hộ mình, cũng hiểu được con người mình. Khi chia sẻ lại điều này, mình vẫn còn rất xúc động. Thật ra, đến tận bây giờ, trong nhà mình vẫn còn có người chưa biết là bà. Thường bà vẫn hay hỏi khi nào mình lấy vợ đó chứ. Nhưng mình không thể một lần nói cho bà biết vì bà sẽ bị sốc…

Có một sự thật là hồi trước, Lynk thường phải nghe những lời dè bỉu về giới tính của mình từ những người xung quanh. Lynk đành chọn cách gồng mình. Với mình, gồng mình là cố gắng thể hiện hành động, cử chỉ giống một đứa con trai để người ta đỡ dè bỉu thôi. Đôi lúc, Lynk cũng cảm thấy tủi thân nhưng mà mình quen rồi.

Có thể mọi người chưa biết, khi mình chọn nghệ danh Lynk Lee đã có ẩn ý vì âm điệu của tên gọi này liên tưởng nhiều đến hình ảnh ca sĩ nữ hơn là ca sĩ nam. Đến bây giờ, cái tên Lynk Lee mới trở về đúng ý nghĩa của nó. Trước đây, mọi người gặp Lynk Lee thì sẽ thấy mình sẽ cố hành xử, đi đứng như một đứa con trai. Nhưng bây giờ, mọi người gặp mình thoải mái thể hiện những điều thuộc về mình.

Mình yêu âm nhạc từ bé, xong cứ sáng tác rồi hát, đăng tải sản phẩm của mình lên mạng và lại được mọi người chia sẻ nhiều rồi thành người nổi tiếng. Điều đó vô hình tạo nên một bức tường, khiến mình không dám sống thật với bản thân mình. Và khi đã quyết định, mình nghĩ không thể hát mình vẫn có thể làm việc khác thôi.

 

Ví dụ như diễn xuất, biết đâu mình lại trở thành một diễn viên thì sao?  Nhưng mình tin là mình sẽ tìm cách để mình hát được. Còn nếu giọng hát không đủ hay nữa, mình vẫn sẽ tự hát cho mình mình nghe.  Bạn bè cũng khuyên rằng, khi chuyển giới các nhãn hàng sẽ ngại, không mời mình nữa, nhiều thương hiệu không muốn đụng chạm đến người chuyển giới. Nhưng mình phải là chính mình trước đã.

Để nói về những người chuyển giới thì có rất nhiều bạn, họ may mắn, họ mạnh mẽ hơn Linh, họ có khao khát và quyết tâm trở về đúng bản ngã của mình từ rất sớm. Khi đó họ mới chỉ 18 tới 20 tuổi, nên vóc dáng cũng như khuôn mặt họ sẽ dễ dàng mềm mại và nữ tính hơn. 

Còn đối với Linh, trên 30 tuổi không còn là trẻ nên để các đường nét mềm mại và nữ tính cần thời gian lâu hơn. Nhưng giờ đây với Linh, mọi thứ không còn là muộn nữa rồi. Cuộc sống bây giờ với Linh mới đang bắt đầu và còn cả chặng đường dài phía trước để hoàn thiện, Linh chia sẻ.

Không phải là tội phạm để bước ra ánh sáng!

Theo ông Lương Thế Huy, một nhà hoạt động xã hội thì “come out” là một nhu cầu cá nhân đáng được tôn trọng. Nhưng khuynh hướng giới tính không phải là một loại tội phạm để kêu gọi hãy bước ra ánh sáng. Nếu mong muốn phía sau “come out” là sự chấp nhận, bạn phải tính được phần mình, mà tính luôn cả phần người khác khi tiếp nhận sự việc ấy. 

Ông Huy chia sẻ, năm 2014, tôi nhận được một yêu cầu đánh giá tâm lý kì lạ. Đồng nghiệp người Mỹ đang làm tại phòng khám SOS trong Sài Gòn viết thư cho trung tâm tôi làm việc hỏi xem có ai nhận đánh giá tâm lý cho người chuyển giới không. 

Họ cho tôi biết người muốn có nhu cầu chuyển giới là Phong, nhân vật chính trong phim của họ (phim “Đi tìm Phong”, bộ phim sau này đạt nhiều giải thưởng quốc tế). 

Phong là một sinh viên trường điện ảnh. Từ bé đã luôn muốn chuyển giới và em luôn thẳng thẳng chia sẻ với mọi người về chuyện của em. Mọi người định hỗ trợ tài chính cho em để phẫu thuật, và sau đó có nảy sinh ý tưởng làm một bộ phim mô tả chân thật quá trình thay đổi của Phong. 

Phong mô tả mình là một cô Trúc Anh Đài, một người con gái thực sự nhưng giả trai để sống. Ngay từ hồi bé (2 đến 3 tuổi), Phong đã biết mình là con gái. Em rất hay khóc và tủi thân vì những khi không được làm những thứ của phụ nữ. Một trong những chuyện xúc động nhất (với tôi) là đêm trước hôm khai giảng năm cấp ba, Phong đã khóc hết nước mắt vì biết rằng mình sẽ không được mặc áo dài vào sáng hôm sau. Vì Phong rất cởi mở và nhiệt tình chia sẻ, sau ba buổi, tôi đã có đủ thông tin để viết thư giới thiệu cho bác sĩ ở Thái Lan chấp nhận tiến hành phẫu thuật cho Phong. 

