Cần hành động để chấm dứt cảnh trẻ nhỏ bị bắt đi ăn xin, bán hàng rong giữa cái rét cắt da thịt ở Sa Pa

(PLVN) - Những ngày đầu năm 2021, Sapa chìm trong giá buốt, lạnh tái tê. Thế nhưng tại địa điểm du lịch này vẫn xuất hiện những em nhỏ liều mình trong giá rét để chèo kéo bán hàng, thậm chí ăn vạ du khách. Trẻ em vốn không có lỗi, nhưng chính bàn tay của người lớn đã đẩy chúng ra cảnh đời như vậy...
Cán bộ thị xã Sâp đọc loa kêu gọi du khách không cho tiền, không mua hàng của trẻ em mục đích để bảo vệ trẻ.
Cán bộ thị xã Sâp đọc loa kêu gọi du khách không cho tiền, không mua hàng của trẻ em mục đích để bảo vệ trẻ.

Những hình ảnh chèo kéo, ăn vạ du khách tại các địa điểm du lịch nổi tiếng chắc hẳn không khó để bắt gặp, đặc biệt phần đông trong số này là các em nhỏ. Tình cảnh đó ai đã đi du lịch Sapa chắc chắn đã trải qua không dưới một lần, vậy nhưng khi biết được câu chuyện đằng sau, khi biết được những người đứng giật dây, ép các bé phải ra đường lăn lộn giữa cái rét như cắt da cắt thịt mùa đông thì nhiều người không khỏi phẫn nộ. Trẻ em vốn không có lỗi, nhưng chính bàn tay của người lớn đã đẩy chúng ra cảnh đời như vậy...

Con nhỏ đi xin, mẹ ngồi ghế đá

Tại Sa Pa thì cảnh tượng hàng trăm trẻ nhỏ là người dân tộc địu em bé đang còn “đỏ hỏn” trên lưng đi xin tiền bán hàng rong khiến nhiều du khách xót xa, thương cảm. Các em đó có cha mẹ đi cùng và được hướng dẫn bán hàng, chèo kéo khách, sống vật vờ theo du lịch.

Cũng có ý kiến cho rằng vấn nạn này đã xảy ra từ lâu và bắt nguồn từ cách dạy dỗ trẻ nhỏ của người dân nơi đây, lợi dụng trẻ em để kiếm sống nhờ vào du lịch. Những  cách “chèo kéo và xin khách”, cách mời chào và bán hàng, trẻ em nơi đây đều được dạy dỗ rất chuyên nghiệp, đặc biệt với khách nước ngoài.

Hiểu được rằng các em bé phải đi bán hàng rong, ăn xin những địa điểm đông đúc đa phần đều có người lớn đứng phía sau giật dây và đôi khi đó là áp lực cuộc sống đặt lên vai các em, trẻ em vốn không có lỗi, vây nên nếu gặp phải tình cảnh này thì cũng cần có cách cư xử phù hợp nhất. 

Mới đây, trong một đoạn clip đang được lan truyền mạnh trên mạng xã hội, một cán bộ trên chiếc xe của Đội Kiểm tra trật tự đô thị, UBND phường Sa Pa (thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai), đang cầm loa đọc lời kêu gọi du khách không cho tiền cũng như mua hàng rong của trẻ em nhằm bảo vệ các em này.

“Trên địa bàn thị xã Sa Pa trong ngày đông giá buốt có những trẻ thơ đang bị ép đi ăn xin và bán hàng. Đây là hành động trục lợi trên thân thể trẻ em, đang vi phạm pháp luật về quyền trẻ em. Tổ công tác chúng tôi kính mong quý khách khi đi tham quan và du lịch trên địa bàn thị xã Sa Pa hãy vui lòng phản đối việc làm trên bằng hành động thực tế, không mủi lòng thương hại và cho tiền trẻ nhỏ, không mua hàng của các cháu.

Ảnh chụp những đứa trẻ địu em nhỏ đi bán hàng rong, xin tiền giữa thời tiết giá buốt.
Ảnh chụp những đứa trẻ địu em nhỏ đi bán hàng rong, xin tiền giữa thời tiết giá buốt. 

Như vậy là chúng ta đã góp phần bảo vệ quyền trẻ em. Bởi những bà mẹ béo ù, béo mập đang ngồi trên ghế đá công viên, quanh khu vực nhà thờ và sân quần Sa Pa để chờ những đứa trẻ thơ dại, dù chỉ 1, 2, 3, 4 tuổi đầu nhưng đã bị ép đi ăn xin trong những ngày đông giá buốt, thời tiết Sa Pa hiện chỉ 3 độ C.

Mỗi chúng ta cần phản đối hành động trên bằng việc làm thực tế: Không cho tiền và không mua hàng. Con chim còn biết công mồi về bú mớm cho con, các bậc làm cha mẹ đang trục lợi trên chính ruột thịt, con cháu mình, đây là hành động bất lương", người cán bộ kêu gọi.

