Cách phòng, chống dịch Covid-19 “độc nhất vô nhị” của đồng bào Xơ Đăng ở vùng đất thuốc

(PLVN) - “Trang bị cho các tượng thần như vậy là để nhắc nhở, nâng cao ý thức cho người dân trong thôn. Người nào có việc đi ra bên ngoài thì phải đội mũ bảo hiểm, phải đeo khẩu trang y tế để phòng bệnh. Người nào hay quên thì khi đi qua những nơi ra vào thôn, nhìn thấy những tượng thần, họ sẽ lập tức quay về nhà để lấy. Như vậy mới thực hiện tốt việc phòng, chống dịch bệnh Covid-19”, chị Y Blúc chia sẻ.
Tượng thần dựng ở thôn Măng Rương được trang bị mũ bảo hiểm trên đầu.
Tượng thần dựng ở thôn Măng Rương được trang bị mũ bảo hiểm trên đầu.

Dựng tượng thần để “đuổi”… Covid-19

Ngọc Lây là một xã vùng sâu, vùng xa của huyện Tu Mơ Rông (tỉnh Kon Tum), 100% dân số là đồng bào Xơ Đăng. Những năm gần đây, đời sống người dân đang dần đổi thay từng ngày. Ngoài hệ thống cơ sở hạ tầng như điện, trường, trạm được xây dựng khang trang, sự đổi thay ở Ngọc Lây còn được thể hiện qua nếp sống, cách nghĩ của đồng bào Xơ Đăng nơi đây. 

Trong thời gian qua, cùng với không khí khẩn trương của cả nước trong việc phòng, chống dịch bệnh Covid-19, đồng bào Xơ Đăng ở xã Ngọc Lây cũng có những cách phòng bệnh rất đặc biệt. Đó là dựng tượng thần ở những nơi ra vào thôn để “đuổi” dịch bệnh Covid-19.

Ông Đặng Quốc Dũng - Chủ tịch UBND xã Ngọc Lây cho biết: “Ngoài nỗ lực phòng, chống dịch bệnh của ngành chức năng, các thôn ở xã Ngọc Lây còn thực hiện thêm nghi lễ thờ cúng thần làng rất độc đáo để đuổi dịch Covid-19. Người dân nơi đây dựng lên những bức tượng thần để xua đuổi dịch bệnh, nhưng thực chất là nhắc nhở người dân trong làng bảo vệ sức khỏe bản thân”.

Theo chị Y Blúc - Trưởng thôn Măng Rương, hàng nghìn năm về trước, người Xơ Đăng quan niệm những điềm xấu trong cuộc sống bắt nguồn từ “con ma rừng” gây ra. Để xua đuổi “con ma rừng”, người Xơ Đăng sử dụng nghi lễ dựng tượng thần trước cổng thôn làng. Và khi dịch Covid-19 bùng phát trên cả nước, chị được mời về xã họp bàn cách phòng, chống dịch. Sau cuộc họp, chị về nhà các già làng bàn giải pháp giúp người dân vượt qua đại dịch. 

Tượng thần ở thôn Măng Rương đeo khẩu trang để nhắc nhở người dân phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Tượng thần ở thôn Măng Rương đeo khẩu trang để nhắc nhở người dân phòng, chống dịch bệnh Covid-19. 

Cuộc họp của trưởng thôn và các già làng cuối cùng đưa ra quyết định toàn thôn tiến hành nghi lễ dựng thần làng. Việc dựng thần làng không chỉ mang ý nghĩa về tâm linh gắn với văn hóa người Xơ Đăng, mà từ đó nhắc nhở người dân thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch. Ngay lập tức, chị Y Blúc tập trung mọi người về trung tâm của thôn để thông báo tình hình dịch bệnh đang rất nguy hiểm. 

Đứng trước người dân thôn Măng Rương, chị Y Blúc nói: “Dịch Covid-19 đang hoành hành khắp nơi, ở các nước trên thế giới đã có hàng trăm nghìn người chết vì bệnh dịch. Mình đã thông báo tình hình dịch bệnh và bàn cách phòng dịch cho các già làng. Các già làng quyết định ngày mai sẽ dựng thần làng. Đám trai tráng lên rừng lấy cây cu ly, tre, nứa, lau; người già ở nhà đẽo tượng thần… để dựng thần làng”.

Chị Y Blúc bảo, để cả thôn đồng lòng, nhất trí dựng thần làng, chị phải tuyên truyền cho bà con nhận thức được sự nguy hiểm của dịch bệnh. Chị yêu cầu, bắt đầu từ hôm sau, người lạ từ nơi khác đến muốn qua cổng phải khai báo. Người lạ vào thôn 17h phải trở về, ai vi phạm sẽ bị phạt vạ. Người trong thôn hạn chế đi ra ngoài, nếu ra ngoài phải đeo khẩu trang để tránh nhiễm bệnh dịch. Người dân thực hiện không tụ tập đông người, thường xuyên vệ sinh chân tay.

Ngày hôm sau, nhóm trai tráng cầm dao, rựa lên rừng tìm loại cây cu ly, tre, nứa, lau làm nguyên vật liệu. Khi những thân cây cu ly được mang về, các cụ già trong thôn miệt mài đục đẽo tạo nên những pho tượng với những hình thù kỳ dị mang sắc thái khác nhau. Chị em phụ nữ chuẩn bị lương thực, thực phẩm cho lễ cúng tế mời rước thần linh.