Sau Phong, tôi cũng gặp tiến hành đánh giá một số yêu cầu chuyển giới khác. Một lần khác, có một bạn có giới tính sinh học là nữ, được mẹ đưa đến để xác định nhu cầu của bạn ấy muốn chuyển đổi cơ thể sang nam giới. Mẹ mặc dù rất ủng hộ bạn ấy nhưng vẫn lo lắng muốn bạn ấy suy nghĩ kỹ hơn. 

Trong cuộc hội thoại giữa ba người (tôi, mẹ và bạn ấy), mẹ chia sẻ rằng mẹ muốn bạn lùi kế hoạch cắt ngực lại thêm một năm để sống thử thêm vì bạn ấy chưa phải là người chuyển giới nam điển hình (người có cơ thể nữ muốn chuyển sang cơ thể nam).

Khách hàng của tôi gục đầu xuống bàn, lặng người đi, một phút sau bạn ấy ngước mắt lên, hai hàng nước mắt ròng ròng, nhìn mẹ và nói: “Mẹ còn muốn con thế nào nữa, vì sao trời nóng như thế này mà con phải mặc ba cái áo hả mẹ”. Bạn ấy mặc nhiều áo để che đi ngực của mình.    

Sau này, các khách hàng chuyển giới khác của tôi chia sẻ những nỗi đau, tủi thân, nỗi xấu hổ và nhiều cảm xúc tiêu cực khác mạnh hơn rất nhiều so với cách trải nghiệm về quần áo. Nhưng tôi luôn nhớ những trải nghiệm quần áo: mặc áo binder (nịt ngực) chặt tới mức hoa mắt vì khó thở, hay lặng lẽ ngắm nhìn những bộ quần áo của nữ giới mà thấy nhói lòng vì mình sẽ không bao giờ được mặc. Những miền vui đơn giản nhỏ nhặt trở thành một cực hình cho người chuyển giới…

Ở góc độ khác, nhiều ý kiến cho rằng, chúng ta cần những ứng xử văn minh và có văn hóa, thay vì sự phiến diện, thậm chí thô tục trên mạng xã hội với không chỉ Lynh Lee. Thực tế, đã có nhiều người chuyển giới tự tử vì không chịu được sự kì thị của xã hội.

Bởi họ càng ngày càng hiện diện nhiều hơn trong xã hội, đóng một vai trò lớn hơn trong mọi ngành nghề, chuyên môn, và vị trí xã hội. Và hơn bất cứ điều gì, họ khát khao được sống với đúng với bản ngã, là nam hay là nữ của mình. Cho dù họ biết, sẽ có rất nhiều rủi ro về sức khỏe, như Ánh Phong đã chia sẻ: “Dù một ngày được làm con gái, em cũng chấp nhận! Bởi từ lâu, em đã sống như một Chúc Anh Đài”…

BS. Đỗ Thị Vân - Giám đốc Trung tâm Thông tin Tổ chức Phi Chính phủ cho biết, các nghiên cứu trên thế giới cho thấy tỷ lệ người chuyển giới chiếm từ 0,3 - 0,5% dân số. Như vậy, Việt Nam ước tính có khoảng từ 290.000 - 480.000 người chuyển giới. Phần đa người chuyển giới gặp rất nhiều khó khăn khi chưa có hành lang pháp lý đối với quyền của họ cả trong việc chuyển đổi giới tính, đặc biệt là vấn đề điều trị nội tiết tố và thực hiện phẫu thuật chuyển đổi giới tính; việc bị phân biệt đối xử trong cuộc sống, quyền về việc làm, học tập và sức khỏe cũng gặp những trở ngại lớn. 

BS. LG. Trịnh Thị Lê Trâm, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật và chính sách về y tế, HIV/AIDS, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Luật gia Việt Nam cho biết: mong muốn lớn nhất của người chuyển giới hiện nay là pháp luật về chuyển đổi giới tính sớm được ban hành để giảm bớt khó khăn cho những người muốn được chuyển đổi giới tính. Hiện nay ở Việt Nam, Hiến pháp năm 2013 đã công nhận sự tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân.

Thực hiện quy định này, Bộ Luật Dân sự (sửa đổi) được Quốc hội thông qua ngày 24/11/2015, tại Điều 37 công nhận quyền được chuyển đổi giới tính, nhưng “Việc chuyển đổi giới tính phải được thực hiện theo quy định của luật”. Do vậy, việc ban hành Luật là điều hết sức cấp thiết và là mong muốn hợp pháp của cộng đồng người chuyển giới cũng như các cơ quan quản lý nhà nước. Họ gặp rất nhiều khó khăn trong việc làm lại các giấy tờ tùy thân, như căn cước công dân, hộ tịch, hộ khẩu; bị kỳ thị, phân biệt đối xử và khó tìm kiếm việc làm ổn định…

Đọc thêm