Trong một clip ngắn khác, một cán bộ cũng coi việc ép trẻ đi ăn xin, bán hàng rong “không khác gì hành vi của xã hội đen, chăn dắt các cháu. Chỉ khác đó là các bà mẹ béo trục béo tròn, lười lao động, thích tiêu tiền”.

Giọng đọc truyền cảm của những người cán bộ và ngôn từ mạnh mẽ của bài kêu gọi gây ấn tượng mạnh cho cộng đồng mạng. Hàng trăm bình luận khen anh cán bộ đọc quá hay, quá xúc động, thống thiết, đi vào lòng người. Nhiều người góp ý nên thu âm bài kêu gọi rồi phát ra loa ở nhiều điểm công cộng để thông điệp đến được với nhiều người hơn và các cán bộ tuyên truyền đỡ vất vả.

Nhiều độc giả tâm đắc trích dẫn lại câu chỉ trích gay gắt nhắm vào cha mẹ những đứa trẻ bị ép ăn xin, chèo kéo bán hàng cho du khách: “Những bà mẹ béo ù béo mập đang ngồi trên ghế đá công viên, quanh khu vực nhà thờ và sân quần Sa Pa để chờ những đứa trẻ thơ dại…”. Hình ảnh gây phẫn nộ này góp phần khiến cư dân mạng ủng hộ việc tuyên truyền để du khách không tiếp tay cho những kẻ bất lương bóc lột trẻ em. Họ cho rằng nhiều địa phương khác cũng nên học cách làm này.

Xử lý nghiêm để bảo vệ trẻ em

Hành vi chăn dắt trẻ em ăn xin trên đường phố, cho dù là người ngoài chăn dắt hay thậm chí là cha mẹ các em, thì cũng là hành vi vi phạm pháp luật. Luật Trẻ em đã quy định, hành vi bóc lột trẻ em, bắt trẻ ăn xin bị nghiêm cấm, tuy nhiên về mặt pháp luật còn có khoảng trống. Từ trước đến nay, cũng có rất nhiều vụ việc chăn dắt trẻ em ăn xin được phát hiện, nhưng chúng ta chủ yếu xử lý bằng cách đưa các em trở về nhà, sau đó yêu cầu cơ quan pháp luật vào cuộc. Những hành vi này thường không bị xử lý hình sự mà chỉ xử lý hành chính nên chưa đủ sức răn đe, đặc biệt là đối với hành vi nhiều lần để trẻ em lang thang, ăn xin có tổ chức nhằm bóc lột sức lao động trẻ em.

Theo quy định của Luật Trẻ em, việc dụ dỗ, lôi kéo trẻ em đi lang thang và lợi dụng trẻ em lang thang để trục lợi là một trong những hành vi bị pháp luật nghiêm cấm, tùy tính chất, mức độ của hành vi vi phạm mà người vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc xử lý hình sự.

Thấy trẻ xin ăn, lang thang, gọi ngay 111

Nếu ai phát hiện, thấy trẻ em lang thang xin ăn trên đường phố, trẻ em bị bạo hành, xâm hại dưới bất kỳ hình thức nào thì báo ngay cho Tổng đài 111 (tổng đài quốc gia bảo vệ TE) để đường dây 111 kết nối, can thiệp và xử lý kịp thời.  

Về xử phạt hành chính: Theo quy định tại điểm b khoản 2 điều 23 Nghị định 144/2013/NĐ-CP, việc lợi dụng trẻ em lang thang để trục lợi sẽ bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng; buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm. Việc tổ chức, ép buộc trẻ em đi xin ăn hoặc sử dụng trẻ em để xin ăn sẽ bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng theo quy định tại điểm a, b khoản 3 điều 27 Nghị định 144/2013/NĐ-CP; buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.

Về xử lý hình sự: Nếu đối tượng lợi dụng trẻ em để đi ăn xin trục lợi có hành vi chăn dắt ép buộc, đối xử tàn ác, bắt trẻ em làm công việc nặng nhọc, độc hại, đánh đập, gây thương tích… mà đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì các đối tượng này sẽ bị xử lý hình sự về tội phạm tương ứng (tội “Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác”, tội “Hành hạ người khác”, tội “Làm nhục người khác” hoặc tội “Vi phạm quy định về sử dụng người lao động dưới 16 tuổi”...) theo quy định Bộ Luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017. Người vi phạm có thể bị phạt tù từ 3 tháng đến 20 năm hoặc tù chung thân.

Luật Trẻ em quy định Chủ tịch UBND cấp xã, huyện, tỉnh là người đầu tiên phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra vụ việc xâm hại trẻ em trên địa bàn. Theo Chỉ thị 23 của Thủ tướng về tăng cường các giải pháp thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em mới ban hành tháng 5/2020, người đứng đầu địa phương, người đứng đầu các cơ quan đơn vị làm công tác bảo vệ trẻ em ở địa phương phải chịu trách nhiệm về vấn đề này.

Đọc thêm