Ngay trong ngày, ở mỗi cửa ngõ đi vào thôn đều được đặt 2 bức tượng thần đứng 2 bên đường, xung quang có những cây nứa, lau bảo vệ. Theo tập tục của người Xơ Đăng, 2 cây bắt buộc phải có là nứa và lau, bởi chúng rất sắc bén có thể xua đuổi tà ma, dịch bệnh. 

Khi mọi việc đã hoàn thiện, các chị em phụ nữ bày biện đầy đủ các sinh lễ để thực hiện cho lễ cúng tế mời gọi thần linh. Sau đó, các cụ già trịnh trọng khấn mời thần linh hiển linh phù hộ cho người dân trong thôn được khỏe mạnh, làm ăn được mùa, ngăn cản dịch bệnh. 

Từ đó đến nay, thôn Măng Rương tự cách ly sau 17h. Ngoài giờ lên nương rẫy, người dân hạn chế ra ngoài và tụ tập để tránh phát sinh dịch bệnh. Quy định của thôn đã đề ra nên mọi người đều nghiêm chỉnh tuân thủ.

Trên các tượng thần dùng để phòng, chống dịch bệnh Covid-19 ở thôn Măng Rương, nếu người dân không trang bị một mũ bảo hiểm trên đầu thì sẽ là chiếc khẩu trang che kín mặt. 

Lý giải điều này, chị Y Blúc chia sẻ: “Trang bị cho các tượng thần như vậy là để nhắc nhở, nâng cao ý thức cho người dân trong thôn. Người nào có việc đi ra bên ngoài thì phải đội mũ bảo hiểm, phải đeo khẩu trang y tế để phòng bệnh. Người nào hay quên thì khi đi qua những nơi ra vào thôn, nhìn thấy những tượng thần, họ sẽ lập tức quay về nhà để lấy. Như vậy mới thực hiện tốt việc phòng, chống dịch bệnh Covid-19”.

Đổi thay ở vùng đất thuốc

Theo ông Đặng Quốc Dũng, điều mừng nhất là sự chuyển biến về nhận thức của bà con. Không những đã thay đổi được nếp nghĩ, bà con Xơ Đăng còn thay đổi cách làm trong phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đi sâu vào sản xuất hàng hóa gắn với thị trường, phù hợp với điều kiện tự nhiên và lợi thế của địa phương. Bà con đang chuyển dần đất trồng lúa kém hiệu quả, từ đất trồng mì sang các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao hơn.

Ngọc Lây được thiên nhiên ưu đãi khi có khí hậu mát mẻ. Đặc biệt nơi đây là địa điểm có sự phân bố và triển vọng phát triển dược liệu. Trong đó, đáng chú ý là sâm Ngọc Linh - một loại cây dược liệu đặc hữu chỉ có ở vùng núi Ngọc Linh, đã được gọi là “Quốc bảo”.

Vài năm trở lại đây, khi giá trị của sâm Ngọc Linh được nhiều người biết đến thì bà con bắt đầu trồng sâm Ngọc Linh. Kết hợp với đó, người dân cũng đã tiến hành trồng thêm các loại cây dược liệu khác như: sâm dây, sâm đương quy, ngũ vị tử, sơn tra… Từ khi bắt đầu canh tác các loại cây dược liệu và đặc biệt là các loại sâm thì đời sống của người dân địa phương cũng dần đổi thay. 

“Con số thống kê toàn xã hiện có gần 200ha cà phê, gần 90ha bời lời và hàng chục ha cây dược liệu như: sâm dây gần 30ha, đương quy gần 15ha, sâm Ngọc Linh gần 14ha… không phải tự nhiên mà có. Đó là cả sự cố gắng của bà con trong xã. Cái đói đã được xóa, tỷ lệ hộ nghèo cũng giảm nhiều, hiện chỉ còn 172/482 hộ dân. Thu nhập bình quân đầu người 15 triệu đồng/năm và lương thực đầu người đạt 360kg/năm”, ông Dũng cho biết.

Để phát triển theo hướng bền vững, xã Ngọc Lây đã tiến hành quy hoạch 4 vùng để phát triển các loại dược liệu. Đồng thời, thực hiện tốt chủ trương dồn đổi, tích tụ đất nông nghiệp ở những nơi có điều kiện để xây dựng cánh đồng lớn phục vụ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và phát triển dược liệu, từng bước xây dựng và phát triển xã thành vùng chuyên canh trồng dược liệu gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm, tạo ra thương hiệu sản phẩm của xã. 

“Chính quyền địa phương cũng đã xây dựng kế hoạch, trình UBND huyện điều chỉnh bổ sung quy hoạch đất sản xuất nông nghiệp xã định hướng đến năm 2025, với tổng diện tích 700ha. Đây cũng là tiền đề để Ngọc Lây kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh vào đầu tư”, ông Dũng cho biết.

“Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, chính quyền thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở người dân đeo khẩu trang, hạn chế di chuyển và tụ tập nơi đông người. Việc những ngôi làng tổ chức dựng tượng thần làng, cho thấy ý thức phòng, chống dịch bệnh của người dân trên địa bàn huyện rất tốt”, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông A Hơn cho biết. 

Đọc thêm